ClockThứ Ba, 10/04/2018 05:45

Mắt sáng cho người cao tuổi

TTH - Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động từ năm 2010 và chính thức được triển khai ở Thừa Thiên Huế từ đầu năm 2013 đã góp phần ngăn chặn tình trạng mù lòa cho người cao tuổi, nhất là các đối tượng ở vùng nông thôn, có điều kiện khó khăn.

Y đức & chất lượngBệnh viện Mắt Huế: Đạt chất lượng bệnh viện xuất sắcBệnh viện Mắt: Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh

Cụ Phạm Tự được kiểm tra lại mắt sau phẫu thuật đục thủy tinh thể

Hạnh phúc nhân đôi

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế cho biết, từ năm 2013 đến nay, chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” do Hội Người cao tuổi Thừa Thiên Huế đứng ra làm cầu nối phối hợp với Bệnh viện Mắt Huế đã triển khai 109 đợt khám tại các xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã khám và tư vấn các bệnh về mắt cho 20.655 người cao tuổi, chuyển viện phẫu thuật mang lại ánh sáng cho 2.440 người.

Theo đánh giá của ông Hồ Viết Lễ, Trưởng Ban liên lạc Hội Người cao tuổi tỉnh, mặc dù thời gian đầu còn chệch choạc, song gần đây, nhờ sự phối hợp đồng bộ, sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành, nên hoạt động thăm khám và hình thức chữa trị đã đổi mới, mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ người cao tuổi được khám và chỉ định điều trị tăng lên.

Điều mà ông Hồ Viết Lễ tâm đắc là nhiều trường hợp phải chịu cảnh mù loà trong nhiều năm làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đã vui mừng khôn xiết khi được trả lại đôi mắt sáng nhờ có chương trình này. Có cụ cao tuổi ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) mù trong nhiều năm liền, nhưng khi được chỉ định mổ, mắt sáng rõ trở lại, cảm xúc của cụ như được sinh lần thứ 2.

Ông Nguyễn Văn Lợi, 84 tuổi, ở Thủy Châu, Hương Thủy chia sẻ: “Mắt trái của tôi có hiện tượng nhòa, nhìn kém từ 2 năm nay nên việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Dù rất muốn mổ, nhưng vì điều kiện gia đình còn eo hẹp nên tôi cố chịu khó “nín”. Đợt vừa rồi, nhờ có chương trình đưa lên tỉnh mổ không tốn một đồng, cả 2 mắt tôi giờ đã rõ hơn. Bây giờ, tôi có thể xem tivi, đạp xe đạp thể dục, thăm bà con xóm giềng mà không phải phụ thuộc con cháu”.

Ông Phạm Tự, 88 tuổi, ở Phú Diên, Phú Vang hết sức vui mừng khi mắt trái của ông sau khi phẫu thuật sáng hơn cả con mắt lành bên phải. Ông Tự kể, không để ý mắt mờ từ lúc nào, nhưng có hôm đột nhiên lấy tay che mắt phải thì ông không thấy gì. Được khám sàng lọc và cho biết bị đục thủy tinh thể phải mổ, ông không ngần ngại làm theo chỉ định của bác sĩ. Nhập viện hôm thứ 2, mổ sáng thứ 3 và đến sáng thứ 4 thì mắt ông đã bình phục hoàn toàn và chuẩn bị thủ tục xuất viện.

Tiếp tục đồng hành

Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động mắt sáng cho người cao tuổi, kế hoạch năm 2018, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Bệnh viện Mắt Huế tổ chức khám miễn phí, điều trị các bệnh mắt thông thường và tư vấn nâng cao kiến thức để biết dự phòng các bệnh về mắt cho 6.000 người. Qua khám sàng lọc, trường hợp nào cần điều trị hoặc phẫu thuật do đục thủy tinh thể, quặm, mộng… sẽ được chỉ định thực hiện đến cùng.

Trước đây, tỷ lệ tham gia điều trị, phẫu thuật thấp hơn so với chỉ định do nhiều trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có người đưa đón nuôi dưỡng, hoặc còn nghi ngại sợ mổ..., nhất là giai đoạn 2013 - 2015, số lượng điều trị sau chỉ định chỉ đạt 50,4%. Nhưng qua những đợt truyền thông và minh chứng từ các trường hợp tham gia phẫu thuật hoàn toàn miễn phí 100%, được đưa đón tận nơi, chăm sóc kỹ lưỡng và thời gian từ khi nhập viện, phẫu thuật đến ra viện không quá 3 ngày nên đã tạo sự tin cậy cho người cao tuổi tham gia chương trình.

Ông Hồ Viết Lễ băn khoăn khi mặc dù được chương trình hỗ trợ 100%, từ việc thăm khám, có xe đưa đón tận nơi những trường hợp cần phải phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Huế cho đến mọi chi phí khác, song có trường hợp đã bỏ lỡ cơ hội tốt này. Có những đợt khám được các bác sĩ chỉ định 45 trường hợp phải mổ, nhưng đến phút chót có khi chỉ có 30 trường hợp tham gia. Do đó, ngoài sự hỗ trợ của chương trình, sự tận tâm, hết lòng của đơn vị cầu nối và chuyên môn, chính người thân của người cao tuổi là chỗ dựa tinh thần quan trọng để khích lệ, động viên các cụ điều trị đến cùng để đem lại đôi mắt sáng, khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Hùng, hiện nay, số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh bị các bệnh về mắt chiếm tỷ lệ khá cao, đây là nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa nếu không được khám, phát hiện và chữa trị kịp thời. Điều thuận lợi là phần lớn các bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật đều có thẻ bảo hiểm y tế nên mọi quyền lợi của người đóng bảo hiểm được hưởng đầy đủ theo chế độ cùng với sự hỗ trợ của chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản: Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20% tổng số hộ gia đình vào năm 2050

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản cho biết, đến năm 2050, 10,8 triệu người cao tuổi ở nước này sẽ sống một mình, chiếm 20,6% tổng số hộ gia đình, đánh dấu sự gia tăng kể từ năm 2020, khi chỉ 7,37 triệu người già - tương đương 13,2% tổng số hộ gia đình, sống một mình.

Nhật Bản Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20 tổng số hộ gia đình vào năm 2050
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top