ClockThứ Sáu, 14/07/2017 15:34
IS THẤT BẠI Ở MOSUL

Mối đe dọa đối với Đông Nam Á

TTH - Các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang lo ngại về mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi chúng thất bại ở thành phố Mosul (Iraq), “thành trì” quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông.

Lực lượng chống khủng bố Iraq cầm lá cờ IS sau khi bị kéo xuống tại thành cổ Mosul. Ảnh: Reuters

Chiến thắng chiến lược

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia Iraq ngày 10/7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố giành lại thành phố Mosul từ tay IS, đánh dấu thất bại lớn nhất của tổ chức cực đoan này kể từ khi chúng tuyên bố thành lập cách đây 3 năm. 

Cũng trong ngày 10/7, người dân Iraq xuống đường ăn mừng sau tuyên bố của Thủ tướng Al-Abadi. Một loạt các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, New Zealand, các quốc gia trong khu vực như Iran và Ai Cập cũng lên tiếng chúc mừng Chính phủ Iraq và đồng minh.

Chiến thắng Mosul được xem là ý nghĩa chiến lược về quân sự, bởi đây là một trong những cửa ngõ chính mà phiến quân nước ngoài sử dụng để thâm nhập vào Iraq. Thành phố Mosul được giải phóng sẽ giúp Quân đội của Chính phủ thắt chặt kiểm soát cửa ngõ này.

Thế nhưng, giới chuyên gia phân tích cảnh báo, IS thất bại ở Mosul không đồng nghĩa với mối đe dọa từ IS chấm dứt. Tổ chức khủng bố này vẫn đang chiếm giữ một số khu vực khác ở Iraq và vẫn thường xuyên thực hiện đánh bom tại những khu vực do Chính phủ kiểm soát.

Cảnh báo IS tràn sang Đông Nam Á

IS thất bại ở Trung Đông khiến Đông Nam Á được xem là địa bàn lý tưởng dành cho các phần tử Hồi giáo cực đoan. Hiện có tới hàng chục nhóm khủng bố địa phương tại Đông Nam Á cam kết trung thành với IS. Chúng tập trung chủ yếu ở Indonesia, Malaysia và Philippines.

Trong một động thái liên quan, Tư lệnh lực lượng liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu, Tướng Stephen Townsend cho rằng, chiến thắng Mosul chưa thể đánh dấu sự kết thúc của tổ chức khủng bố này. Bên cạnh đó, các chuyên gia an ninh cảnh báo, những thất bại liên tiếp tại Iraq và Syria thậm chí còn là nguyên nhân khiến IS đẩy mạnh hoạt động khủng bố, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có cả Đông Nam Á.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, thông tin tình báo cho thấy những tay súng nước ngoài IS tháo chạy khỏi Trung Đông đang lên kế hoạch chuyển căn cứ sang khu vực Đông Nam Á.

“Những gì đã xảy ra ở Trung Đông đang ảnh hưởng trực tiếp ở đây. Iraq và Syria tuyên bố không còn phiến quân IS ở Mosul và Raqqa sau các cuộc tấn công của họ. Vậy chúng đã đi đâu? IS tuyên bố chúng muốn thiết lập các cơ sở tại nhiều nơi, trong đó có Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Đông Nam Á sẽ là trọng tâm của chúng. Mỗi thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”, Bộ trưởng Hussein nhấn mạnh trong cuộc họp tại Kuala Lumpur ngày 10/7.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia ASEAN để phá vỡ âm mưu xâm nhập và kiểm soát khu vực Đông Nam Á của IS.

Thực tế tại khu vực cũng cho thấy, hàng loạt vụ tấn công khủng bố mang bóng dáng của IS diễn ra trong thời gian qua ở các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Maylaysia, Thái Lan… chứng tỏ “chân rết” của tổ chức khủng bố này đã vươn tới khu vực.

Đáng chú ý, Đông Nam Á là khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan và ly khai hoạt động mạnh, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh hay các hòn đảo biệt lập. Trong đó, sự xuất hiện của các tay súng nước ngoài trong cuộc chiến ở thành phố Marawi, phía nam Philippines được các nhà phân tích nhận định là những “hạt giống” đầu tiên mà IS muốn gieo xuống Đông Nam Á, nhằm thực hiện âm mưu xây dựng “vương quốc Hồi giáo” tại khu vực này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 11/7 khẳng định, chiến dịch giải phóng thành phố Marawi, đang bị các nhóm phiến quân tuyên bố trung thành với IS kiểm soát có thể hoàn thành trong 10-15 ngày tới. Tuy nhiên, ông Duterte cũng cảnh báo, mối đe dọa của IS vẫn hiện hữu tại quốc gia Đông Nam Á này kể cả khi chiến dịch trên kết thúc.

Đứng trước mối đe dọa khủng bố từ IS, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak ngày 12/7 cho biết, nước này mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhằm đạt mục tiêu chung của hòa bình, an ninh và ổn định cho tất cả mọi người.

Tờ Bernama của Malaysia dẫn lời ông Najib nói rằng, Mỹ đã chống lại chủ nghĩa cực đoan như một trong những ưu tiên hàng đầu, Malaysia sẽ là đồng minh đáng tin cậy trong chiến dịch của Mỹ. "Mặc dù chúng tôi may mắn không phải hứng chịu những cuộc tấn công khủng bố gây ra nhiều thương vong liên quan đến IS hay Al Qaeda, nhưng chúng tôi vẫn có nguy cơ đối mặt với khủng bố".

Như vậy, mối đe dọa từ IS đối với khu vực Đông Nam Á được đánh giá là rõ ràng và nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có chiến lược mạnh mẽ, đồng thời cần sự hợp tác chặt chẽ của cả khu vực, nhằm cắt ngay bất cứ “chân rết” khủng bố nào tới Đông Nam Á.

LÊ THẢO (Lược dịch từ CNA, CNN & Bernama)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết

Gần đây, Đông Nam Á ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, với hàng trăm ca tử vong. Chính phủ Singapore, Malaysia và Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp như thả muỗi mang vi khuẩn đặc biệt nhằm giảm số lượng muỗi mang virus gây bệnh, cùng với hàng loạt nỗ lực của cộng đồng nhằm giải quyết bệnh sốt xuất huyết. Nhưng với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, những biện pháp này hiệu quả đến mức nào?

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết
Return to top