ClockThứ Hai, 31/07/2017 06:11

Mệnh lệnh từ trái tim

TTH - 25 năm thực hiện nhiệm vụ cất bốc hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào, cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập mộ liệt sĩ 192 (Đội 192) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã đưa hơn 800 hài cốt liệt sĩ về nước.

Quân đội hai nước đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Thái Bình

Nhiệm vụ thiêng liêng

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội 192 kể: Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu mùa khô (tháng 10) là cán bộ, chiến sĩ Đội 192 lại chuẩn bị tư trang, hành lý khăn gói lên đường để làm nhiệm vụ cao cả - cất bốc hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào đưa về nước. "Chặng đường chúng tôi vượt qua hết sức gian nan, vất vả - đèo cao, suối sâu, chênh vênh vực thẳm, nước độc, rừng thiêng, đường quanh co, núi hiểm trở. Nơi chúng tôi đến là các bản làng xa xôi, hẻo lánh phải đi bộ hai đến ba ngày đường. Những địa danh khốc liệt của chiến trường xưa, có nơi suốt cả năm không có dấu chân người qua lại. Mặc dầu vậy, nhưng khi nghe được manh mối có mộ liệt sĩ ở bất kỳ đâu, chúng tôi cũng lần tìm đến. Có nhiều khi, phải vượt qua rất nhiều gian khổ nhưng có khi chỉ phát hiện được một vài di vật không được nguyên vẹn. Biết các anh đang nằm dưới đó mà không đưa về được là có tội. Nếu xương cốt không vẹn nguyên, cũng phải tìm cho được một di vật đưa về Tổ quốc”- Thượng tá Hải trải lòng.

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định, sự hy sinh của bộ đội và chuyên gia Việt Nam trong chiến tranh giải phóng đất nước Lào là rất lớn và không gì có thể sánh bằng. Sự hy sinh ấy là minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Do vậy, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ, thế hệ đi sau chúng tôi phải có trách nhiệm tìm kiếm, cất bốc hài cốt của những người đi trước về quê hương càng sớm, càng tốt.

Đại tá Phu Viêng Liêm Ma Vông Sa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Salavan (Lào) cho biết: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện cho các bạn làm công tác cất bốc hài cốt liệt sĩ, đồng thời tiếp tục giáo dục cho thế hệ mai sau về giá trị truyền thống và tinh thần chiến đấu, sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên đất nước Lào; đẩy mạnh sự hợp tác với tỉnh bạn trên tất cả mọi lĩnh vực, nhất là trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để sớm đưa các anh về với đất Mẹ”.

Cất bốc hài cốt liệt sĩ đưa về nước. Ảnh: Lê Sáu

Còn một hài cốt, còn lên đường

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, điều này đồng nghĩa với việc công tác quy tập mộ liệt sĩ đã khó càng khó hơn bởi thông tin về địa điểm, địa hình ngày càng thay đổi, những đồng đội người còn, người mất, không còn nhớ chính xác mộ phần. Tuy nhiên, với tấm lòng tri ân, các cán bộ, chiến sĩ Đội 192 đã không quản ngại gian nan, vất vả, thậm chí nguy hiểm tính mạng để hoàn thành việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ những thông tin nhỏ nhất. Hiện còn nhiều người đang nằm lại ở đất nước Lào. Đó là nỗi đau của những gia đình chưa tìm được người thân, đó cũng là sự ray rứt của các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và những người may mắn trở về. Để rồi từ đó, công việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là một việc làm thiêng liêng và trách nhiệm, nghĩa tình. “Nếu ngày nào vẫn còn một hài cốt liệt sĩ của các anh ở đất bạn Lào thì chúng tôi vẫn còn lên đường tìm kiếm, cất bốc, đưa các anh về với lòng đất Mẹ”- Thượng tá Nguyễn Văn Hải quyết tâm.

Thượng tá Trần Trung Thành, nguyên Đội trưởng Đội 192 -người có gần 20 năm gắn bó với công việc ngậm ngùi: “Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, bây giờ các anh lại về với đất mẹ, với Tổ quốc thân yêu cũng nhẹ tênh. Mỗi người chỉ còn một nhúm xương, thậm chí của người này trộn lẫn với người kia... nhưng bằng những kinh nghiệm có được, chúng tôi luôn bảo đảm tốt nhất cho việc nhận diện sau này. Anh em chúng tôi, dù có phải băng rừng, lội suối mà tìm cho được một mẫu hài cốt cũng thấy yên lòng".

25 năm tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội trên đất bạn Lào, cán bộ, chiến sĩ Đội 192 đã từng đi qua gần 1.000 bản, làng xa xôi ở các tỉnh Salavan và Sêkông, tiến hành tìm kiếm hàng ngàn vị trí và đã cất bốc được hơn 800 hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện đưa về nước. Trong đó, có nhiều người còn địa chỉ, tên tuổi, đã được người thân đưa về quê hương an táng và rất nhiều lá thư của gia đình với lòng biết ơn sâu sắc được gửi tới các anh.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, Đội Quy tập mộ liệt sĩ 192 đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ đổi mới; đơn vị và nhiều cá nhân được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Quá trình làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ, Đội 192 đã quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương, làm tốt công tác vận động quần chúng, giúp đỡ người dân các bộ tộc Lào làm nhà, sửa đường, đào ao cá, khám chữa bệnh; đồng thời, giúp các tỉnh bạn xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường mối quan hệ đặc biệt hữu nghị Việt- Lào nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh Salavan, Sekông ngày càng được củng cố bền vững.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 1: Những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc

Đầu tháng 4/2024, Báo Thừa Thiên Huế có dịp cùng đoàn công tác đến với Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Giữa trùng khơi sóng vỗ, giữa tất bật cuộc lữ hành và cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đảo xa, những dòng ghi chép nóng hổi của Báo đã kịp gửi về đất liền.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 1 Những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Return to top