ClockThứ Tư, 29/02/2012 11:03

Mở lối cho các làng nghề truyền thống

TTH - Khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu là một trong những chương trình trọng điểm mà Sở Công thương đang triển khai thực hiện trong năm 2012. 

Từ chương trình

Thông qua chương trình khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu thuộc Kế hoạch 51 của UBND tỉnh, năm 2012 trên địa bàn tỉnh có 3 làng nghề được hỗ trợ để khôi phục và phát triển, đó là mây tre đan Bao La (Quảng Điền), nón lá Mỹ Lam (Phú Vang) và gốm Phước Tích (Phong Điền). Bên cạnh khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, chương trình này chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm xuất khẩu như mộc mỹ nghệ, đặc sản Huế và các sản phẩm đan lát xuất khẩu. Với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, trong năm 2012 Sở Công thương tập trung hỗ trợ các làng nghề công tác đào tạo và nâng cao tay nghề, tập huấn về cải tiến mẫu mã sản phẩm, đồng thời cùng với các DN đầu mối đẩy mạnh công tác phát triển, đa dạng hóa sản phẩm làng nghề để phục vụ xuất khẩu.

Cửa hàng trưng bày sản phẩm của HTX Bao La sẵn sàng phục vụ khách du lịch dịp Festival Huế 2012

Để tập trung triển khai chương trình, Sở Công thương đang phối hợp với UBND các huyện Quảng Điền, Phong Điền và Phú Vang lập đề án xây dựng khu du lịch làng nghề truyền thống Bao La, bảo tồn nghề gốm Phước Tích và khôi phục, phát triển nghề nón lá Mỹ Lam với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm 2012, sở phối hợp với các DN tổ chức các khóa đào tạo nghề, trong đó tập trung vào các nghề mới du nhập như đan sợi nhựa, sợi mây xuất khẩu, thêu hàng kimônô, thêu hanbok... Trong quý II-2012, sở sẽ hỗ trợ 262 triệu đồng để đào tạo nghề đan sợi mây xuất khẩu cho 250 lao động tại Công ty TNHH Ngọc Anh và 600 triệu đồng để đào tạo nghề may công nghiệp cho 400 lao động tại hai DN là Phú Hòa An và Thiên An Phát; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề đan truyền thống và chằm nón, gốm cho người dân tại các địa phương.

Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Năm 2012, sở tiếp tục triển khai Kế hoạch 51 của UBND tỉnh trên cơ sở đề xuất danh mục các đề án, dự án về khôi phục, phát triển nghề và làng nghề của các huyện. Theo đó, sở phối hợp với UBND các huyện khảo sát, lựa chọn các dự án để triển khai thực hiện như hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nhân cấy nghề mới cho các cơ sở tại làng nghề nón lá Mỹ Lam, mây tre đan Bao La, gốm Phước Tích và các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, sở tiếp tục phát triển các nghề phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu như may áo dài, đúc đồng, thêu, mộc mỹ nghệ, đồng thời triển khai chương trình khôi phục làng nghề gắn với du nhập nghề mới và phát triển cụm công nghiệp và làng nghề tập trung.” 

Đến triển khai thực hiện

Trong 2 năm 2010 và 2011, thông qua Kế hoạch 50 và 51 của UBND tỉnh, Sở Công thương đã hỗ trợ cho 12 dự án đào tạo nghề mộc, thêu tay, đan sợi mây nhựa, nón lá, mây tre đan, hoa giấy, trong đó đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 2.200 lao động, đồng thời triển khai các chương trình tập huấn về cải tiến mẫu mã sản phẩm cho các làng nghề, hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng.  

Chúng tôi đến HTX Mây tre đan Bao La tại xã Quảng Phú (Quảng Điền) vào trung tuần tháng 2. Một không khí làm việc khẩn trương, sôi động để kịp chuẩn bị các sản phẩm đan lát mỹ nghệ phục vụ du khách dịp Festival Huế 2012 và xuất hàng cho các tỉnh, TP trong cả nước theo đơn đặt hàng. Thành lập từ tháng 5/2007 với mục đích khôi phục lại nghề đan lát truyền thống sẵn có tại địa phương, HTX đã đầu tư kinh phí trang bị các loại máy chẻ tre, máy sấy để sản xuất với số lượng lớn, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động. Từ năm 2000 đến nay, HTX đã nhận các đơn đặt hàng của các tỉnh, TP và các DN trên địa bàn tỉnh để làm các sản phẩm như nang quạt thư pháp, đèn lồng, vành nón và các sản phẩm đan mỹ nghệ như rổ, rá, túi xách... có mẫu mã đẹp từ chất liệu tre truyền thống. Bên cạnh đan các sản phẩm TCMN, HTX còn nhận đan sợi mây thành các loại bàn ghế xuất khẩu cho Công ty TNHH Ngọc Anh nhằm giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng thêm ngành nghề mới.

Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La cho biết: “Để phục vụ Festival Huế 2012 và đề án xây dựng làng đan lát Bao La trở thành khu du lịch làng nghề truyền thống Bao La, sắp tới HTX sẽ đầu tư 100 triệu đồng để trang bị máy chẻ chuốt đa năng để nâng cao năng suất và 124 triệu đồng để xây dựng nhà trưng bày sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan và mua sắm của khách du lịch. HTX đang chuẩn bị hàng để trưng bày tại Hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế 2012 và tham gia hội chợ tại Thái Lan và các tỉnh, thành khác nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm.”

Cùng với đan lát Bao La, hiện làng gốm Phước Tích cũng đang bận rộn với đề án bảo tồn nghề gốm do Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Phong Điền triển khai thực hiện; làng nón Mỹ Lam sẵn sàng phục vụ du khách tham quan với trên 10 ngàn hộ dân tham gia chằm nón và tích cực tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý sản phẩm và cải tiến mẫu mã. Các hoạt động trên sẽ tích cực triển khai trong năm 2012 với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ khôi phục và phát triển 3 nghề truyền thống này. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, năm 2012 Sở Công thương sẽ tập trung chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho các loại đặc sản như mè xửng, tôm chua, rượu gạo và các loại bánh Huế; đồng thời, mở rộng phát triển thêm các ngành nghề mới với mục đích góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Việc thực hiện, chương trình khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đó là, đội ngũ lao động nông thôn chỉ làm việc theo mùa vụ và tay nghề kém, thời tiết ở Huế không thuận lợi nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển và dự trữ nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, do các DN, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và làng nghề quy mô nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong việc thu gom hàng hóa cũng như quy tụ lực lượng lao động tại chỗ. Một vấn đề đặt ra là cần thành lập các hội nghề, hiệp hội nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh, đồng thời phải gắn việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề với việc mở rộng tính liên doanh, liên kết giữa các DN và cơ sở sản xuất.        

Như vậy, thông qua chương trình khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu, năm 2012 trên địa bàn sẽ có nhiều làng nghề được khôi phục, bảo tồn và phát triển, đồng thời các sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ tìm được đầu ra ổn định, mở ra một cơ hội và hưởng đi mới cho các làng nghề, DN và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Hơn nữa, từ đề án này, hàng ngàn người dân nông thôn sẽ có hội tìm được việc làm và có điều kiện để gắn bó với nghề, để các làng nghề truyền thống ngày càng phát huy thế mạnh và mở rộng quy mô, góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là chung tay xây dựng nông thôn mới, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: Thanh Hương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5

Nhằm đảm bảo cấp điện trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 tới, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban chức năng, các đơn vị trực thuộc thực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu sinh hoạt, lễ hội của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30 4 và 1 5
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

TIN MỚI

Return to top