ClockThứ Tư, 21/06/2017 06:16

Mạng xã hội có phải là đối thủ của báo chí?

TTH - Có ý kiến cho rằng, báo chí đã thua mạng xã hội, mà điển hình là facebook, trong cuộc đua thông tin. Có đúng như vậy không?

ĐỒ HỌA: MAI VIÊN

Kết quả khảo sát tại 26 quốc gia trên thế giới của Viện nghiên cứu báo chí Reuters thuộc đại học Oxford (Anh) cho biết, trung bình một cá nhân tiêu hết 1 giờ 51 phút mỗi ngày cho mạng xã hội (MXH), trong đó, riêng facebook (FB) đã là 50 phút. Đặc biệt ở Brazil, thời gian mỗi người dân dành cho MXH lên đến 3 giờ 37 phút, trong khi thời gian xem truyền hình chỉ là 1 giờ mỗi ngày. Thậm chí, 44% số người (tại 26 quốc gia được khảo sát) còn xem FB là nguồn tin chủ yếu, chứ không phải là báo chí, theo báo điện tử Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Không phải nhanh, mà là quá nhanh!

 Đó chính là ưu thế thông tin của MXH. Tin tức trên FB rất nóng hổi, vì nó được đưa ngay tức thì, từ hiện trường. Không chỉ lời tường thuật mà đi kèm là những hình ảnh sinh động, không chỉ một ảnh mà cả loạt ảnh, không chỉ ảnh tĩnh mà cho xem luôn hiện trường qua camera tường thuật trực tiếp bằng công cụ livestream của FB. Không chỉ thế, mạng xã hội còn là không gian tự do, dường như ai cũng có thể đưa tin và thoải mái bình luận (comment). Đó là những lợi thế của MXH và cũng là lý do để FB thu hút đến 1,7 tỷ người trên thế giới sử dụng (theo Viện nghiên cứu báo chí Reuters).

Lợi thế bao nhiêu thì “hại thế” cũng bấy nhiêu, nếu người sử dụng không đủ điều kiện để kiểm soát. Đó là mặt trái của truyền thông MXH. Không phải mất thời gian để kiểm chứng thông tin và không phải qua kiểm duyệt như báo chí, thì thông tin trên MXH nhanh hơn báo chí là điều đương nhiên. Nhưng giá trị của thông tin không chỉ nằm ở chữ “nhanh” mà còn phải có chữ “tin” (cậy). Nhanh thì rất dễ sai. Thấy gì nói nấy nên rất dễ ngộ nhận, suy diễn bằng cảm tính, thông tin không đầy đủ. Cứ thấy nước lũ lên là la làng: “lụt to rồi”. Thậm chí có người còn cố tình phóng đại sự việc để “câu view, câu like”, đôi khi chỉ để nhằm “giải quyết khâu oai”. Các “phóng viên phây” cũng cạnh tranh nhau đến mức phải lấy lại ảnh cũ của cơn lụt lớn ở Quảng Bình và Hà Tĩnh năm 2010 để đưa tin cho lụt 2016. “Facenews” đã trở thành fakenews (tin giả). Những bức ảnh “giả như thật” này đã khiến cho một số tòa báo mắc lừa đăng lại và phải đính chính đến khổ sở.

Thấy gì nói nấy nên thích gì thì bình luận nấy. Không gian tự do của MXH trở thành một cái chợ, thậm chí thành “bãi gạch đá”. Ngoại trừ những trang MXH của các nhà báo chuyên nghiệp hoặc các Facebooker (người sử dụng Facebook - FBker) có năng lực kiểm soát cao, còn lại thì hầu như nhiều “người chơi phây” đều thiếu điều kiện để kiểm chứng thông tin, nhưng vẫn hăng say đưa tin. Và kết cục là chủ nhân tài khoản facebook cứ tưởng “không ai biết mình là ai” đã bị chính quyền xử phạt, như trường hợp của một FBker ở tỉnh Đắk Nông, người đã gây sốt trên mạng với tấm ảnh vu vơ gán ghép cho vụ việc “giáo viên tại tỉnh Hà Tĩnh tiếp khách”, vào tháng 12/2016.

ĐỒ HỌA: HƯƠNG TRÀ

 Mạng xã hội - đối thủ đáng gờm của báo chí?

Nếu loại trừ các “trang phây” nhảm nhí và “quá rảnh”, thì sẽ thấy thông tin trên MXH rất đáng để cho người ta cứ khoảng một giờ là phải mở điện thoại ra xem có gì mới. Tất nhiên, người ta vào “phây” không phải chỉ để xem tin tức mà còn để gặp gỡ bạn bè, chia sẻ tình cảm, trao đổi công việc, giao dịch mua bán... Nhưng với những tin tức mới lạ, và nhất là những “tiết lộ động trời” về bí mật của các vị quan tham nhũng, những người của công chúng... khiến cho người ta phải vào FB để đọc. Những thông tin mà họ không thể tìm thấy trên các trang báo chính thống trong nước.

Khi báo chí không còn là mình thì MXH sẽ thay thế báo chí. Hay nói cách khác, khi các FBker biết phát huy tối đa thế mạnh của MXH, và hạn chế mặt trái của nó, thì MXH quả là một đối thủ đáng gờm của báo chí. Cùng với sự lớn mạnh của truyền thông MXH thì truyền thông báo chí lại liên tục giảm sút, nhất là báo in - loại ấn phẩm truyền thống, do sự phát triển quá nhanh của các thiết bị di động, và do chính sự “tự hạn chế” của báo chí. Nhiều nhà bình luận cho rằng MXH đang thắng thế, và một ngày không xa, nó sẽ cho báo chí ra rìa trong cuộc đua thông tin. Nhiều độc giả của báo chí đã bỏ báo giấy để đọc tin tức trên FB. Khảo sát của Viện nghiên cứu báo chí Reuters tại 26 quốc gia trên thế giới cho thấy 44% số người cho biết họ xem FB là nguồn tin chủ yếu. Đồng thời với việc lôi kéo độc giả, MXH cũng đã thu hút mạnh nguồn thu quảng cáo của báo chí. Cục quảng cáo tương tác của Mỹ (IAB) cho biết trong năm 2015, Facebook (và Google) đã chiếm tới 64% thị trường quảng cáo digital ở nước Mỹ, với trị giá  59,6 tỷ USD (theo Vietnam Plus).

Tiến sỹ Adam Fraser thuộc tổ chức Echo Junction (Australia) đã viết một cuốn sách với nhan đề mà thoạt nghe báo chí không thể không lo ngại: “Tương lai dường như thuộc về Facebook và Google”.

Báo chí không nên cạnh tranh với mạng xã hội!

Theo nhà báo Mathew Ingram của tạp chí Fortune (Mỹ), cho đến bây giờ, “FB vẫn không có chứng cứ nào cho thấy họ thực sự hiểu hoặc quan tâm tới bản chất của báo chí”. Điều đó có nghĩa FB không phải là báo chí, dù có người nhận định rằng, với 1,7 tỷ người sử dụng mỗi tháng trên toàn cầu, FB đã trở thành một tờ báo lớn nhất thế giới. Theo tôi, FB là một nguồn tin lớn, một thị trường mới của báo chí thì đúng hơn.

MXH là xã hội trên mạng. Nó là một xã hội ảo nhưng nhiều khi nó lại thật hơn cả xã hội thật. Đó chính là nơi để nhà báo đến săn tin. Một cái “chợ tin” khổng lồ và hết sức hấp dẫn. Nếu bạn vào một cái chợ ồn ào huyên náo, bạn chỉ nghe được vài người. Nhưng khi bạn vào FB, bạn sẽ nghe rõ rất nhiều người nói gì. Tin tức, đề tài cho các bài điều tra, phóng sự... chính là từ đó chứ đâu nữa!

Nếu thông tin trên facebook nhanh hơn, đương nhiên như đã nói trên đây, thì tin tức của báo chí là chính xác và chính thống. Độc giả không chỉ đòi hỏi tin nhanh, tin nóng mà dứt khoát tin đó phải chính xác, được dẫn từ những nguồn chính thống, rõ ràng, tin cậy, đưa tin có mục đích. Vì vậy, báo chí cần phải kiên định nguyên tắc là người đưa tin chính xác, khách quan, vì lợi ích xã hội. Báo chí cần phải cung cấp cho độc giả những thứ mà MXH không có, đó là: phóng sự, điều tra, bình luận... Thông tin trên báo chí bây giờ không còn đơn giản với công thức 5WH (who, what, where, when, why, how), những thứ đó người đọc đã tìm thấy trên FB rồi. Báo chí lúc này cần phải cung cấp cho độc giả những thứ “hơn cả tin tức”, đó là: thái độ, quan điểm, giải pháp.          

FB không phải là đối thủ cạnh tranh của báo chí, mà đã là công cụ để báo chí nối dài thông tin, để tương tác với độc giả, để phát hành báo, và khi số lượng người đọc cao thì tòa báo có thể thu tiền từ việc đặt quảng cáo ở trên fanpage. Đó là chưa kể đến các tiện ích của FB - công cụ cho các phóng viên chuyển tin tức, hình ảnh và video về tòa soạn ngay từ hiện trường. Một số tòa soạn báo điện tử ở Việt Nam hiện nay đã sử dụng FB để điều hành phóng viên, nhận tin bài, một cách nhanh chóng, thuận lợi và ít tốn kém. Phóng viên dùng công cụ messenger của FB để khai thác thông tin, phỏng vấn nguồn tin, thăm dò phản ứng dư luận. Nhiều nhà báo lớn đã biến trang FB của mình trở thành tờ báo có rất đông người đọc.

Vậy thì, mạng xã hội là đối thủ đáng sợ hay là cơ hội phát triển của báo chí? Câu trả lời nằm ở các tòa báo, chứ không phải là trên mạng xã hội!

Các nhà báo, hãy ngừng đuổi theo MXH. Hãy tập trung sản xuất nhiều nội dung chuyên sâu chất lượng cao để cung cấp cho xã hội những kiến thức cần thiết và những thông tin đúng sự thực. Giành lại niềm tin của độc giả là giải pháp giúp giảm thiểu vấn nạn tin giả đang tràn lan.

 (Trách nhiệm của báo chí trong thời “tin vịt” lên ngôi - bài đăng trên VietnamPlus)

MINH TỰ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top