ClockThứ Bảy, 18/07/2015 16:09

Mô hình cần nhân rộng

TTH - Trong bối cảnh nhiều bệnh viện và cơ sở y tế còn chưa chú trọng đến việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện do chi phí đầu tư và vận hành, bảo dưỡng tốn kém thì tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, một hệ thống xử lý nước thải cải tiến đơn giản, rẻ tiền được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực. 

Bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải cải tiến tại Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế

Kết quả phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, 80% nước thải từ bệnh viện là nước thải bình thường (tương tự nước thải sinh hoạt) chỉ có 20% là những chất thải nguy hại bao gồm chất thải nhiễm khuẩn từ các bệnh nhân, các sản phẩm của máu, các mẫu chẩn đoán bị huỷ, hoá chất phát sinh trong quá trình giải phẫu, lọc máu, hút máu, bảo quản các mẫu xét nghiệm, khử khuẩn. 20% chất thải nguy hại này cũng đủ để các vi trùng gây bệnh lây lan ra môi trường xung quanh.

Công trình là kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng của ThS.BSCKII Trần Văn Hoà – Trưởng phòng Hành chính quản trị Trường đại học Y Dược Huế và PGS.TS.Trần Đình Bình - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện trường, cùng các cộng sự thực hiện vào năm 2011 và chính thức đưa vào sử dụng năm 2012. Đề tài đạt giải Nhì Hội thi Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa thiên Huế lần thứ VII năm 2014.

Yêu cầu bức thiết
Được thành lập từ năm 1999 với quy mô 300 giường bệnh và hiện là 400 giường bệnh, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế có lưu lượng bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú khá lớn, số lượng bệnh nhân phẫu thuật hàng ngày nhiều… Do đó, lượng nước thải bệnh viện trung bình hàng ngày ở mức cao, khoảng 120-130m3. Quá trình hoạt động, một lượng nước thải không nhỏ từ vệ sinh buồng bệnh, nước rửa tay, rửa dụng cụ, nước từ phòng mổ… chưa được xử lý mang theo nhiều yếu tố mầm bệnh và nhiều chất hữu cơ cũng như các chất hoá học khác có nguy cơ được thải ra môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Xử lý nước thải bệnh viện là một bài toán khó đối với các bệnh viện và cơ sở y tế bởi chi phí xử lý nước thải rất cao do sử dụng các quy trình nghiêm ngặt và công nghệ kỹ thuật hiện đại. Các công trình xử lý nước thải bệnh viện được xây dựng với quy mô và giá thành cao, vận hành và bảo dưỡng đắt đỏ, tốn kém. “Đây là cái đáng sợ nhất đối với các cơ sở y tế. Nhiều cơ sở y tế bỏ ngỏ vấn đề xử lý nước thải hoặc xử lý rất sơ bộ, đơn giản, không đạt yêu cầu”, PGS.TS.Trần Đình Bình nói. Trong số các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải đã và đang được coi là biện pháp chủ lực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm mức độ ô nhiễm về sinh học, hoá học và các yếu tố khác của nước thải đến mức độ cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường với giá đầu tư, vận hành, bảo dưỡng chấp nhận được.
Theo ThS.BSCKII Trần Văn Hoà, trước đây tại Bệnh viện trường đã có một hệ thống xử lý nước thải theo kiểu bể xử lý sinh học được xây dựng từ năm 1999 nhưng đã cũ, dung tích không đáp ứng nhu cầu xử lý hiện tại. “Do vậy, cần phải xây dựng một bể xử lý nước thải bệnh viện đạt tiêu chuẩn với kinh phí xây dựng và vận hành, bảo dưỡng chấp nhận được. Xuất phát từ đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải bệnh viện cải tiến nhằm các mục tiêu: xử lý nước thải bệnh viện bằng quy trình sinh học, cơ học và hoá học; bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan bệnh viện, đảm bảo đúng quy trình xử lý và đạt yêu cầu chỉ tiêu nước thải bệnh viện theo quy chuẩn Việt Nam; chi phí xây dựng và bảo dưỡng rẻ tiền, vận hành đơn giản và dễ áp dụng”.
Đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả

Sơ đồ diễn giải chi tiết hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện cải tiến 4 ngăn

 
Trong số nhiều phương pháp xử lý nước thải khác nhau phương pháp luôn được hướng tới trong các nghiên cứu và ứng dụng là xử lý sinh học do công nghệ đơn giản, chi phí vận hành thấp nhờ dựa vào tác nhân chủ đạo là các vi sinh vật có thể phân huỷ tất cả các chất hữu cơ có trong thiên nhiên và nhiều hợp chất hữu cơ tổng hợp nhân tạo. Việc xử lý nước thải bằng cách kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp hoá học, vật lý học và sinh học là quan trọng và cần thiết trong tất cả các hệ thống xử lý nước thải nói chung. Đây cũng là cách mà ThS.BSCKII Trần Văn Hoà và PGS.TS.Trần Đình Bình đã nghiên cứu và áp dụng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện trường.
“Dù hiện nay có nhiều quy trình công nghệ xử lý hiện đại với 6-7 ngăn nhưng sau khi nghiên cứu và tham khảo nhiều hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, chúng tôi đưa ra mô hình bể cải tiến để xử lý nước thải quy mô nhỏ ở bệnh viện trường theo mô hình 4 ngăn”, PGS.TS.Trần Đình Bình cho biết. Ngăn 1 thu gom và lọc rác. Ngăn này tập trung tất cả nguồn nước thải bệnh viện, có phương tiện chắn lọc rác, có bơm tự động để chuyển nước sang ngăn 2. Ngăn 2 - lắng, điều hoà và xử lý vi sinh. Nước từ ngăn thu gom sẽ được bơm sang ngăn lắng, tại đây nước được xử lý sinh học bằng cách cho thêm chế phẩm sinh học để phân giải các chất hữu cơ, tinh bột, giảm mùi hôi thối, cải thiện chất lượng nước... Sau đó, lượng nước đầy sẽ tràn qua ngăn 3 - lọc cơ học. Ngăn này được thiết kế với 3 lớp lọc xen kẽ gồm cát, than hoạt tính và sỏi. Quá trình xử lý cơ học thông qua hệ thống 3 lớp này để giữ lại các chất cặn hữu cơ và vô cơ, vi khuẩn trong nước thải, vi khuẩn xử lý... Nước sau khi qua xử lý cơ học chỉ còn lại một số ít vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn xử lý sinh học. Sau khi qua 3 lớp lọc theo nguyên tắc bình thông nhau, nước thải sẽ chảy sang ngăn 4 - xử lý hoá học. Tại đây nước được xử lý bằng Chloramin B nhằm mục đích tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh còn lại trong nước thải để đảm bảo an toàn trước khi thải vào đường cống thoát nước chung của bệnh viện.
Để hệ thống hoàn thiện hơn và khắc phục tình trạng nồng độ thuốc sát khuẩn trong bể xử lý không đồng đều ở các thời điểm khác nhau trong ngày, năm 2014, ThS.BSCKII Trần Văn Hoà và PGS.TS.Trần Đình Bình tiếp tục nghiên cứu đưa vào vận hành hệ thống cấp dung dịch sát khuẩn tự động cho bể xử lý nước thải bệnh viện. Hệ thống này còn giúp tiết kiệm nhân lực và khắc phục được tình trạng không đảm bảo xử lý vi khuẩn ở nguồn ra nếu nhân viên quên bỏ thuốc hằng ngày.

Lấy mẫu nước để đem đi kiểm tra chỉ số hoá lý, vi sinh

Kết quả kiểm tra của Viện Tài nguyên môi trường, Đại học Huế cho thấy, chỉ số vi khuẩn ở mẫu nước thải sau khi được xử lý hoàn toàn bảo đảm tiêu chuẩn vi sinh vật theo tiêu chuẩn quy định QCVN 28:2010/TNMT. Sau hơn 2 năm đưa bể xử lý vào vận hành đã tạo được cảnh quan, môi trường bệnh viện sạch sẽ. Bể không thấm, quanh bể không có mùi hôi, nước thải ra trong, diệt trừ vi khuẩn và các tác nhân vi sinh vật gây bệnh khác.
Với ưu điểm về chi phí thấp, cách thức xây dựng đơn giản, tiết kiệm được mặt bằng sử dụng, hợp vệ sinh, chi phí vận hành xử lý, bảo trì, bảo dưỡng thấp, hệ thống xử lý nước thải cải tiến tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế là một mô hình hay, có thể ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện và cơ sở y tế quy mô nhỏ nhằm xử lý tốt nước thải bệnh viện, đảm bảo thải ra môi trường an toàn cho cộng đồng.
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Return to top