ClockThứ Ba, 08/01/2019 14:39

Mỗi lần đến Huế...

TTH - Năm 2017, tôi ở trong đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đến thăm và làm việc với lãnh đạo Vụ Xúc tiến và Hợp tác Quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc. Một lãnh đạo vụ khoe luôn, vừa đi thăm Việt Nam về. Tôi đến được Hà Nội và Huế. Khi tôi hỏi, lần đầu đến Huế, thấy thế nào, ông hồ hởi, Huế rất thú vị, rất ấn tượng vì có những nét đặc trưng, riêng biệt...

Huế dạ

Du khách tham quan chùa Thiên Mụ. Ảnh: P. Thành

Còn tôi, sống ở Hải Phòng, mãi đến năm 1993, mới được đến Huế lần đầu, rồi đến năm 2005 mới quay trở lại. Thế rồi từ năm 2010 trở lại đây, năm nào tôi cũng một hai lần vào Huế. Lần thì chỉ ghé qua ăn mấy món Huế, lần thì ở vài ba ngày. Lần thì dự Festival, hội họp nhưng có lần lang thang nghiêng ngó... Mỗi lần đến Huế lại thấy vừa thân thương vừa mới lạ. Về rồi lại thấy nhớ. Cái nhớ cứ chầm chậm, dịu dàng mà lắng đọng...

“Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được...”

Sinh sống ở Hải Phòng, ồn ào và sôi động, lần đầu đến Huế tôi cảm nhận ngay một không gian lắng đọng, dịu dàng. Thăm những di tích, lăng tẩm, những nhà vườn “mướt quá xanh như ngọc” đan xen với những công trình kiến trúc hiện đại có cảm giác như quá khứ đan xen cùng hiện tại. Rồi ngồi thuyền đi trên sông Hương nước trong xanh chảy lững lờ qua những bờ bãi xanh ngút ngàn đẹp như bức tranh thủy mặc, nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga. Thời gian như lắng đọng, không gian êm ả đem lại cảm giác thư thái, thanh tịnh... Huế không chỉ dịu dàng,thơ mộng.

Năm ngoái, được các bạn đồng nghiệp Báo Thừa Thiên Huế đưa lên thăm núi Bạch Mã một ngày đêm. Đường lên Bạch Mã quanh co, dốc lại khá nhỏ nhưng khung cảnh đẹp như chốn bồng lai với mây mù, sương khói bảng lảng trên những đỉnh núi, giữa đại ngàn cỏ cây, hoa lá, chim muông.

Mỗi lần đến Huế, vào mỗi thời điểm tôi lại nhận được những cảm nhận khác biệt. Sông Hương, núi Ngự, Vỹ Dạ, Bạch Mã... như những nốt nhạc trầm hùng sao xuyến tạo nên bản hòa tấu trữ tình, sâu lắng, phảng phất nét trầm tư. Nhưng không chỉ có thế, một thành phố Huế hiện đại, hội nhập đang chuyển động từng ngày. Lần đến Huế gần đây nhất là cuối tháng10/2018 vừa qua, vào đúng ba ngày cuối tuần tôi  lại được khám phá một nét mới của Huế... Đó là không gian của phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu mới đưa vào hoạt động. Không rộng, không có những công trình hoành tráng... như phố đi bộ bên hồ Gươm ở Thủ đô hay đường Nguyễn Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh... nhưng phố đi bộ ở đây nho nhỏ xinh xinh rất Huế. Cả 3 tuyến đường đi bộ chỉ chừng hơn 1km. Nhưng gần như cũng đủ những thứ mà du khách muốn có ở các phố đi bộ. Đó là những quán bar hiện đại xen kẽ với những quán ăn đặc sản Huế, những cửa hàng tiện ích bên những cửa hàng lưu niệm, quán hàng vỉa hè, và có một cửa hàng sách với một dãy bàn bày kín các loại sách, tạp chí. Không gian ở đây cô đọng như trong một sân khấu lớn với ánh đèn màu rực rỡ, tiếng nhạc bập bùng hòa với tiếng nói cười rộn rã của nhũng dòng  người tấp nập đến vui chơi. Huế không còn đi ngủ sớm.

“Ta có Huế ngọt ngào...”

Du lịch Huế đã khác nhiều. Giọng Huế vẫn nhẹ nhàng, dễ thương nhưng quan trọng hơn là cách ứng xử nhã nhặn, thiết thực đẹp lòng du khách. Tôi nhớ có lần đi từ khách sạn đến nơi họp có thể đi bộ được nhưng sắp đến giờ khai mạc, mà gọi taxi thì ngại. Vì có lần ở Hà Nội đi taxi tôi bị bác tài mắng. Nghe tôi nói quãng đường, anh chàng taxi to đô con như vận động viên thể hình đón ở của khách sạn bảo: "Không sao bác cứ lên cháu chở”. Đến nơi, đồng hồ taxi hiện số 12.000 đồng, tôi lúng túng không có tiền lẻ. Anh taxi cười: Dạ thôi, cháu chở giúp bác đến kịp họp là được rồi. Anh bạn tôi đi tứ xứ bảo: Cũng là tiếng "dạ", nhưng nghe giọng Huế thấy dễ thương đến lạ.          

Tháng 10 vừa rồi đến Huế, tôi cùng mấy người bạn tìm đến quán Hạnh ở đường Phó Đức Chính thưởng thức  món đặc sản nem lụi, bánh khoái, bánh nậm... Các món ở đây khá ngon và rẻ, đặc biệt là có ba chàng trai cao trên 1,7m, dáng thể thao, nhanh nhẹn phục vụ khách. Khi chúng tôi gọi món, một trong ba chàng nghiêng mình ghi chép, rồi: "Dạ chú đợi cho một lát"... Quán rất đông khách cả ta và tây. Tôi chắc nhiều khách tìm đến rồi quay lại quán không chỉ vì món ngon, rẻ mà vì tiếng "dạ" của những chàng trai Huế.

Cảnh quan Huế, văn hóa Huế, con người Huế với những nét đặc trưng đã trở thành những giá trị toàn cầu. Nhưng với mỗi người, mỗi thời điểm lại cảm nhận những nét khác biệt, mới lạ. Với tôi, nhiều khi nhớ Huế, yêu Huế chỉ là một điều gì đó dịu dàng, dễ thương.

Trọng Nghĩa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Tại ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024 với chủ đề “20 năm hành trình sống động” gắn với thông điệp chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” (từ ngày 4-7/4), Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tham gia với nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Phát triển du lịch tâm linh ở Huế

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngành du lịch địa phương đang nỗ lực gắn kết với các ngành để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Phát triển du lịch tâm linh ở Huế
Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Sáng 26/3, Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Return to top