ClockThứ Tư, 12/12/2012 18:12

Một bè lau qua sông

TTH - Trong kỳ thư “Thiên Long Bát Bộ”, ngoài Tiêu Phong và Hư Trúc, Kim Dung (nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Trung Quốc) đã xây dựng nhân vật Đoàn Dự. Đó là một vương tử đa tình, thích ngao du sơn thủy đã tự rời bỏ cung đình tráng lệ Đại Lý (nay thuộc Vân Nam), dấn thân vào chốn giang hồ để trải nghiệm đời sống. Trong cuộc lữ hiện sinh đầy sóng gió đó, với một tâm Phật mênh mông, lòng quý yêu quá đỗi cái đẹp của cuộc đời (nhan sắc, mạng sống, thiên nhiên, cỏ cây hoa lá…), vương tử quyền quý họ Đoàn đã có cơ duyên mà luyện nên công phu “Lăng Ba Vi Bộ” của phái Tiêu Dao. Nguyên lý của công phu na ná như tinh thần bài Lạc Thần Phú của Tào Thực với mấy câu: Lăng Ba Vi Bộ - La miệt sinh trần (bước đi uyển chuyển như đùa vui mà thoát cơn sóng dữ). Chỗ sở dụng tột đỉnh của công phu cũng là yếu tính cuối cùng được ghi trong bộ pháp “Nếu gặp cường địch, dùng bộ pháp nầy để uyển chuyển tránh né, BẢO VỆ CHÍNH MÌNH, tích thêm nội lực”.

Ngẫm ra, việc làm của Đoàn Dự và chuyện tưởng thuần nhất giải trí của Kim Dung lại cho giáo dục hiện đại những bài học liên quan đắt giá, rất thực tế, đặc biệt là chuyện “Giảng dạy kỹ năng sống trong trường học”- Một vấn đề thời sự hiện nay.

Rõ ràng, trong vòng tay yêu thương rất mực của gia đình cộng hưởng với một nền giáo dục từ chương khô cứng, thiếu một thứ “cây đời xanh tươi” và cách giảng dạy tuân thủ đến từng mi-li-mét của một số người dạy (hệ thống giáo án đã được lập trình), học sinh hôm nay khi ra trường có thể rất giỏi chữ nhưng ngơ ngác. Họ ngơ ngác trước biển đời mênh mông, trước tình huống, trước những trận đấu cuộc đời “căng thẳng” mà chiến thắng thường thuộc về những ai “biết đọc trận đấu” để thích nghi, tồn tại.
 
Ý thức điều này, dù muộn nhưng “muộn còn hơn không”, năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức yêu cầu việc lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống (KNS) vào chương trình các môn văn hóa từ lớp 1 đến lớp 12 với tổng cộng 21 kỹ năng. Nếu hiểu một cách đơn giản và thực tế, từ đây các “vương tôn công tử” ít nhiều đã được trang bị “Lăng Ba Vi Bộ” để có thể “tự bảo vệ chính mình”.
 
Tuy nhiên, khi thực thi, vấn đề đặt ra không chỉ là đơn thuần lồng ghép, tích hợp. Quan trọng là sự thấu hiểu và cách thức giáo dục KNS như thế nào để đạt hiệu quả cuối cùng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những nhận thức đầy ngộ nhận về giáo dục KNS. Đa số người dạy đều nghĩ giáo dục KNS là những vấn đề lớn của công dân và biến giờ học thành những giờ lên lớp về đạo đức đánh thức, lương tâm… Họ không được trang bị thấu đáo để nhận thức rằng, giáo dục KNS lại là giáo dục những vấn đề hết sức bình thường, nhỏ nhưng tiện ích, giúp học sinh có những kiến thức, những trải nghiệm thú vị, thiết thực kiểu Lăng Ba Vi Bộ đối với Đoàn Dự để tồn tại, thích nghi trước một đời sống đa dạng.
 
Chẳng hạn, có thể là những kiến thức sơ đẳng về an toàn thực phẩm giúp học sinh có thể tự mình trở thành một người tiêu dùng biết phân biệt tối thiểu hạn sử dụng, nhãn mác, thật giả… và học sinh - lứa tuổi mà cơ thể còn non yếu- nhờ đó không biến thành con mồi ngơ ngác, tội nghiệp của các hàng quán, các “siêu thị di động” đang sống chung với trường học hiện nay (Kỹ năng nhận thức – thích nghi).
 
Có thể là một cách chạy xe khôn ngoan để an toàn giữa trận đồ bát quái giao thông hiện nay mà người đi bên phải chưa chắc “Lẽ phải thuộc về ta” (Kỹ năng ứng phó căng thẳng). Giáo dục một thói quen biết lựa chọn để học sinh có thể khôn ngoan gạt bỏ những cuốn sách, cuốn vở, những đồ dùng không cần thiết trong buổi học hôm nay để chiếc cặp mình đỡ nặng nhằm tự cứu mình tránh được một phần hệ lụy còng lưng sớm trước sự quá tải của nền giáo dục (Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn )…
 
Tựu chung, giáo dục kỹ năng sống không phải là những gì quá to lớn, trừu tượng mà đó chính là việc trang bị những kiến thức thiết yếu, cung cách ứng xử phù hợp, vừa tầm với lứa tuổi, nhân cách để giúp học sinh tự bảo vệ, chống trả tư tưởng “trời mưa đất chịu” hay “sống chung với lũ” đầy tính thỏa hiệp của người lớn.
 
Và nếu hiểu như thế, quả thật với việc giáo dục KNS trong nhà trường đang rất cần một nhận thức đơn giản kiểu Đoàn Dự khi chọn công phu “Lăng Ba Vi Bộ”. Trước hết và sau cùng, công phu này quá phù hợp với tâm hồn, mục đích sống của Đoàn Dự là nỗ lực cứu mình, cứu người.
 
Vâng, Lăng Ba Vi Bộ, Giáo dục KNS suy cho cùng là cho học sinh một bè lau - Một bè lau qua sông.
Nhất Điểm Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top