ClockThứ Bảy, 12/08/2017 05:51

Miên man đêm Đại Nội

TTH - Bất kỳ sản phẩm du lịch nào mà tách khỏi cư dân sở tại đều thất bại. Chính cư dân địa phương với đời sống, với nếp sinh hoạt của họ tạo nên sức hấp dẫn, sức sống bền vững cho sản phẩm...

Cảm giác "khán giả"

Trong một nỗ lực làm hấp dẫn, mới lạ cho di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã cho mở cửa Đại Nội về đêm. Hoạt động này bắt đầu từ hạ tuần tháng 4/2017 và thoạt tiên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách và công chúng. Với động thái này, đơn vị quản lý di tích cũng đồng thời mong muốn chung tay làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Huế; tạo điều kiện thu hút thêm du khách, tăng thời gian lưu trú của du khách tại Huế.

Lung linh Đại Nội về đêm

Tuy nhiên, hình như không như mong chờ, sau thời gian đầu, lượng công chúng, du khách đến với sản phẩm du lịch mới này không quá nhiều, không quá háo hức như thoạt đầu nữa. Cũng chính vì vậy, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã cho sắp xếp lại các hoạt động của Đại Nội đêm theo hướng "tinh gọn" hơn. Hỏi một vài  người từng trải nghiệm Đại Nội đêm, ai cũng cho rằng Đại Nội đêm đẹp lung linh; một số hoạt động cũng giúp người xem hình dung phần nào đời sống cung đình xưa. Nhưng trải nghiệm một, hai lần rồi thôi. Chứ "trải nghiệm" hoài thì đơn điệu. Nó khác với cảm giác đi Hội An. Hội An đi rồi, dăm bữa nửa tháng đi lại cũng vẫn háo hức. Nguyên do? Đó là bởi đi Hội An, người ta được trải nghiệm với không gian di sản "sống". Ở không gian đó, có cộng đồng những người dân của phố cổ sống, làm ăn buôn bán, sinh hoạt bình thường. Du khách đến đó, được giao tiếp, được hòa nhập với một không gian mà ở đó, bản thân họ cũng như một chủ thể chứ không phải chỉ là "khán giả"- điều mà họ luôn có cảm giác khi đi Đại Nội.

Tất nhiên, mỗi di sản có mỗi đặc trưng. Thời quân chủ đã cáo chung hơn bảy thập kỷ, Đại Nội lấy đâu ra đời sống cung đình thật mà... đòi hỏi? "Tái hiện"- đó đã là một nỗ lực lớn và mọi người cần chấp nhận, cần hài lòng (?). Điều ấy là hoàn toàn dễ cảm thông. Tuy nhiên, đêm Đại Nội hoàn toàn có thể tăng sức cuốn hút nếu có sự kết nối với đời sống thật của cư dân. Đó là đề xuất mà chúng tôi có dịp được nghe từ một số người luôn thao thức cùng di sản, cùng du lịch Huế.

Trò chơi xăm hường tại chương trình Đêm Hoàng cung

Bắt đầu từ đâu?

Đêm Đại Nội hãy cứ duy trì và làm cho chất lượng. Tuy nhiên, sau khi thăm thú, đắm mình trong lung linh Đại Nội đêm, xem/chơi các trò chơi, các vũ điệu  cung đình... Ra khỏi cửa Hiển Nhơn, khách cần được và có thể trải nghiệm cùng đời sống của dân Thành nội. Có thể bắt đầu với đường Mai Thúc Loan. Chọn, vận động, và hỗ trợ đầu tư để một số ngôi nhà xưa "sáng đèn" với những dịch vụ phục vụ du lịch. Có thể đó là một điểm ẩm thực với những món ăn Huế. Cũng có thể đó là một quán cà phê với dòng âm nhạc sang trọng của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn...; hay là điểm đo may áo dài; galery tranh; điểm trưng bày và bán hàng lưu niệm-quà tặng Huế... Dĩ nhiên, cũng không nên thiếu những gánh hàng rong với những món ăn đêm bình dị của Huế. Trên tuyến phố này đã có sẵn Nhà lưu niệm Bác Hồ, có Phước Trang vốn là tư gia của Thượng thư Hình bộ Trần Đình Bá, nay được hậu duệ là nhà nghiên cứu sưu tập cổ vật nổi tiếng Trần Đình Sơn xây dựng thành bảo tàng đồ sứ ký kiểu cung đình Nguyễn - bảo tàng tư nhân đầu tiên trên đất Huế. Đó sẽ là những điểm nhấn để tham quan nếu khách có nhã hứng. Tổ chức và kết nối được với một tuyến phố sống động như vậy, Đại Nội đêm sẽ có thêm năng lượng để duy trì; Huế sẽ tăng thêm sức hấp dẫn và "lấy" được thời gian lưu trú của du khách.

Rồi một khi các điểm được chọn đã định hình, đã sống được, thì không cần đầu tư, không cần vận động, các hộ dân xung quanh cũng sẽ bắt chước làm theo. Điều này không phải là lý thuyết. Đó là điều từng đã diễn ra ở Hội An. Và ngay tại Huế, bằng chứng không đâu xa, khu "phố Tây" Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, từ một vài doanh nghiệp, một vài hộ làm du lịch sống được, nay không ai bảo ai, tất cả đều đầu tư làm du lịch và bỗng nhiên Huế có được một không gian thú vị. Đường Mai Thúc Loan, với không gian cổ kính của một con phố trong Kinh thành duy nhất còn lưu giữ vẹn nguyên, với những cư dân tại chỗ dưới nếp nhà và đời sống thật, con phố này hoàn toàn có thể trở nên con phố du lịch đẳng cấp chẳng kém cạnh gì những con phố cổ nơi sông Hoài phố Hội. Tôi có một niềm tin chắc chắn như vậy!

Sản phẩm du lịch muốn thành công không thể tách rời cuộc sống của người dân địa phương

 

Qua khỏi cổng Đông Ba cổ kính, nếu sắp xếp lại để con phố Phan Đăng Lưu mở cửa buôn bán về đêm, đồng thời tổ chức để trong khoảng thời gian nhất định chỉ dành cho bộ hành, đó sẽ là không gian để khách hòa mình trải nghiệm với đời sống của một Huế đương đại sôi động, nhiều màu sắc. Trong tương lai, khi tuyến bờ hồ Phan Đăng Lưu hoàn thành việc giải tỏa, chỉnh trang thì có thể thiết kế ở đó những mái nhà cổ vươn ra, hài hòa với bức tường thành rêu phong, cổ kính phía đối diện. Bên dưới là Hộ thành hào được nạo vét, cải tạo thả sen, thả súng trong xanh lãng mạn. Đây cũng là tuyến phố đi bộ với tập trung hàng lưu niệm và đặc sản Huế đảm bảo chất lượng cho khách chọn lựa, mua sắm. Đi hết tuyến Phan Đăng Lưu hoặc bờ hồ Phan Đăng Lưu, sau này, một khi chợ Đông Ba được đầu tư xây dựng lại, khách có thể ghé khu ẩm thực đêm ở đây để tự thưởng cho mình một món ăn khuya trước khi lên xe trở về khách sạn.

Chủ một doanh nghiệp du lịch từng chia sẻ rằng, theo kinh nghiệm của ông, bất kỳ sản phẩm du lịch nào mà tách khỏi cư dân sở tại đều thất bại. Chính cư dân địa phương với đời sống, với nếp sinh hoạt của họ tạo nên sức hấp dẫn, sức sống bền vững cho sản phẩm. Cho nên, Đại Nội đêm cần phải kết nối với những con phố của Huế mới hy vọng tạo nên một sản phẩm du lịch hoàn hảo.

Bài, ảnh: HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế

Sáng 2/2 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Miếu, Thế Miếu.

Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế
Vùng đất của rồng

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam (1804), chọn Huế làm Kinh đô của vương triều Nguyễn, mà không dời đô về Thăng Long, vốn là “thượng đô muôn đời của Đại Việt”.

Vùng đất của rồng
Lợi bất cập hại

Phan nói, con quyết định phải mua tour vào Đại Nội. Đây là chuyến đi Huế lần đầu của tụi con. Do vậy chắc chắn phải biết nơi mà ngày xưa các vua ngự triều, thưởng ngoạn, đọc sách… như thế nào. Từ đó tính toán 2 ngày còn lại sẽ đi thăm lăng, thăm chùa và các điểm tham quan nào ở Huế. Đi rồi, tụi con thấy quyết định của mình là đúng cô à…!

Lợi bất cập hại
Return to top