ClockThứ Năm, 17/11/2016 13:52

Mô hình “đồng đẳng” và hiệu quả bước đầu

TTH - Mô hình “Nhóm giáo dục viên đồng đẳng”, được gọi là mô hình “Đồng đẳng”, gồm những người phụ nữ làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, đã hoặc đang làm nghề mại dâm. Mô hình được xây dựng để giúp hội viên nâng cao nhận thức về phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH), HIV- AIDS, tiếp cận cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp và mỗi một hội viên sẽ là một tuyên truyền viên phòng, chống TNXH đến tận cơ sở.

Tập huấn và ra mắt nhóm “Đồng đẳng”

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.807 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, gồm nhà hàng, karaoke, massage, quán bar, phòng trà, khách sạn, nhà nghỉ,… Đây cũng là những loại hình kinh doanh nhạy cảm, dễ phát sinh TNXH. Qua khảo sát, toàn tỉnh có hơn 6000 nữ nhân viên đang làm việc tại các cơ sở này. Đa số nữ nhân viên này đều có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, nhiều trường hợp trong lúc hành nghề bị khách bạo hành.

Mô hình “Đồng đẳng” đầu tiên được thành lập từ năm 2012 ở TP. Huế. Ban đầu có 15 chị em, đến nay mô hình này được nhân rộng trên địa bàn thị xã Hương Thủy và Hương Trà, với khoảng 76 hội viên sinh hoạt đều đặn. Quá trình sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, như: tập trung vào việc đẩy mạnh các hoạt động tư vấn sinh kế, tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống TNXH, tệ nạn mại dâm tại cộng đồng và góp phần phòng chống hoạt động của các loại tội phạm.

Vừa qua, Chi cục phòng chống TNXH tiếp tục cho ra mắt nhóm “Đồng đẳng” thứ hai ở TP. Huế (là nhóm thứ tư trên địa bàn toàn tỉnh) với 15 thành viên. Nhóm sẽ tiếp tục hoạt động với mục đích phòng chống HIV-AIDS, bạo lực, bạo hành; an toàn sức khỏe và hướng tới hỗ trợ các thành viên tái hòa nhập cộng đồng.

Đến nay, hoạt động của các nhóm “Đồng đẳng” được duy trì thường xuyên, nề nếp và đạt được một số kết quả nhất định. Từ các buổi sinh hoạt hàng tháng, các nội dung tư vấn việc làm, nghề nghiệp, sức khỏe và cách phòng chống bệnh thường xuyên được thực hiện. Các nhóm “Đồng đẳng” tổ chức hơn 70 buổi tuyên truyền, tư vấn cho 750 lượt nhân viên nữ ở 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tổ chức 4 lớp tập huấn về phòng chống TNXH, phòng chống mua bán người, phòng chống bạo hành; cung cấp thông tin về các hành vi xâm hại quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ góp phần giúp các cơ quan nhà nước có những biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời. Hoạt động của các nhóm thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc phòng ngừa các loại TNXH, nâng cao kiến thức chung cho các nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh; đồng thời tác động trực tiếp đến chủ cơ sở kinh doanh về các vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền lợi của người lao động và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Theo ông Hồ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức và duy trì hoạt động của các nhóm “Đồng đẳng” vẫn gặp nhiều khó khăn như: Một số điểm kinh doanh dịch vụ tìm cách đối phó hoặc thiếu thiện chí trong việc hỗ trợ các thành viên của nhóm tiếp xúc với nhân viên của mình. Tình trạng né tránh, tự ti của các nhân viên cơ sở kinh doanh cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động của nhóm…Chi cục phòng chống TNXH sẽ tiếp tục tham mưu cho chính quyền, lãnh đạo các cấp và nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm khắc phục những khó khăn và tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của các nhóm “Đồng đẳng”, góp phần tích cực trong công tác phòng chống TNXH trên địa bàn.

HÀ TÂM

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh

Ngày 23 và 24/3, tại nhiều địa phương, các lực lượng đã triển khai Phong trào ngày Chủ nhật xanh với các hoạt động đáng chú ý như, tổ chức đổi rác lấy quà, tặng quà cho hộ nghèo, khai trương tuyến đường cờ thanh niên, thực hiện mô hình điểm “Cổng trường văn minh – thân thiện – an toàn”…

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh
Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang

Viết tiếp ước mơ thuở nhỏ khi chọn trở về quê hương nuôi thỏ, chuột lang nhà, với Nguyễn Duy Lanh, chàng trai Hương Xuân (Hương Trà), tuy gian nan, khó khăn song những thành quả thu được lại vô cùng quý giá.

Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang
Giảm nghèo từ mô hình hỗ trợ sinh kế

Bằng nhiều giải pháp và cách làm cụ thể, thời gian qua số hộ nghèo trên địa bàn phường Đông Ba, TP. Huế ngày càng giảm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) của thành phố.

Giảm nghèo từ mô hình hỗ trợ sinh kế
Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

Không ngại khó, ngại khổ, bằng đôi tay của mình, chị Trương Thị Bé (sinh năm 1973) hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương. Sau một thời gian gầy dựng, đến nay, mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) của chị Bé đã cho thu “quả ngọt”, với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chị cũng là điển hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Thu nhập khá từ vườn ao chuồng
Return to top