ClockThứ Hai, 14/01/2019 12:45

Mong ước lớn của tiệm giặt nhỏ

TTH - Sẵn sàng từ chối những khách hàng "béo bở", Nguyễn Đặng Phước Lâm, chàng trai sinh năm 1987 đang trên hành trình thực hiện mục đích: Nâng cao chất lượng sống và ý thức của mọi người, nhất là các bạn sinh viên bằng việc đầu tư kinh doanh máy tự giặt, tự sấy ở 93 Xuân Diệu, TP. Huế.

“Nóng” dịch vụ giặt làDịch vụ giặt thuê

Tự giặt, sấy giúp khách hàng yên tâm hơn

Thấu hiểu

Tình cờ trong một chuyến du lịch tại Nhật Bản, chàng trai sinh năm 1987 được khám phá những tiệm tự giặt sấy tại xứ sở hoa anh đào. Lâm nhớ lại: “Mình rất ngưỡng mộ dù đó chỉ là tiệm giặt nhỏ. Khách hàng là người tự thao tác và vận hành thiết bị. Quần áo được giặt riêng, không lo lây nhiễm vi khuẩn và các bệnh ngoài da. Cửa hàng hoạt động cũng không cần nhân viên, khách hoàn toàn tự chủ chứ không phải đợi chờ”.

Không chỉ hiện đại, thái độ của khách hàng cũng khiến Lâm nể phục. “Rất bất ngờ vì trong một cơ sở nhỏ, mọi người lại vui vẻ tự giặt sấy cho mình như đang ở nhà. Đọc báo, lướt mạng chờ áo quần sạch đẹp, họ xem việc giặt giũ như là khoảng thời gian thư giãn, chứ không hề vất vả và mệt mỏi như mình từng trải”, chàng trai trẻ chia sẻ thêm.

Những bỡ ngỡ và mong ước thuở sinh viên đã thôi thúc Nguyễn Đặng Phước Lâm tìm hiểu. Không chỉ tại Nhật Bản, các nước phương tây từ lâu đã áp dụng dịch vụ này. Thế là chàng cựu sinh viên bắt tay vào thực hiện dự định, xây dựng tiệm tự giặt sấy đầu tiên tại Huế.

Đầu tư hai máy sấy và bốn máy giặt, như dự định ban đầu, khách hàng mà Lâm hướng đến là các bạn sinh viên, những gia đình ít thành viên. Phước Lâm nói: "Mình đã có mục đích nên "I Wash" chỉ nhắm vào lượng khách hàng cần dịch vụ này nhất. Vì thế, dù có những mối hàng ổn định, mình vẫn không nhận”.

Cải tiến

Mong ước lớn, song chàng trai 32 tuổi vẫn phải thay đổi hình thức kinh doanh. Lâm cho biết: “Có một sự thật rằng không phải ai cũng biết dùng máy giặt, nhất là các bạn sinh viên xa nhà. Mặc khác, tính tự giác của mỗi người vẫn có sự khác biệt. Vì thế, việc tích hợp máy giặt dùng xu/tiền polime là không phù hợp”.

Thay vì tự động hoàn toàn, Phước Lâm chọn hình thức có người hỗ trợ. Bà Đặng Thị Mỹ Hoa, mẹ của Lâm sẽ là người giúp đỡ cho khách hàng lúc cần thiết. Thông thường bà sẽ hướng dẫn thao tác sử dụng máy giặt cho khách. Đến lần tiếp theo, họ sẽ tự giặt mà không cần người trợ giúp. Riêng với khách hàng bận rộn, nhiều lúc họ chỉ cần thao tác máy, đến giờ hẹn là khách có thể mang quần áo về.

Thay đổi cho phù hợp với thời tiết xứ Huế, tiệm của Lâm đã có sự linh hoạt. Nếu gộp cả sấy và giặt, giá thành là 50 nghìn đồng. Để linh động, "I Wash" còn có dịch vụ sấy hoặc giặt riêng. Vì thế, tiệm sẽ phục vụ tốt cho khách dù mùa hè hay mùa đông.

Bạn Ngô Phan Cẩm Tuyết, sinh viên Trường đại học Y dược Huế chia sẻ: “Cảm giác được tự giặt sấy rất thú vị và an toàn. Trước đây khi đến những tiệm giặt là, mình rất ngại vì có thể phải giặt chung đồ, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Thay vì phải mất một ngày, bây giờ chỉ cần tầm hai tiếng là đã có ngay đồ sạch”.

Yêu thích sự chuyên nghiệp của dịch vụ, Trần Thái Hoàng, một bạn sinh viên khác, nhận xét: “Mình được tự chủ và hoàn toàn yên tâm lúc thao tác với máy, vì thế vẫn háo hức mỗi lần giặt đồ. Đây là “biểu hiện” lạ vì việc học tập khá căng thẳng và vất vả”.

Hơn một năm đi vào hoạt động, tiệm giặt sấy nhỏ của Lâm đã có lượng khách hàng thân thiết. “Nhiều bạn sinh viên yêu thích dịch vụ này, đó là một thành công nho nhỏ. Không chỉ riêng mình, ai cũng muốn có cuộc sống tự chủ, chất lượng, sạch sẽ và an toàn. Đó là lý do mình sẽ tiếp tục theo đuổi công việc này”, Lâm nói.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top