ClockThứ Hai, 12/06/2017 05:46

“Ma trận” nước giải khát ngày hè

TTH - Việc có quá nhiều sản phẩm nước giải khát (NGK) trên thị trường khiến người tiêu dùng bối rối khi lựa chọn, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay.

Hàng trăm dòng sản phẩm NGK

Dạo quanh các chợ, siêu thị, cửa hàng, các quầy NGK không cồn, có hàng trăm dòng sản phẩm NGK được bày bán, từ nước có ga, không ga đến nước tinh khiết. Ngoài những sản phẩm được sản xuất trong nước, trên thị trường còn xuất hiện nhiều sản phẩm NGK nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

 Sản lượng bán ra của hầu hết các đơn vị kinh doanh NGK đều tăng từ 30% trở lên

Năm ngoái, hãng PepsiCo cho ra đời trà matcha và năm nay, lại có thêm sản phẩm mới My Café được kết hợp giữa cà phê sữa Việt Nam và matcha Nhật Bản. Các nhãn hàng nhắm đến tâm lý chuộng sản phẩm từ thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe để sản xuất ra những loại nước đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên đã cho ra thị trường các dòng sản phẩm mới, đặc trưng như trà xanh, trà thảo mộc, sữa trái cây...

Chỉ mới đầu tháng hè, sản lượng bán ra từ các loại nước uống tinh khiết đến nước ngọt các loại của Công ty TNHH Thương mại & Phân phối Vĩnh Thịnh, nhà phân phối của hãng Pepsi khu vực phía Nam TP. Huế đã tăng 7.000- 8.000 thùng, két các loại nước so với tháng mùa đông. Chị Dương Thu Huyền, giám đốc công ty cho biết, chỉ tiêu nhà sản xuất đưa ra cho mỗi nhà phân phối trong những tháng mùa đông khoảng 10.000 thùng, két thì qua mùa hè, chỉ tiêu này tăng lên 18.000 thùng, két. So với những tháng thấp điểm, trong tháng mùa hè, doanh số bán hàng của công ty tăng khoảng từ 30- 40%.

Ngoài những loại NGK công nghiệp đóng lon, đóng chai có thương hiệu, hiện nay, một số cơ sở tư nhân trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, một số cơ sở tư nhân ở TP. Huế, Hương Trà... còn tự sản xuất ra nước bắp, nước bí ngô, sữa gạo lứt... bày bán trên thị trường cùng với những loại NGK truyền thống khác như nước mía, chanh, trà đá, sinh tố, chè, đậu nành, đậu ván...

Trái với một số người thích dùng đồ uống “công nghiệp”, chị Hồ Hà Tiên, ở đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế lại chọn thức uống giải khát truyền thống như nước mía, dừa, chanh, rau má, hay nước dầm từ quả mận, đào, sấu... pha chế, hoặc nước từ lá cây rừng, thiên nhiên như lá vối, mắm nêm, lá đông... Theo chị Tiên, những loại thức uống này không chất bảo quản, vừa giúp giải khát vừa tốt cho cơ thể.

"Chóng mặt" chọn NGK an toàn

Có quá nhiều sản phẩm NGK, nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn và được hưởng ưu đãi nhờ sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất. Nhưng mặt trái của nó lại khiến người tiêu dùng nảy sinh tâm lý dè chừng về chất lượng, khó chọn đúng sản phẩm khi hầu hết đều được quảng cáo bằng những lời "có cánh".

Trên thị trường xuất hiện nhiều loại NGK mới “du nhập” như trà sữa và rất được giới trẻ yêu thích. Giá của những loại nước này từ 5.000- 10.000 đồng/ly, tương đương với mức giá của các loại NGK đóng lon, chai khác. Tuy nhiên, với một thị trường nước ngọt, NGK quá phong phú, đa dạng nên rất khó kiểm soát và kiểm chứng về chất lượng, nhãn hàng hoá.

Theo chị Võ Thị Lê, chủ DNTN Vạn Tâm, đường Điện Biên Phủ, TP. Huế, là cơ sở làm ăn uy tín, nên doanh nghiệp chỉ nhập các sản phẩm của các hãng có thương hiệu, tên tuổi lớn và hoàn toàn tẩy chay với những tiếp thị viên mời chào sản phẩm trôi nổi, chưa hề nghe qua trên thị trường.

“Thời buổi vạn người bán, mình làm ăn cần chữ tín để duy trì lâu dài, chỉ cần bán hàng kém chất lượng, nhãn hiệu giả mạo là mất khách ngay. Ngay những ngày hè nắng nóng, dù lượng khách ghé mua mặt hàng NGK, nước ngọt tăng cao từ 20- 30%, nhưng mình vẫn không tăng giá bán, bán theo giá nhà phân phối cung cấp", chị Lê nói.

Dạo quanh một vòng ở các bệnh viện, trường học, công viên, dường  như biết được sự “thông thái” của khách hàng nên đa phần giá bán ở các hàng quán vỉa hè, quán cóc cạnh những khu vực này không xảy ra hiện tượng chặt chém. Giá nước ngọt hay nước suối có đắt hơn so với các quầy hàng bán sĩ, lẻ khác từ 2.000-3000 đồng một lon hoặc chai các loại. Theo nhiều khách hàng, mức giá chênh lệch này được “áp” từ trước đến nay chứ không phải chỉ trong những ngày hè, nên tâm lý người mua vẫn vui vẻ chấp nhận. Điều quan tâm nhất của người tiêu dùng là chọn mua loại NGK nào an toàn, tốt cho sức khỏe.

Ông Dương Đắc Hoan, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường phụ trách các địa bàn phân công tăng cường kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa và điều kiện kinh doanh đối với các thương nhân tại các trung tâm thương mại, các chợ và các địa điểm kinh doanh khác.

Thông qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng hướng dẫn cho các thương nhân ký cam kết không kinh doanh các loại NGK không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác không rõ ràng và chấp hành đúng các quy định kinh doanh về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, nếu uống phải loại NGK không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng thường xuyên nước ngọt có ga hay nước ngọt có nhiều chất hóa học thì rất nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch & Đầu tư), hiện trên địa bàn tỉnh có 393 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ngành nghề sản xuất, mua bán nước tinh khiết, NGK, nước ngọt, bia, rượu có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, còn có rất nhiều điểm kinh doanh theo hình thức hộ cá thể, nhỏ lẻ khác, nên sản lượng NGK tiêu thụ trên thị trường trong dịp hè rất lớn.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch

Thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt là khách Tây hiện nay không chỉ nằm ở tài nguyên, sản phẩm du lịch hay cảnh quan văn hóa - lịch sử mà ở vẻ đẹp chân phương của con người, tính chuyên nghiệp trong cách làm du lịch và tạo được dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch, trải nghiệm của du khách.

Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch
Return to top