ClockThứ Bảy, 13/05/2017 13:16

Lương hưu cho “lão nông”

TTH - Một chính sách dành cho nông dân ra đời gần 10 năm, nhưng nhiều người vẫn chưa hề biết đến đã bộc lộ sự bất cập. Thế nên, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Công ty bảo hiểm PVI Huế, một trong những điểm thu BHXH tự nguyện cho nông dân

Mười năm nhưng chính sách vẫn còn mới

Ông Lê Văn Minh ở xã Quảng Công (Quảng Điền) ngạc nhiên: "Tui suốt ngày làm đồng mà cũng có lương hưu như cán bộ Nhà nước à?".  Không riêng ông Minh mà hầu hết lao động tự do, nhất là lao động làm nông nghiệp gần như chưa tiếp cận thông tin về BHXH tự nguyện. Họ cho rằng, thu nhập phụ thuộc vào mấy sào ruộng, hết đồng áng lại quay sang chăn nuôi mà chẳng có tiền tích lũy. Lỡ không may mùa màng thất bát, trong khi, đóng BHXH tự nguyện lại có tính liên tục thì biết xoay xở thế nào. Ông Phạm Trường Sơn ở xã Bình Thành (TX. Hương Trà) e ngại: "Thời gian đóng bảo hiểm quá dài, hơn nữa trong lúc tham gia, có ốm đau cũng chẳng được hưởng chế độ gì. Tôi mua bảo hiểm y tế chắc chắn hơn”.        

Mới đây, tại buổi gặp gỡ báo chí ở Huế, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc làm và thu nhập của nông dân không ổn định. Họ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe giảm sút. An sinh xã hội của nông dân vẫn còn bỏ ngỏ dẫn tới nhiều bất lợi trong đời sống. Bản thân người lao động ở khu vực này kiến thức còn hạn chế, thủ tục đóng – hưởng chưa thông thoáng khiến nông dân ngại làm thủ tục.

Mức đóng cao, khó tiếp cận chính sách là nhận định của nhiều nông dân. Chính vì vậy, chính sách ưu việt này đã “tắc” khi về đến thôn, xã. Thu nhập của nông dân không ổn định, trong khi đó, giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015 mức đóng 18% lương tối thiểu là quá sức đối với lao động nông thôn. Mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ lại hạn chế, nên chưa giải quyết linh hoạt cho người lao động tham gia. Còn nhiều địa phương chưa đưa vấn đề BHXH tự nguyện cho nông dân vào công tác lãnh chỉ đạo, mà chỉ xem đó như chuyện riêng của ngành bảo hiểm.

Một hội viên Hội Nông dân phường Thuận Lộc (TP. Huế) tham gia BHXH hơn 1 năm

Điểm tựa của cả đời lam lũ

Bắt đầu từ năm 2016, BHXH tự nguyện mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng, đa dạng hóa các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng loại hình bảo hiểm này. Ông Võ Khánh Bình, Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh: "Mức đóng tối thiểu được hạ từ 22% mức lương cơ sở còn bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000đồng). Nông dân có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng. Chưa hết, từ 1/1/2018, họ được Nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Riêng người nghèo và cận nghèo, chỉ phải đóng hơn 100.000 đồng/tháng khi được Nhà nước hỗ trợ từ 25% đến 30%".

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (Phú Đa – Phú Vang), một trong những nông dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện lý giải, con cái lập nghiệp ở xa, vợ chồng đang khỏe mạnh có nguồn thu nhập từ ruộng, hoa màu đủ trang trải. Nhưng khi về già, không còn sức làm việc, không có tiền thuốc thang thì cũng chẳng xong. Lại còn ma chay, giỗ chạp… Thế nên, tôi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Vợ tôi sau khi kết thúc phiên chợ mỗi sáng đều bỏ vào ống 10.000 đồng để đóng BHXH hàng tháng.

Anh Đàm Văn Minh ở cùng xã năm nay mới ngót 40 tuổi. Đang lúc tráng niên, anh Minh làm thêm nghề hàn, trong một lần sơ ý, máy hàn  đã “nuốt” mất bàn tay trái. Anh bảo: “Trẻ thì không sao, vẫn kiếm ăn được nhưng lúc về già thì biết thế nào. Đóng chút tiền bảo hiểm, mỗi tháng tầm trên 150.000 đồng khi đến 60 tuổi là có lương rồi, khỏi lo”.

Không phải nông dân nào cũng có điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện. Thế nên, sẽ có nhiều mô hình gần gũi, thiết thực, theo kiểu “trả góp” hình thành ở các vùng nông thôn. Mượn tiền không lấy lãi từ các chi hội, người thân, sau đó, đến mùa lại đem trả bằng sản phẩm. Nhiều nông dân bắt đầu có thói quen tiết kiệm, cứ hễ đến mùa thu hoạch, lại dành dụm tiền để chuẩn bị đóng BHXH tự nguyện. Con cái ủng hộ bố mẹ, cứ hàng quý là đến đóng BHXH tự nguyện như một món quà để các cụ dưỡng già, phòng khi đau yếu. Ông Võ Vy, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Lộc (TP. Huế) bộc bạch: "Toàn phường có 12 người tham gia BHXH tự nguyện. Họ đóng khá nhiều mức, phù hợp với hoàn cảnh từng người. Chúng tôi nhân rộng mô hình mua thẻ BHXH tự nguyện từ những nông dân sản xuất giỏi. Cách thu tiền cũng linh hoạt hơn, thu hàng tháng, hàng quý hay hễ người nào mới thu hoạch sản phẩm đến đóng tiền chúng tôi cũng tiếp nhận".

Ông Nguyễn Văn Mỹ (Vinh Thanh – Phú Vang) bày tỏ: "Vợ chồng tôi đang tham gia đóng BHXH tự nguyện với mức hơn 260 nghìn đồng/người/tháng. Khi chính sách này được áp dụng, mỗi tháng chúng tôi giảm khoảng 1/3 số tiền đóng BHXH tự nguyện nên rất thuận lợi. Tôi sẽ cố gắng duy trì đóng đủ thời gian để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi. Tôi sẽ có thời gian để dưỡng già, giao tất cả phần ruộng của mình cho các con. Cả đời đánh bạn với ruộng vườn, tích cóp cũng được chút ít, lại có thêm khoản lương hưu kha khá nữa nên chẳng tội gì mà vất vả thêm cho nhọc cái thân già".

Niềm vui của nông dân là có thật nhưng việc giữ được những thành quả ấy bền vững, duy trì quỹ lâu dài là một việc không ai có thể chắc chắn. Mong muốn của họ, ngoài việc hỗ trợ về mức đóng, Nhà nước cần mở rộng thêm những chế độ hưởng cho nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Bởi lẽ hiện nay, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất.

Bà Phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, 750 hội viên tham gia BHXH tự nguyện là chỉ tiêu được Hội Nông dân tỉnh đặt ra trong năm 2017. Hội Nông dân và BHXH tỉnh đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Hội Nông dân sẽ xây dựng đại lý thu để tuyên truyền, phổ biến, đối thoại với nông dân về chính sách BHXH. Họ sẽ là những người truyền thông chính trong hệ thống để làm sao cho nhiều người biết được chính sách BHXH này và nông dân sẵn sàng tham gia.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN:
“Của để dành” cho mai sau

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, là “của để dành” khi hết tuổi lao động.

“Của để dành” cho mai sau
Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

Toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được chi trả lương hưu hàng tháng, chỉ chiếm xấp xỉ 24% tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn, số còn lại phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có nguồn thu nhập ổn định.

Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh
Thái Lan trước "quả bom hẹn giờ" già hóa dân số

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thái Lan là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới, nhưng dường như nền kinh tế nước này chưa chuẩn bị tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng dân số già.

Thái Lan trước quả bom hẹn giờ già hóa dân số
Return to top