ClockThứ Sáu, 11/03/2016 07:02

Lương hưu cho lao động tự do

TTH - Ra trường không có việc làm, người trẻ tuổi làm đủ nghề để sống. Họ cật lực làm việc, song không nhiều người nghĩ đến chuyện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để có cuộc sống ổn định. Luật BHXH đi vào cuộc sống bắt đầu từ 1/1/2016 mở ra những chính sách, hỗ trợ thoả đáng, tạo điều kiện để mọi người dân cùng tham gia để có lương hưu mỗi khi không còn khả năng lao động.

Lao động tự do được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện 

Chưa mặn mà

Chúng tôi làm một khảo sát nhỏ ở những lao động tự do về đóng BHXH để có lương hưu thì nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện rất thấp ước khoảng 1.500 người; trong đó, đa phần là những người lao động đã đóng BHXH bắt buộc nên đóng thêm để đủ số năm để nhận lương hưu. Nhóm lao động tự do có mức thu nhập ổn định muốn tham gia song ngần ngại vì chưa hiểu rõ chính sách BHXH tự nguyện. Họ băn khoăn, liệu có nên tham gia loại hình bảo hiểm này hay mua bảo hiểm nhân thọ để phòng thân?. Còn nhóm lao động làm đủ ngành nghề trên đường phố lại không mấy mặn mà với việc phải trích từ hầu bao ít ỏi của mình để mua BHXH tự nguyện. Theo nhiều lao động, mức đóng thấp nhất bằng 22% mức lương tối thiểu, nghĩa là người tham gia phải đóng ít nhất là 253.000 đồng/tháng không phải ai cũng có khả năng đóng đủ 20 năm để nhận lương hưu. Chị Nguyễn Thị Thoa, người bán hàng tạp hoá ở phường Trường An (TP Huế) chia sẻ: Một tháng vợ chồng tôi có mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/ tháng với hàng trăm thứ phải chi tiêu nên rất chật vật. Bỏ tiền ra mua thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khoẻ mà còn chưa kham nổi huống chi mua BHXH để tính chuyện hưởng lương hưu. Nhiều khi vợ chồng tôi lo lắm, nhưng với khoản thu nhập thấp nên không dám nghĩ tiếp nên đành sống qua cảnh “mưa lúc mô, mát mặt lúc đó”.

Lao động khu vực phi chính thức, nhất là nhóm lao động di cư rất khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội. Theo kết quả nghiên cứu năm 2015 của Viện Khoa học BHXH với người lao động phi chính thức tại các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đồng Nai, có đến 22,5% không biết được quyền mua BHYT, BHXH tự nguyện một cách tự do; 16,6% không biết mua ở đâu. BHXH tự nguyện đối với lao động trong khu vực phi chính thức đang vấp phải rất nhiều rào cản. Chính người lao động chưa nhận thức và thiếu thông tin về chính sách BHXH. Hơn nữa, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, thiếu ổn định, cùng với việc người lao động chưa hiểu rõ quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT nên họ không “mặn mà” với các chính sách an sinh xã hội.

Hỗ trợ mức đóng cho lao động tự do

Nói về những giải pháp để hỗ trợ lao động tự do tham gia loại hình bảo hiểm xã hội, ông Trương Công Khả, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh cho hay: Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 đã có một số giải pháp linh hoạt để thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện. Thay vì quy định người đã hết tuổi lao động không được tham gia BHXH thì nay người lao động chưa đóng đủ 20 năm BHXH vẫn tiếp tục đóng. Mức đóng hàng tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ s ở tại thời điểm đóng. Nghĩa là, tính thời điểm hiện tại, mức chuẩn hộ nghèo để đóng BHXH thì mỗi tháng người lao động sẽ trích khoảng 150.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện. Lương hưu của lao động tự do cũng như các đối tượng khác, được điều chỉnh khi Nhà nước thay đổi.

Người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng bảo hiểm xã hội một cách linh hoạt với thủ tục hành chính đơn giản như đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quy định về mức hỗ trợ: đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% số tiền phải đóng, đối với người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và đối với các đối tượng khác được hỗ trợ 10%.

Thông tin này hấp dẫn lao động tự do, tuy nhiên, chính sách dù có hay, có nhân văn nhưng chỉ dừng lại ở luật pháp mà chưa đi đến người dân thì sẽ không có ý nghĩa. Rất nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc bảo hiểm xã hội cũng phải có cách “tiếp thị” đến tận người dân, để họ biết được ích lợi khi tham gia loại hình bảo hiểm có thể đảm bảo an sinh khi không còn khả năng lao động. Chị Huỳnh Thị Khoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thuỷ Biều (TP Huế), một trong những điểm thu BHXH tự nguyện cho biết: Đối với nhóm đối tượng là lao động tự do, phải có cách tuyên truyền đặc thù để họ hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện. Chúng tôi cần có những nội dung riêng, cách vận động cũng phải thiết thực, gần gũi để họ thấy sự cần thiết khi tham gia loại hình bảo hiểm của Nhà nước để đảm bảo cuộc sống sau này. Dẫu con số chưa nhiều, song nhiều người trẻ tuổi thuộc thế hệ 8X, 9X trên địa bàn đã đến đăng ký tham gia BHXH tự nguyện”.

Không thể phủ nhận vai trò và sự nỗ lực của mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội ở các phường xã, bưu điện và công ty bảo hiểm dầu khí PVI. Vì vậy, năm 2015, tỷ lệ lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện tăng 50% so với các năm trước. Đội ngũ này là những cây truyền thông chính trong hệ thống để làm sao cho nhiều người biết được chính sách bảo hiểm xã hội và người dân sẵn sàng tham gia.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN:
“Của để dành” cho mai sau

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, là “của để dành” khi hết tuổi lao động.

“Của để dành” cho mai sau
Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

Toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được chi trả lương hưu hàng tháng, chỉ chiếm xấp xỉ 24% tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn, số còn lại phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có nguồn thu nhập ổn định.

Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh
Thái Lan trước "quả bom hẹn giờ" già hóa dân số

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thái Lan là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới, nhưng dường như nền kinh tế nước này chưa chuẩn bị tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng dân số già.

Thái Lan trước quả bom hẹn giờ già hóa dân số
Return to top