ClockThứ Bảy, 14/05/2016 14:13

Mong biển bình yên

TTH - Câu chuyện cá chết ven biển miền Trung thời gian qua phần nào ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân. Có người phải nghỉ đánh bắt một thời gian dài, có người vào Nam kiếm sống, chờ ngày thị trường cá tôm ổn định sẽ vươn khơi trở lại.

Chuyến trở về sau đêm đánh bắt gần bờ của một ngư dân vùng biển Xã Phong Hải (huyện Phong Điền)

Nỗi niềm đánh bắt gần bờ

Sau một thời gian dài ngừng đánh bắt do ảnh hưởng chuyện cá chết, nay ngư dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu ra khơi trở lại. Có lẽ nhiều nhất là những đội tàu đánh bắt xa bờ ở các xã Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang). Ngư dân Nguyễn Văn Công, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận kể rằng, đã ra khơi lại được gần một tuần, sau hơn một tháng cho tàu nằm bờ. Mặc dù lượng cá đánh bắt được bán giá vẫn còn thấp, nhưng thị trường cá dần ổn định trở lại cũng là động lực để tàu ra khơi. “Vẫn biết mỗi chuyến đi vào thời điểm này không lãi cao nhưng vẫn phải đi, phải có cá tươi thì khi đó người tiêu thụ mới có cách nhìn khác với hải sản. Không đi đánh bắt, không có cá thì người tiêu dùng họ hoài nghi”, anh Công nói.

Có mặt tại các bãi biển tập trung nhiều thuyền, thúng đánh bắt gần bờ ở các xã như Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phong Hải, Điền Lộc, Điền Hương (Phong Điền), chúng tôi nhận thấy được một vài thuyền đã ra khơi. Trò chuyện sau chuyến đánh bắt về với khoảng chục kg cua, ghẹ và nhiều loại cá khác, ngư dân Nguyễn Văn Lành xã Phong Hải bộc bạch, ra khơi để kiếm cá vừa ăn, và vừa bán lai rai. Ông Lành trăn trở, các tàu đánh bắt xa bờ (trên 20 hải lý) sẽ được cấp chứng nhận cá an toàn, dễ tiêu thụ. Nhưng với nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ (dưới 20 hải lý) chủ yếu sử dụng thuyền máy công suất nhỏ, thuyền chèo tay hoặc thuyền thúng rất khó tiêu thụ bởi không được cấp giấy chứng nhận cá sạch, người tiêu dùng vẫn còn lo lắng nên rất khó bán. Ông Lành cùng nhiều ngư dân cũng đề nghị cơ quan chức năng nên có phương án kiểm nghiệm, nếu đảm bảo an toàn thì cấp chứng nhận cá sạch đối với các loài cá được ngư dân đánh bắt trong vòng 20 hải lý trở vào để họ yên tâm ra khơi đánh bắt cũng như để người tiêu dùng an tâm. “Bây giờ chỉ mong biển bình yên, mọi thứ đâu vào đấy để người dân cùng thuyền thúng có thể ra khơi. Với những người đánh bắt gần bờ đâu có đi quá được 20 hải lý, như vậy thì gặp khó khăn lắm”, ông Lành tâm sự.

Ngư dân mong sớm được hỗ trợ

Gặp chúng tôi tại khu vực bãi biển Điền Hương, ngư dân Nguyễn Văn Tuy (52 tuổi, xã Điền Hương) kể rằng, từ khi có hiện tượng cá chết, nhiều người không thể đi đánh bắt, cuộc sống thiếu thốn nên đã đi vào các tỉnh phía Nam để tìm việc làm tạm, chờ ngày biển bình yên sẽ ra đánh bắt trở lại. Chỉ tay về những chiếc thuyền nằm dọc theo bờ biển, ông Tuy tự hào rằng người dân vùng này đánh bắt gần bờ, nhưng rất giỏi. Ngày thường thu nhập 1 đến 2 triệu đồng/ngày, nếu may mắn trúng những luồng cá lớn thì có khi thu nhập 3 đến 4 triệu đồng/ngày. Thế mà vào thời điểm này ngay giữa mùa sóng yên biển lặng nhiều thuyền vẫn không dám ra khơi. “Chúng tôi khó khăn lắm nhưng vẫn trông chờ vào những mùa biển bình yên để tiếp tục ra khơi, thu hoạch cá, tình cảnh này kéo dài thì không biết sẽ ra sao, phiêu bạt về chốn nào”, ông Tuy lo lắng.

Cũng như ông Tuy, nhiều ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ vẫn mong chờ các chính sách, hỗ trợ trong thời gian tới để việc ra khơi dễ dàng hơn, người tiêu thụ mặn mà với hải sản trở lại. Theo ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, trên địa bàn xã có 63 thuyền đánh bắt gần bờ với gần 170 lao động bám biển. Trong đó có 43 thuyền máy và 21 thuyền chèo. Hơn một tháng qua, thông tin cá chết dọc biển miền Trung đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân. Những ngày gần đây, một số thuyền đã ra khơi nhưng việc tiêu thụ cá trên địa bàn xã cũng vẫn còn chậm.

Thống kê từ xã Điền Lộc cũng cho biết, hai thôn trong xã giáp biển là Mỹ Hòa và Tân Hội có nghề đánh bắt gần bờ với 18 thuyền. Một số ngư dân ra khơi trở lại, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bắt và bán cá ra thị trường. “Hiện chúng tôi đã gửi danh sách các ngư dân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn lên UBND huyện, để có chính sách hỗ trợ thời gian tới”, ông Trần Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc nói.

PHAN THÀNH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Return to top