ClockThứ Hai, 17/09/2012 16:40

Miên man nấm tràm

TTH - Sau những cơn mưa đầu mùa, trên những nẻo đường nối vùng gò đồi với trung tâm thành phố, người ta lại bắt gặp những hình ảnh quen thuộc: Nấm tràm về!

Những mớ nấm tràm theo bước chân các chị, các mệ nhún nhẩy trong những đôi triêng gióng về các chợ, hoặc được bày biện dọc hai bên các con đường có nhiều người qua lại… Cứ mỗi mùa nấm tràm về như vậy, tôi lại nao nao nhớ ba tôi…

 

Nấm tràm giúp nhiều gia đình có thêm đồng ra đồng vào

 

Hồi ba tôi còn sống, ông rất thích món nấm tràm. Nấm xào lá lốt, nấm nấu canh… món nào ba tôi cũng khoái. Thấy ông ăn ngon lành, mấy anh em tôi đứa nào cũng thử nhón một chút rồi lại vội nhả ra, lắc đầu thè lưỡi… Món ăn chi mà lạ, vừa dẻo dẻo, vừa đắng ngoét, không biết ngon kiểu chi mà ba cứ tù tì ăn ngon lành? Nhưng rồi năm này qua năm khác, anh em tôi liên tục “đụng độ” món ăn khoái khẩu của ba. Và rồi trở nên ghiền bao giờ không hay. Nhất là chú em tôi, nó có thể ăn nấm tràm đến no và bữa sau có thể lại ăn tiếp. Cái vị đắng đặc trưng của nấm tràm mà chúng tôi kinh hãi một dạo nay lại trở nên… ngọt đến khoái khẩu. Vậy mới kỳ.

 

Mà có lẽ, ở cái xứ Huế này, dân ghiền nấm tràm như anh em tôi cũng không phải là ít. Thế nên đến mùa, thấy tràn phố tràn chợ những nấm và nấm, vậy mà vẫn được tiêu thụ hết. Nhiều người vẫn bảo, phải khỏe mạnh mới ăn được nấm tràm. Ai trong người đang ương ương đau, hoặc đau mới dậy mà ăn thì liệu hồn, nó “bẻ” chết. Nhưng lại cũng có ý kiến khác, cho rằng vì có vị đắng nên nấm tràm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa cảm cúm, mỏi mệt… Chẳng biết ai đúng ai sai. Nhưng kinh nghiệm cá nhân tôi, chưa thấy ai bị cảm cúm mà đủ dũng cảm ăn cháo nấm tràm cả…

 

Nấm tràm thường rộ nở vào dịp tháng 7 âm lịch, khi bắt đầu có mưa và hơi thu se sẽ kéo về. Người rành ăn bảo, nấm tràm dịp này ăn mới ngon và mới lành. Còn dạo tháng 4, tháng 5, thỉnh thoảng cũng có nấm khi trời Huế bất chợt đổ mưa, nhưng đó là nấm “trái mùa”, ăn độc. Muốn ăn phải có bí quyết, như thêm các chất “khử”- lá lốt chẳng hạn - thật nhiều mới an toàn.

 

Gọi nấm tràm bởi loại nấm này thường mọc dưới tán rừng tràm, trên thảm lá mục. Những năm gần đây, có cảm giác nấm mỗi năm mỗi nhiều, đó là bởi các cánh rừng tràm được trồng đang lan toả nhanh chóng, do trồng rừng cho thu lợi lớn, thiên hạ đua nhau “kiếm” đất để phát triển. Tuy nhiên, người rành nấm cho rằng, nấm được hái dưới các tán rừng trồng thường ít ngon. Loại nấm này tai to, thân lớn, nhưng màu tím nhạt. Nấm mọc ở những khu vực rừng tràm tự nhiên nhỏ hơn, màu tím sẫm và ăn ngon hơn nhiều. Đó là tôi nghe những người đi hái nấm “mách miệng”, chứ quả thật, bản thân chưa có dịp được ăn cùng lúc 2 loại nấm khác nhau để mà đối chứng.

 

Giá nấm tràm năm nay cũng chênh lệch theo vùng, theo chợ. Vùng Nam Giao, Trường An…có khi mua mỗi kg chỉ 9-10 ngàn; ra chợ Phong Điền, cô em tôi tranh thủ mua vì cho rằng sẽ rẻ hơn trong Huế, nhưng giá lại 15 ngàn đồng/kg. Lại có ngày không rõ do khan nấm hay bị “hớ” thế nào, người nhà tôi lại mua 5 ngàn/lạng, nghĩa là 1kg tới 50 ngàn. Mùa nấm tràm giúp cho nhiều gia đình có thêm đồng vào đồng ra, nhiều trẻ nhỏ ở nông thôn cũng nhờ nấm mà có thêm sách vở, bút giấy… Nghe nói, thời gian gần đây, dân buôn nấm còn phù phép, gọt và cắt phần tai nấm để bán cho người tiêu dùng. Còn phần chân nấm thì dành lại, chẻ nhỏ, xả hết chất đắng cho nhà hàng, quán nhậu trộn với nấm mối bán cho khách hàng. Hơi “đoản” nhưng cũng mừng bởi nấm tràm bình dân đã có thể “sánh vai” đồng hành với nấm cao cấp lên mâm lên bát…

 

Năm nay mùa nấm tràm đang rộ. Chú em tôi từ Sài Gòn điện ra, hỏi có ai vô gửi cho một ít. Cũng may trúng dịp bà chị tôi đưa con đi khám bệnh. Mấy hôm nay, ngày nào cũng thấy chị mua nấm, rồi hí húi gọt gọt, chẻ chẻ, rồi um, rồi đóng hộp bỏ tủ lạnh. Chị bảo lần đi lần khó, mang vào để vợ chồng nó ăn một bữa cho đáo khẩu. Cũng là để thoả nỗi nhớ quê nhà, nhớ người cha đã nhiều năm khuất núi…

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Đậm chất riêng với nhà… container

Những năm gần đây, xu hướng xây dựng nhà ở, văn phòng, quán cà phê bằng container đang dần trở nên phổ biến. Mô hình này trở nên hấp dẫn, lý tưởng bởi chi phí xây dựng phải chăng và tính linh động cao.

Đậm chất riêng với nhà… container
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”

TIN MỚI

Return to top