ClockThứ Tư, 01/12/2010 18:26

“Miếu làng” của người vùng cao

TTH - Giữa một khu tái định cư mênh mông và ngổn ngang cây cối bị triệt hạ, vẫn lừng lững tồn tại rất... vô lý một vùng cây cổ thụ. Dọc hai bên tuyến đường liên thôn xẻ núi trống trơ, bỗng “xuất hiện” một vài bóng cây to cả một vòng ôm, nhìn như những dấu hỏi to tướng chọc thẳng lên trời... Đó là một vài hình ảnh lạ mà chúng tôi thu nhận được ở xã miền núi Hồng Thuỷ, huyện A Lưới, trong chuyến công tác gần đây.

Hỏi vì sao “lâm tặc” lại tha cho những cây thân to, gỗ đẹp như thế này, nhất là những nơi có điều kiện để hạ cây hợp pháp như khu tái định cư? Người dân ai cũng lè lưỡi: “Cây của làng đó, đụng vào sẽ bị phạt nên không ai dám”. Theo một cán bộ phòng VHTT&DL huyện A Lưới, khi lập làng, việc đầu tiên của người dân là xây miếu thờ thần. Đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, PaKô, Vân Kiều... ở đại ngàn Trường Sơn không có điều kiện để xây miếu bằng gạch đá như dưới xuôi nên họ tìm đến những cây cổ thụ có sẵn ở trong làng để “lập miếu”.

Mỗi năm hai lần vào dịp đầu và cuối năm, làng tổ chức cúng tế rất lớn ở “miếu” để cầu và tạ ơn trời đất, thánh thần và cả những linh hồn không nơi nương tựa... đã cho làng một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt... Cây nào được làng chọn là cây ấy mặc nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, dân làng và cả chính quyền địa phương dù trong hoàn cảnh nào cũng không ai dám đụng đến dù chỉ một cành cây, ngọn lá.
 
Ngôi “miếu làng” ở khu tái định cư xã Hồng Thủy, huyện A Lưới đang đứng trước nguy cơ bị triệt hạ

Nhìn một vòng những ngọn đồi trống trơ chung quanh, đồng nghiệp của chúng tôi ao ước: “Giá mà quanh đây, đâu đâu cũng là “miếu” của làng thì giờ chắc nhìn đâu cũng thấy rừng là rừng”. Một lãnh đạo huyện cười lớn: “Cũng có thể nhưng chưa hẳn”. Là bởi cây được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai dám đụng đến là chuyện của ngày xưa. Còn bây giờ, do tổ chức làng thay đổi, luật tục của làng không còn nghiêm ngặt nên nhiều người bịa ra hàng trăm lý do để xin làng hạ cây. “Ví dụ, nhân dịp mở đường, xây khu tái định cư mới như thế này, sau đó chỉ cần cúng cho làng một con dê, thậm chí một vài con gà, rồi nhờ làng giết thịt làm lễ, trước cúng xin thần cây, sau nhậu một bữa no say là xong”, một cán bộ xã bật mí.
 
Cách đây mấy chục năm, đi dọc các bản làng từ A Lưới ra đến Quảng Trị, đâu đâu cũng thấy “miếu làng”. Tuy nhiên đến thời điểm này, những “miếu làng” như thế này ở A Lưới chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Xã Hồng Thuỷ của huyện A Lưới được cho là địa phương còn “miếu làng” nhiều nhất, nhưng chúng tôi cũng chỉ ghi nhận được có 3 – 4 cái. Và một trong số đó, chính tai chúng tôi nghe được từ miệng một lãnh đạo xã, rằng “sắp tới có khi sẽ cúng xin làng hạ cây”.
 
Vậy là thêm một nét văn hoá đẹp nữa của đại ngàn Trường Sơn đứng trước nguy cơ biến mất (!)
 
Tường Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top