ClockThứ Sáu, 05/06/2015 07:24

Mở rộng cơ chế một cửa quốc gia với 3 Bộ

TTH.VN - Lễ mở rộng cơ chế một cửa quốc gia này vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia.

Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Lẽ ra 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường sẽ kết nối vào cuối năm nay, nhưng thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc chuẩn bị đã được lãnh đạo Bộ thúc đẩy mạnh mẽ để kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia sớm hơn kế hoạch, đáp ứng yêu cầu bức thiết về hội nhập của Việt Nam với khu vực.

Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết Bộ Tài chính với cơ quan thường trực là Tổng cục Hải quan và 3 Bộ trên đã cơ bản chuẩn bị được các điều kiện đảm bảo để triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia từ tháng 6 năm nay tới hết năm.

Việc mở rộng kết nối này được thực hiện với các nội dung: Mở rộng cho một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT gồm: Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú ý, Cục Trồng trọt, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản.

Mở rộng cho một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam.

Với Bộ Y tế, Cơ chế một cửa quốc gia mở rộng cho một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu của các cơ quan: Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đầu tiên kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia (với 3 thủ tục hành chính một cửa quản lý tàu biển xuất, nhập cảnh tại cảng biển quốc tế Hải Phòng) và tiếp đến là Bộ Công Thương.

Cách đây một tháng, Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai mở rộng tại 5 cảng biển quốc tế thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, hướng tới mở rộng tại tất cả các cảng biển và cảng đường sông quốc tế cho toàn bộ doanh nghiệp. Và gần đây nhất, Bộ Giao thông vận tải mở rộng thực hiện cơ chế một cửa quốc gia cho các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng kiểm dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Tính tới ngày 1/6/2015 đã có 1.481 doanh nghiệp đã thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với tổng số 2.555 hồ sơ. Về thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D hiện có 1.039 hồ sơ đã được xử lý. Từ ngày 25/5 tới 1/6 đã có 8 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng cho mô tô, xe máy, động cơ được thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia (trước đó các thủ tục này được thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian công sức cho doanh nghiệp khi phải di chuyển phương tiện để kiểm tra ở nhiều cơ quan, ở nhiều địa điểm khác nhau).

Doanh nghiệp sẽ được lợi lớn nhất từ cơ chế này. Theo ông Túc, khi áp dụng cho lĩnh vực đăng kiểm, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 thì ước tính hầu hết bộ hồ sơ do doanh nghiệp phải nộp, xuất trình sẽ đơn giản và được mã hóa, qua đó giảm thời gian, chi phí cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ.

Ngoài ra, lợi ích lâu dài của việc triển khai một cửa quốc gia là để chuyển đổi phương thức hoạt động sẵn sàng cho quá trình hội nhập hướng ra các thị trường có môi trường kinh doanh và hành chính chủ yếu là không cần giấy tờ; đơn giản hồ sơ giấy tờ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của nước ta.

Tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các bộ, các cơ quan tham mưu để có kết quả kết nối ngày hôm nay. “Bài học là quyết tâm chính trị của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ, tiếp đến là quyết tâm rất cao từ phía các đồng chí Bộ trưởng”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá và đề nghị các bộ chưa kết nối phải quán triệt quan điểm này.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng: “Nếu làm tốt việc kết nối với cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia thì chỉ sang năm 2016 ta đứng được vào ASEAN 3 chứ không chỉ là ASEAN 6” .

Trưởng Ban chỉ đạo cũng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị phải quyết tâm đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Trên thực tế, mặc dù chưa được bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng kết nối với Cơ chế một cửa nhưng 3 Bộ trên đã phối hợp với Tập đoàn Viettel ứng vốn để thực hiện, đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành khắc phục những vướng mắc khi phối hợp, tăng cường trang bị phương tiện, máy móc và tập huấn cho các đơn vị và cả các doanh nghiệp về cơ chế một cửa quốc gia.

Đánh giá cao các bộ tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia đã xây dựng quy chế phối hợp, nhưng Phó Thủ tướng đề nghị cần phải nâng lên thành quy trình phối hợp giữa các bộ để “Khi một việc xảy ra liên quan lĩnh vực nào thì xử lý ra sao, ai chịu trách nhiệm xử lý, ai ra quyết định xử lý... Các bộ phải vì lợi ích chung chứ đừng vị lợi ích của ngành mình”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định Chính phủ đã có kế hoạch bố trí đủ kinh phí để các bộ, ngành tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ kết nối với Một cửa quốc gia.

Theo VPCP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân

Ngày 28/3, ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp dân tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cùng dự buổi tiếp dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, TX. Hương Trà, lãnh đạo phường Hương Xuân và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top