ClockThứ Bảy, 17/02/2018 12:46

“Made in... Hue “

TTH - Ba mươi lăm năm sống ở quê nhà và ba mươi lăm năm sống ở quê người, tôi vẫn thường nghĩ về Huế như chiếc nôi văn hóa và tình cảm cho mình, cho những người dân gốc Huế dẫu ở phương trời nào.

Bóng gương

Báo Xuân Mậu Tuất 2018 năm nay, khi mời viết bài, tôi được chủ biên cho biết là viết về chủ đề “Made in Huế”! Câu hỏi đầu tiên hiện ra tức thời là “Cái chi từ Huế?” Những hình ảnh lướt qua rất nhanh khi nghĩ đến Huế là khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, điệu sống trầm lặng và nếp sống thanh đạm của một vùng quê hương miền Trung Việt Nam khiêm tốn.

Du lịch trên những thành phố lớn của thế giới có người Việt sinh sống, tôi vẫn tìm thấy Huế qua những tiệm ăn, cửa hàng với các dấu hiệu điển hình về Huế, như: bún bò Huế, mè xửng Huế, nón bài thơ Huế, áo dài Huế, tranh thêu Huế và cả... màu tím Huế. Rất nhẹ nhàng, Huế đã lắng sâu vào lòng dân tộc. Những gì “made in Hue” thì cũng chính là “made in Vietnam”.

Trên bước đường tha hương, có người Việt Nam nào mà không xúc động sâu xa khi nhìn trong hàng hàng lớp lớp hàng hóa của các nước khắp nơi trên thế giới có món hàng làm tại Việt Nam - “made in Vietnam”.

Khi còn ở Huế, người Huế thường ít khi mang Huế qua khỏi bên kia đèo Hải Vân hay vượt dòng sông Mỹ Chánh. Ai muốn đội nón bài thơ, ăn bún Vân Cù, ăn cơm hến Huế thì tới Huế mà giao lưu, ăn uống. Phải chăng nhờ tinh thần... bảo thủ như thế mà hôm nay đi khắp đất nước từ Nam chí Bắc thì hầu như chỉ còn một thành phố mang được dáng xưa, đó là Huế.

Ngày nay, người dân Huế như đàn chim tung cánh bay khắp bốn phương trời. Ở đâu có được dăm ba gia đình người Huế là đã có một hình thức biểu hiện “lai lịch Huế” như hội Huế, nhóm Nhớ Huế, hội Quốc Học, Đồng Khánh... ra đời. Có thể nói, hành trang lớn nhất mà người Huế mang theo đến xứ người thuộc về giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Đó là phong cách Huế, văn hóa Huế và tâm lý tự hào về di sản Huế kế thừa trong thân phận những người con xa quê.

Phong cách Huế là nét tiêu biểu nhất trong văn hóa Huế. Đó là cách ứng xử chừng mực, nhẹ nhàng trước những hoàn cảnh khác nhau: Người đó có thể là một thương gia, một sinh viên đại học, một thợ làm móng tay, một người làm vườn… ở các quốc gia, nhưng “kiểu Huế” của mỗi nhân vật đều đòi hỏi hay ít nhất là đối tượng tiếp xúc trông chờ là thái độ khoan hòa và cách làm việc không vội vàng bợp chợp. Nghĩa là phong cách tiêu biểu của Huế phải từ tốn, dè dặt, hài hòa trong tương quan xử thế tiếp vật.

Cách ăn, điệu ở kiểu Huế cũng đã thành huyền thoại bởi Huế từng là kinh đô của vương triều nhà Nguyễn. Những món ăn, cách trang phục, nghệ thuật làm dáng của phụ nữ, cách “làm đày” của các bà trung niên, kiểu gia trưởng của các ông có địa vị xã hội (từ nhất phẩm triều đình đến cửu phẩm hàng dân dã) từ bốn phương dồn tụ vào Huế đều được sàng lọc, chế biến, gia giảm hương vị, “trang hoàng gọt tỉa” sao cho phù hợp với điệu đà, kiểu cách của con nhà quý phái, có nề nếp gia giáo.

Món ăn thì coi trọng phẩm hơn là lượng. Từ những món tôm chua, cua mắm phía Nam... đều được cải biên, chế tác theo phong cách mới. Ngay cả những món ăn nhà nghèo như canh hến, cơm nguội từ bữa cơm chiều hôm trước thì dần dà cũng phải được chế biến thành món cơm hến Huế độc chiêu. Cũng như món bún bò Huế khiến tay sành ăn lừng danh quốc tế như Anthony Bourdain cũng xuống chợ Đông Ba ăn ngon lành và tuyên bố rằng, “đây là món súp tuyệt chiêu hàng đầu thế giới”. Ngoài ra, những món chả Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít ram… Huế cũng là những món ăn tao nhã về hình thức và đậm đà về hương vị. Sản phẩm ẩm thực thuần Huế đang được ưa chuộng không chỉ riêng cho người Việt mà còn đối với nhiều sắc dân trên toàn thế giới.

Đi sâu vào sự lắng đọng của cuộc sống là tinh thần. Nếp sống tinh thần và tâm linh của Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại giúp giữ được sự thăng bằng cho đời sống bên trong cũng như bên ngoài. Từ Thành Nội cho đến những vùng Nam Giao, Kim Long, An Hòa, Bao Vinh, Gia Hội, Vỹ Dạ thì hầu như nhà nào cũng có bàn thờ nghiêm cẩn bên trong và những hình thức am miếu bên ngoài. Đặc biệt, các chùa viện Phật giáo Huế thường mang một vẻ thuần khiết và tôn nghiêm. Khi ra nước ngoài, tinh thần Phật giáo Huế lại càng được thể hiện đậm nét tinh cần hơn trong mọi địa phương và hoàn cảnh.

Giọng Huế “trọ trẹ” theo âm bậc ngũ cung cũng là một đề tài thú vị. Thế nhưng khi xa quê, tiếng Huế không phát huy theo chiều rộng thông thường mà nhập vào chiều sâu của ngôn ngữ. Bộ Từ điển Tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức in lần thứ 3 năm 2009 với hai cuốn thượng và hạ quy tụ tới 2.050 trang in trên khổ lớn, chữ nhỏ được tác giả chuyên tâm biên soạn trong suốt 18 năm, là một “hiện tượng ngôn ngữ” độc đáo. Chưa có một phương ngữ nào, kể cả trong và ngoài nước, ở tầm mức của một tỉnh thành, một Cố đô lại có đủ bề dày để tập đại thành một tác phẩm gần với Bách khoa Từ điển như thế.

Nếu hỏi: “Cái chi từ Huế?” với một người đã xa Huế hơn nửa đời người thì câu trả lời thật không đơn giản vì Huế có quá nhiều giá trị thấy được nhưng đồng thời cũng có những “sản phẩm” tinh thần thông qua cảm nhận và ý thức. Đó không phải là một khái niệm nghịch lý mà là một ý tưởng hợp lý theo vị thế và hoàn cảnh của từng người như cả vũ trụ này là “không” đối với một bậc chân tu; nhưng là “có” đối với một nhà khoa học.

Bài: Trần Kiêm Đoàn

Ảnh: Hạnh Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Đầu năm nghĩ về hạnh phúc

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số đo lường hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Đầu năm nghĩ về hạnh phúc
Tết nội, tết ngoại

Mỗi lần lên nhà con gái trên phố thăm chơi rồi về, bà lại “ca sáu câu” về chàng rể. Không rành công việc của con nhưng việc nhà thì chỉ thoáng qua, bà đã tấm tắc. Theo bà, rời công sở về đến nhà là con rể luôn tay, từ quét nhà, giặt đồ đến đón con hay chùi buồng tắm. Mẹ vợ ái ngại nhìn chàng rể lau bàn ăn, rửa chén bát rồi xách rác đi đổ sau bữa tối, trong khi con gái cho cháu ăn. Đến xách xô nước hay bê bịch gạo từ hiên vô nhà, chồng cũng nhanh nhanh tranh phần: “Để anh, để anh”.

Tết nội, tết ngoại

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top