ClockThứ Sáu, 01/02/2019 08:36

Mình cho heo “ăn” thôi!

TTH - Tôi biết bỏ ống binh (lợn đất), gọi ngắn gọn là bỏ ống từ năm lớp 7, khi mẹ giao nhiệm vụ chăm, nuôi đàn heo. Ấy là lúc gia đình tôi thôi làm ruộng chuyển sang buôn bán nhỏ và làm dịch vụ nông nghiệp. Trước, công việc đó là của mẹ, tôi chỉ phụ hái rau, vớt bèo. Kể từ khi mẹ mở quán tạp hóa, công việc mới mẻ mà mẹ thì không giỏi tính toán lắm nên cả ngày cứ bận rộn với việc bán hàng, ghi chép sổ sách hàng nhập, hàng bán và cả những mối nợ thân quen. Mà người trong làng thì ai cũng quen, thành ra sổ nợ của mẹ cứ hết cuốn này sang cuốn khác. Tôi cũng phụ mẹ ghi và cộng sổ nợ. Lắm khi mẹ còn sai đi đòi nợ sau mùa thu hoạch như lời hẹn của khách hàng.

"Tình"- Huỳnh Thị Tường Vân. Ảnh: Minh Hiền

Thời đó còn nghèo khó nên dù là mùa lúa, lạc khoai vừa thu hoạch xong nhưng nhiều nhà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, thế nên khoản nợ của mẹ tôi họ khất hết lần này đến lần kia. Nguồn trả nợ duy nhất họ có là mấy lứa heo gối vụ. Họ nuôi còn vì mục đích khác nữa là để có thịt mà ăn. Lúc trước, thương lái- nói cho oai vậy chứ đa số là người trong làng làm nghề mổ heo, khi mua heo nhà ai cũng gán cho vài ký thịt để trừ bớt tiền, nên hễ cứ heo tới lứa xuất bán thì bà con thân thuộc thể nào cũng được tặng miếng thịt mỡ. Mẹ tôi cho khách nợ tiền nhiều khi cũng được biếu thịt nên thấy nhà người ta bán heo là chị em tôi hí hửng vì thế nào cũng được ăn thịt. Nhiều nhà đợi cách Tết vài tháng nuôi heo để bán được giá. Có nhà nuôi nhiều quá hoặc heo rớt giá lại làm thịt “nhờ” anh em, họ hàng chia nhau, gọi là giúp nhau lúc khó và có thể trả bằng lúa khi đến mùa.

Ở quê đất rộng nên nhà nào cũng làm chuồng nuôi heo, nuôi gà. Nhà ba mẹ tôi dù không rộng lắm nhưng cũng làm được cái chuồng nhỏ ngăn làm đôi, khi heo còn nhỏ thì nuôi chung, lớn chút lại tách ra vừa dễ chăm sóc lại tránh cắn nhau, chậm lớn. Tôi không nhớ ba mẹ mình đã nuôi mấy đàn heo, xuất bán bao nhiêu lứa, chỉ biết rằng khi mẹ giao đàn heo cho tôi thì đó là lần cuối cùng nhà tôi nuôi heo.

Lại nói về việc tôi được giao nhiệm vụ nuôi, chăm heo, phần vì còn nhỏ, phần đi học, lại phụ giúp mẹ buôn bán nên heo nhà tôi chậm lớn, đến thời kỳ xuất chuồng cũng không đạt cân nặng như heo nhà người ta. Ba mẹ tôi buồn lắm nhưng không vì thế mà trách mắng tôi, trái lại còn cho tôi một khoản để dành bỏ ống sắm đồ Tết. Cảm giác vừa thoát được “cục nợ” cám- rau, tôi còn được cầm trên tay con heo đất và số tiền thưởng của ba mẹ cho sao mà khó tả. Năm đó, chị em tôi có thêm bộ đồ mới, riêng tôi có đến một lúc hai đôi dép nhựa, một đôi màu xanh, một đôi màu đỏ. Lúc mang đi chơi, con bạn nhà bên cạnh nhìn không chớp mắt. Sở thích giày, dép mỗi đôi mỗi màu như thế cũng bắt đầu từ đó.

Sau lần đó, đến hè, tôi lại phụ ba đi tuốt lúa. Lúc đó ba tôi mua được cái máy tuốt lúa chạy bằng dầu cũng là người đầu tiên trong làng làm dịch vụ đó nên làm ăn rất được. Nhà nào muốn tuốt sớm đều phải cử con cái đi theo xe. Có hôm họ giành nhau, mắng nhau, ba tôi phải phân xử khéo léo mới không mất lòng họ. Sau mỗi vụ, đến lúc thu tiền, ba lại giao việc đó cho tôi, tất nhiên tôi hoàn thành nhiệm vụ và được “trả công” một ít để bỏ heo. Dần dần, số tiền tôi tích cóp được đủ để ngày tết năm nào chị em tôi cũng có quần áo mới, còn tôi là con gái duy nhất nên được ưu tiên mua hai đôi dép. Sau này cuộc sống khá hơn, thay vì dép nhựa, tôi được chuyển sang mua giày “sandal” và một số đồ lặt vặt của con gái.

Sau này khi vào đại học và cả lúc lập gia đình, lúc nào trong tủ đồ của tôi cũng có một, hai con heo đất. Có hôm đi công tác đến tận biên giới nước bạn nhưng trong giỏ quà mang về chỉ toàn là heo đất, có con làm bằng quả dừa khô, con bằng nhựa, con bằng các loại chất liệu khác…

Hai nhóc tì nhà tôi cũng rất thích heo đất. Mỗi lần được ba mẹ cho tiền hoặc quà mừng tuổi dịp tết chúng đều bỏ ống. Có thể tụi nhỏ chưa ý thức được hết ý nghĩa của việc tiết kiệm, song cách làm của con cũng khiến tôi vui vì ít ra nó không đòi mua sắm những thứ những thứ vô bổ. Bạn tôi bảo, trẻ con tiếp xúc với tiền sớm trẻ sẽ sinh hư. Tôi thì nghĩ, tiếp xúc sớm hay muộn không phải là vấn đề mà quan trọng ở chỗ cha mẹ dạy con cách nhận, giữ và tiêu xài như thế nào cho hợp lý. Sau này khi con lớn thì dạy con cách kiếm tiền lương thiện và dùng tiền đó để nuôi sống bản thân, gia đình và giúp đỡ người nghèo khó nếu có thể. Việc tiếp xúc tiền sớm cũng không thể khiến trẻ hư nếu ba mẹ dạy con những kỹ năng cần thiết, tạo nền tảng tốt nhất để con trở thành người tốt. Còn nếu ba mẹ đã làm mọi cách để dạy con trở thành người tốt mà nó vẫn hư thì lỗi thuộc về nó chứ không phải do ai khác.

Ở nhiều nước trên thế giới và ngay cả Việt Nam, tôi biết có nhiều phụ huynh tạo thói quen tiết kiệm cho con từ rất sớm. Có người thì khuyến khích bằng các công việc làm thêm để bỏ ống hoặc tích cóp từ các hoạt động nhỏ, phụ giúp ba mẹ, tiền mừng tuổi... để khi trẻ cần có thể sử dụng theo mục đích của mình. Và đã có rất nhiều em mang heo đất ủng hộ các chương trình từ thiện, tặng áo ấm cho bạn học cùng lớp, có bạn mua sữa cho em... Tất cả những việc làm đó đều đáng quý và đáng trân trọng.

Có phụ huynh nhìn xa trông rộng hơn tặng con một lúc 4 con heo đất, mỗi con đều dán giấy bên ngoài ghi mục đích sử dụng: tiết kiệm, đầu tư, mua sắm và làm từ thiện. Đó là cách để chị hiểu, đánh giá và định hướng cho con từ rất nhỏ. Có thể với ý thức, nhận biết còn non nớt, cháu chưa hiểu hết ý nghĩa của từng con heo đất nhưng với nền tảng như thế hẳn là chị đã tạo được thói quen tiết kiệm cho con. Và những đứa trẻ biết tiết kiệm từ bé sẽ khó là người tiêu xài hoang phí khi trưởng thành.

Đến đây chợt nhớ tháng này chưa bỏ ống. Lại mở ví, chia tiền tiết kiệm thành ba phần, hai con mỗi đứa một phần, phần còn lại của mẹ. Mình cho heo “ăn” thôi!

Năm nay, tết sẽ đủ đầy!

Linh Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top