ClockThứ Năm, 19/05/2011 05:05

Một biểu tượng văn hóa Huế

TTH - Tình cờ, tôi được đọc một tập san của thầy trò Trường Quốc Học Huế, ra mắt cách nay 21 năm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách mang lại cho tôi bất ngờ thú vị bởi cách đặt vấn đề và bởi những nội dung phong phú bên trong. Trang đầu tiên là ý kiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là một cựu học sinh Quốc Học: “Nhớ đến Trường Quốc Học qua nhiều thế hệ, tôi nghĩ rằng Bác Hồ của chúng ta là người học trò xuất sắc nhất của Quốc Học- Huế. Thật là một trường có truyền thống anh hùng”. Nội dung tập sách là những bài khảo cứu về Bác gắn với quãng thời gian Người học tập tại Trường Quốc Học, là những sáng tác của thầy và trò từng giảng dạy và học tập tại nhà trường.


Trường Quốc Học Huế

Tôi đã có bất ngờ thú vị và xúc động khi lần đầu tiên đọc được sáng tác của những thầy cô giáo của mình, như thầy Nguyễn Văn Hoá hay cô Nguyễn Thị Thanh Quế… Tôi hiểu, phải có sự thấu hiểu và cảm xúc thật đặc biệt, thầy giáo của tôi là ông Nguyễn Văn Hoá mới có được những dòng viết: “Thương ở nơi đây/ Có một điều mà tôi chưa biết được/ Dấu chân Người trên Bia-Mộ- Thời Gian”.

Nhà thơ Mai Văn Hoan, một giáo viên của Trường Quốc Học cho rằng, viết về Bác là nhu cầu tình cảm không chỉ đối với nhà văn, nhà thơ mà còn là nhu cầu tình cảm của quần chúng nhân dân, trong đó có thầy trò Trường Quốc Học. Thầy trò Trường Quốc Học có may mắn được dạy và học trong mái trường ngày xưa Bác từng học. Chính điều này đã tạo nên nét riêng ở những sáng tác của thầy trò Trường Quốc Học.   
Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) sống ở Huế 2 thời kỳ khoảng mười năm và học ở Trường tiểu học Pháp- Việt Đông Ba và Quốc học gần 4 năm. Là một trong 10 học sinh giỏi nhất lớp nhất Trường tiểu học Pháp- Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành thi vượt cấp, vượt lớp vào học lớp đệ nhị niên học 1908-1909. “Học sinh Nguyễn Tất Thành học đều khá các môn, Hán văn không ai bì kịp, Pháp văn thì vững vàng hơn bất kỳ một học sinh Nghệ Tĩnh nào”. Bạn bè rất khâm phục “cái trí nhớ phi thường của Nguyễn Tất Thành”. Một lần, thầy giáo viết bài thuộc lòng lên bảng, cả lớp chép vào vở chưa xong thì Nguyễn Tất Thành đã thuộc lòng rồi. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tùng, một thầy giáo người Pháp đã nhận xét về Nguyễn Tất Thành “Con người này nếu không có thiên hướng cách mạng thì có thể trở thành một nhà văn hay một nhà bác học lớn”.
Ông Vương Học Báo, Chủ nhiệm Khoa Điêu khắc Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội là tác giả pho tượng Nguyễn Tất Thành được đặt trong khuôn viên sân Trường Quốc học hiện nay. Được Hội đồng của tỉnh tuyển chọn, bức tượng bằng bê tông, cao 3,1m và nền tượng cao, đã được khởi công xây dựng ngày 28/4/1990 và đã hoàn tất đúng vào dịp kỷ niệm 100 sinh nhật Bác Hồ.
Tôi đã cảm nhận được hài hoà và tương đồng đến kỳ lạ khi có dịp ghé thăm Trường Quốc Học, ngắm nhìn tượng đài Nguyễn Tất Thành. Và, tôi đã nghĩ đó như một biểu tượng đẹp về mối quan hệ giữa ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử trên 100 năm này với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đó được xem là giá trị biểu tượng văn hoá Huế, điểm đến và là sự tri ân mà các thế hệ thầy trò Trường Quốc Học dành cho người học trò xuất sắc của trường, Nguyễn Tất Thành- Hồ Chí Minh.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn

TIN MỚI

Return to top