ClockThứ Ba, 31/05/2016 14:16

Mở lại tín dụng ngoại tệ gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.

Sau 2 tháng ngừng cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ mở lại tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu từ ngày 1/6/2016. Theo Thông tư số 07 của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, từ ngày mai (1/6), doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước, thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.

NHNN cho vay ngoại tệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn vay, thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Internet)

Đây là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, bởi sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn vay, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại về việc cho vay ngoại tệ có thể ảnh hưởng tới tiến trình chống đô la hóa trong nền kinh tế.

Là một trong những doanh nghiệp dệt may lớn ở miền Bắc, mỗi tháng công ty May Hưng Yên cần vay ít nhất 8 triệu USD mới đủ trang trải trả lương công nhân, nhập nguyên phụ liệu…Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, trước đây, khi vẫn được phép vay ngoại tệ với lãi suất 3%/năm, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 800 triệu đồng tiền lãi.

Nhưng từ ngày 1/4 vừa qua, NHNN thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, doanh nghiệp phải chuyển sang vay tiền đồng với lãi suất 6-8%/năm, chi phí lãi đội lên tới 2,4 tỷ đồng. Chi phí tăng cao không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn phải tính vào giá thành, giảm sức cạnh tranh. Bởi vậy, thông tin NHNN cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục được vay ngoại tệ thực sự là một động thái kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Được vay ngoại tệ sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay ngân hàng. Trong 2 tháng vừa qua không được vay ngoại tệ đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của doanh nghiệp. Mặt khác, khi doanh nghiệp nước ngoài được vay ngoại tệ với lãi suất chỉ 1%/ năm thì doanh nghiệp trong nước phải vay ngoại tệ với lãi suất 2,8%-3%/năm cũng ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Dương phân trần.

Trước đó, Thông tư 24/2015 của NHNN quy định từ ngày 1/4/2016, doanh nghiệp xuất khẩu không được vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán trong nước. Đây là một trong những giải pháp làm giảm nhu cầu ngoại tệ trên thị trường và tiến tới giảm dần và chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế sau 2 tháng dừng cho vay ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn khi phải vay vốn bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn gấp đôi so với vay bằng USD.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vay ngoại tệ lãi suất thấp để đổi ra tiền đồng phục vụ sản xuất kinh doanh là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp để cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu quý I/2016 thấp hơn so với mục tiêu đặt ra, quyết định mở lại tín dụng ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tác động tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Động thái này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn hỗ trợ nền kinh tế. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay thì phải đẩy mạnh xuất khẩu vì xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Động thái của NHNN mở lại cho vay với các doanh nghiệp xuất khẩu giúp doanh nghiệp có chi phí vốn thấp để sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, khi cho phép các doanh nghiệp vay vốn USD có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Trong khi đó hiện nay, các khoản tiền gửi USD đều không kỳ hạn và lãi suất bằng 0% đã làm giảm mạnh số dư tiền gửi bằng ngoại tệ. Nếu nhu cầu vay ngoại tệ tăng mạnh trong thời gian tới có thể dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại tìm cách huy động USD và lãi suất cho vay USD có thể sẽ tăng. Điều này đi ngược với lộ trình chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế mà NHNN đặt ra.

Do đó, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, NHNN nên xem xét cho phép các ngân hàng thương mại huy động USD với mức lãi suất phù hợp, kèm theo một số điều kiện để giảm tình trạng đầu cơ.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), việc cho các doanh nghiệp vay USD chỉ kéo dài đến hết năm 2016, nên có thể đây chỉ là giải pháp tạm thời và khó có khả năng tăng lãi suất USD trong bối cảnh hiện nay.

“Ngân hàng mở lại cho vay ngoại tệ giúp doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp. Nhưng khả năng ngân hàng chỉ coi đây là giải pháp tình thế tạm thời trong giai đoạn khó khăn, chưa hạ được lãi suất tiền đồng nên mở cho vay ngoại tệ. Định hướng là cơ bản chống đô la hóa. Đến khi NHNN có những giải pháp khác để hạ được lãi suất thì có thể lại siết cho vay ngoại tệ. NHNN không khuyến khích người dân nắm giữ đô la nên khả năng không tăng lãi suất tiền gửi USD”, TS. Nguyễn Đức Độ đề cập.

Việc đóng và mở lại tín dụng ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong lúc này cho thấy chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của NHNN, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu lâu dài là ổn định thị trường tiền tệ, chống đô la hóa trong nền kinh tế.

Các chuyên gia khuyến cáo, NHNN cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát giảm thiểu các tác động tiêu cực đến thị trường ngoại tệ trong thời gian tới.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm

Ngân hàng Nhà nước vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm
Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà 100% thao tác có thể được thực hiện trên kênh số như: thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay,… Việc thực hiện giao dịch trực tuyến đã đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp.

Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Công điện nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”
Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của kinh tế giảm còn xuất phát từ sự ‘lệch pha’

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 22/8, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự “lệch pha” của cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp.

Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của kinh tế giảm còn xuất phát từ sự ‘lệch pha’
Tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng sau khi Fed tăng lãi suất

Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng lãi suất chính sách lên mức cao nhất trong vòng 22 năm và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục có một đợt tăng lãi suất khác, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 27/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.736 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.

Tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng sau khi Fed tăng lãi suất

TIN MỚI

Return to top