ClockChủ Nhật, 04/03/2018 06:35

Mẹ

TTH - Cuộc đời mẹ y như cổ tích. Không phải tôi khoa ngôn để tạo ấn tượng cho câu chuyện, những điều tôi kể hoàn toàn là sự thật.

Ai cười, ai khócKhách trọKẻ cắp

Mồ côi tội lắm ai ơi…

Ông ngoại là thầy giáo, ông bị Tây bắt và lấp vào một cái hố chôn tập thể ở Hảo Sơn (Phú Yên) khi mẹ đang là cái thai hai tháng. Mẹ ra đời tròn năm thì ông cố ép bà ngoại tái giá. Nước mắt vắn dài, ngoại bỏ mẹ cho cố rồi theo chồng.

Tuổi thơ mẹ bầm dập từng ngày.              

Về với cố là vì mẹ không còn chỗ cưu mang chứ khổ lắm. Không phải tôi to gan nói hành nói tỏi bề trên mà chỉ muốn kể rất thật câu chuyện của mẹ. Cố không làm được chuyện đồng áng mà chỉ thích đánh bài, bói toán. Cảnh nhà như vậy nên mẹ phải đi ẵm em kiếm cơm từ nhỏ. Lớn một chút thì mang cái hông nổi hột nổi hạt đi làm thuê cuốc mướn hết đồng nhà đến đồng người… Rồi mẹ cũng yên bề gia thất, sanh con.

Những bài học của mẹ

Chiến tranh đi qua, mẹ lại một nách mẹ chở che, bảo bọc mấy đứa con. Mẹ là người đàn bà lực điền, tất tật những công việc nhà nông mẹ đều thành thạo. Từ cuốc đất, bón phân, cày bừa, cắt cấy, gánh gồng… mẹ đều làm giỏi.

Một mình với bảy đứa con, mẹ “đối trị” bằng cái roi mây gác dưới bếp. Không phải bạ đâu đánh đó, nhưng nếu có tội thì cây “gia quy” được rút ra liền. Lần đó tôi rằn rực, tráng mắt tráng mũi khi mẹ bẻ đôi trái bắp của tôi chia cho con bé mồ côi hàng xóm. Mất nửa trái bắp, tôi phẫn nộ hét to: “Đồ không biết nhục, suốt ngày đi ăn chực!”. Con bé còn nhỏ mà tự trọng bằng trời. Nó vứt nửa trái bắp xuống đất, ngay chỗ tôi đứng rồi quẹt nước mắt chạy về. Có nhiêu vậy mà cũng ăn roi ngon nghẹn. Mẹ quất cho mấy roi vào mông:  “Miếng ăn không to đến mức mất một miếng là lộn gan lên đầu. Con cho bạn nửa trái bắp, lần sau sẽ có người cho con lại nửa trái cam. ”. Hồi ấy ăn roi xong thì nghĩ mình bị oan chứ không hiểu gì về cái lí lẽ sâu xa mà mẹ giảng đác đâu. Sau này lớn lên, đời dạy tôi cặn kẽ bài học cho – nhận, tôi hiểu được lời dạy của mẹ năm xưa.

Mỗi khi kể lại chuyện ấy, tôi đùa, hồi đó mẹ đánh đau gớm!

Mẹ tôi hiền nhưng nghiêm lắm khi dạy con. Có lần, anh Năm thấy người ăn mày đến xóm xin gạo. Anh cũng te te về kiếm cái gậy, lấy bị thọt chân theo ổng khắp xóm, giả vờ ăn xin, mấy đứa nhỏ cười ngoặt nghẽo. Mẹ phát hiện, lấy roi đe anh:

- Ăn mày là cái nghiệp! Người ta vai cha vai chú, mình nghèo, có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, tuyệt đối phải lễ phép, tôn trọng…

Mẹ dặn chị em tôi, mai mốt lớn, lấy chồng sinh con, cố gắng vun vén. Vợ chồng nào cũng có lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, lúc chồng giận thì vợ nhường, vợ nóng thì chồng xuống nước, cơm sôi bớt lửa.

Mẹ dạy con như vậy nên có lần chị Hai bị mẹ chồng mắng oan nhưng anh rể sợ mẹ buồn nên “lơ”, không ra mặt bênh vợ. Hai ẵm con về, nói sẽ ở luôn với mẹ. Đừng có nghĩ mẹ sẽ xót con mà bênh vực. Mẹ nghiêm mặt bảo về, còn dặn, cứ hết lòng với chồng con, hiếu thảo với bề trên, dâu con biết ăn ở thì ba mẹ nào hổng thương. Chị Hai giận dỗi bỏ về. Mấy hôm sau, anh rể về xin lỗi và cảm ơn mẹ.

Mẹ tôi là vậy, tảo tần khó nhọc, dạy dỗ nâng đỡ từng chút một nhưng không yếu lòng trước “sai lầm” của con.

Nhớ mẹ, tôi nghĩ về những câu hát ru

Có lẽ mẹ tôi là người đàn bà duy nhất không biết hát (nhạc). Mẹ không thuộc bất kì một câu hát nào.

Mẹ chỉ biết ru. Lời ru của mẹ là những câu ca dao, tục ngữ. Mẹ có hẳn một kho ca dao để hát ru, tôi kinh ngạc vì một chữ bẻ đôi mẹ không biết nhưng những câu hát ru của mẹ tôi có thể in ra thành một pho sách dày. Kì lạ hơn, mẹ dạy con cái bằng những câu tục ngữ, thành ngữ có hàm ý sâu xa. Có lần anh gây gổ cãi cọ với mấy đứa trong xóm, mẹ dạy: “Trách người một, trách ta mười. Bởi ta tệ trước nên người bạc sau”. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao mình thích ca dao và thuộc nhiều tục ngữ, thành ngữ đến vậy. Chúng đi vào tiềm thức tôi từ lúc còn nằm nôi, hớp từng giọt sữa ngọt lành từ vú mẹ.

và những lần mẹ con vào viện

Đêm ở nội trú, đang nô giỡn với bạn bè thì nhận được tin mẹ nhập viện. Mẹ tôi xưa nay làm “lở núi lở non”, nhức đầu sổ mũi hay đau vai đau cổ cũng chỉ ở nhà uống thuốc khơi khơi chứ nhất định không chịu đi viện. Những đêm trở trời, mẹ ngồi đấm thùm thụp, tôi kêu đi khám bệnh nhưng mẹ cứ gạt phắt:

- Già cả nên đau nhức, bệnh vặt chứ nghiêm trọng gì mà vào viện.

Mẹ gan thép như vậy mà nhập viện thì chắc là bất khả kháng rồi. Tôi mếu máo, sấp ngửa chạy ào vô viện. Mẹ tôi nằm đó, còm cõi, võ vàng. Căn bệnh xuất huyết đường ruột đã làm cơ thể người đàn bà lực điền suy sụp thê thảm.

Trên giường bệnh, mắt mẹ cứ lơ mơ rồi nhắm nghiền, người hầm hập sốt. Nằm mê man ba ngày hai đêm nhưng khi tỉnh dậy, mẹ đuổi các con về hết. Mẹ bảo đang mùa cao điểm, đứa ở nhà không thể bỏ ruộng bỏ lúa, đứa đang học hành không được bỏ trường bỏ lớp. Làm nông thì ruộng vườn là tài sản lớn nhất, đi học thì chữ nghĩa phải đặt hàng đầu, mẹ tự lo liệu được.

Dù không đành bỏ mẹ nằm viện một mình thì anh em tôi cũng không biết thu xếp sao cho ổn, vậy là chia nhau về. Anh chị lo mùa vụ, tôi lo thi học phần. Khi mọi thứ xong xuôi thì mẹ cũng xuất viện.

Tôi bất ngờ bị tai nạn nặng. Mẹ bỏ nhà, bỏ mấy con bò, bỏ vườn rau mỗi ngày chăm chút, hấp tấp đón xe đò vào viện với con.

Con gái hôn mê sâu hai tháng, mẹ thấp thỏm đứng ngồi. Bác sĩ vào thăm khám là mẹ níu tay hỏi han, cầu xin cứu giúp. Con tỉnh dậy lơ láo, trí nhớ đứt quãng, mẹ hay lén khóc.

Mấy tháng đồng hành cùng con trong bệnh viện, hết Chợ Rẫy đến Phục hồi chức năng rồi sang Ngoại thần kinh trung ương, mẹ không ăn cơm tiệm bao giờ. Tới bữa ăn, mẹ đi mua cơm cho con còn mẹ thì đi xin cơm từ thiện. Con gái nằng nặc bảo mẹ phải ăn cơm tiệm thì mẹ bảo trong cơn nguy khó, phải dành tiền để chữa bệnh, với lại cơm từ thiện cũng rất ngon. Bữa cơm nào mẹ cũng đút nhét nhưng con chỉ ăn được vài thìa. Mẹ ăn cơm thừa của con và nói, nuôi bệnh bây thét chắc mẹ mập lên, ăn uống thỏm thẻm như mèo thì làm sao khỏi bệnh... Tôi “khó chịu” gắt: Con gái lớn rồi, không còn con nít con nôi gì nữa mà mẹ phải ăn đồ mứa. Mẹ xua tay: Có bà mẹ nào chẳng ăn cơm thừa của con, con cái thì làm sao lớn với mẹ được.

… Tôi lại nhập viện trong trạng thái khủng hoảng toàn diện. Mẹ lại khăn gói cùng vào viện chăm con. Đã mang thân bệnh lại còn tâm bệnh nên tôi hờ hững với những liệu trình điều trị di chứng. Không có được niềm tin tối thiểu, tôi lúc nào cũng trong tình trạng một người sợ… sống. Mẹ bảo, có con rồi thì sợ gì ngang trái, đã làm mẹ rồi thì phải nghĩ tới con mà sống. Còn người đàn ông đó, hết nợ thì đành phải buông thôi, chuyện hôn nhân một phía thì khó cưỡng cầu... Mẹ khuyên nhiều, mềm mỏng có, cứng rắn có nhưng tôi vẫn cứ tuyệt vọng, ủ rũ như một con mèo ốm, cuối cùng mẹ phải dỗ dành: “Ráng! Rồi mọi thứ sẽ ổn...”.

Làm sao ổn được khi con thơ không có bố, khi sức khỏe của mẹ ẩm ương. Làm sao tiếp tục sống để nuôi con khi cánh tay không cử động được mà cứ tê rân, ngứa ngáy…Tôi nằm thút thít, nghĩ đến việc sẽ không thể cầm phấn được nữa mà nát lòng. Mẹ mát tay lắm, để mẹ xoa!

Chao ôi, khi những vết sần trên tay mẹ chạm vào lớp da mềm mịn, tôi nghe tim mình rát buốt…

Mẹ già như chuối chín cây

Mẹ tôi bây giờ không thể cầm cây “gia quy” đánh thật đau vào mông con để răn dạy bài học làm người, không thể ru cháu bằng những câu ca dao nghĩa tình với giọng ru mềm ngọt. Mẹ già rồi….

Những nốt đồi mồi nổi dày trên đôi má nhăn nheo, đó là vết tích của những ngày mẹ lậm lụi nắng mưa vì chén cơm con trẻ. Đôi mắt to đen đã trũng sâu và nhờ nhờ đục, thời gian đã làm mắt mẹ yếu đi những vẫn không thể cướp được ánh nhìn vị tha. Đường rẽ ngôi trên tóc mẹ bữa nay rất rộng, tóc mẹ trắng hơn màu cước.

Tôi yên lặng ngồi nhìn mẹ, nghĩ đến lời ru “mẹ già như chuối chín cây” mà nghe đau nhói nơi tim. Có muộn không khi sau những đổ nát của cuộc đời con mới nhận ra, chỉ mẹ là thương yêu con nhất...

Nguyễn Thị Bích Nhàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quà tết dành cha mẹ

Từ nay em nghĩ “thoáng” rồi. Tết lo ít thôi, để còn du xuân, thong dong đây đó. Năm nay cả nhà đi du lịch một chuyến dịp tết.

Quà tết dành cha mẹ
Niềm tự hào của mẹ

Thấm thoát đã gần ba năm tôi xa nhà, xa quê hương, vào nhận công tác tại Huế. Mới ngày nào đó tôi nhận quyết định đi đơn vị mớ...

Niềm tự hào của mẹ
37 năm & vẹn nguyên một cảm xúc

Mưa bão là “đặc sản” của xứ Thừa Thiên này. Nó không hề xa lạ bởi năm nào không hẹn nhưng cũng đều đặn đến.

37 năm  vẹn nguyên một cảm xúc
Nhớ nồi cá kho bở của mẹ

Quê tôi nằm sát cửa lạch của một con sông nhỏ ở miền Trung. Biển rộng, sông dài mang đến cho làng tôi nguồn cá, tôm vô tận.

Nhớ nồi cá kho bở của mẹ
Return to top