ClockThứ Sáu, 16/09/2016 13:57

Một lễ hội thành công

TTH - Đến thời điểm này theo nhìn nhận cá nhân lễ hội thanh trà Thủy Biều là một “ ngày hội” thành công và thực chất nhất trong các lễ hội địa phương mà tôi từng biết (địa phương ở đây là cấp phường xã). Nói như thế, không có ý rằng, các lễ hội khác là không thực chất. Cái chất của lễ hội thanh trà Thủy Biều là sự hào hứng khi lễ hội diễn ra; lắng đọng khi không còn lễ lược và thấm vào người dân. Nói thằng ra, nó đưa lại một hiệu quả hẳn hoi, bền vững và lâu dài trên cả hai phương diện: văn hóa và kinh tế.

Hơn 30.000 lượt khách đến với lễ hội thanh trà năm 2016Khai mạc lễ hội thanh trà, lần thứ V, năm 2016

Bày bán thanh trà đạt chuẩn tại Lễ hội Thanh trà Thủy Biều. Ảnh: Đ.Từ

Chúng ta đều biết, trong lịch sử của nhiều dân tộc, có những lễ hội thuần túy là văn hóa chứ không hề có yếu tố kinh tế. Thậm chí nếu xét về kinh tế, đó là “kinh tế âm”. Ở đây, lễ hội là để phục vụ đời sống tinh thần thuần túy của cộng đồng. Ví dụ như lễ hội cúng cơm mới của bà con đồng bào dân tộc ít người…Xét về kinh tế, những lễ hội dạng này chỉ có mất chứ không bao giờ được. Tôi đã từng tham gia lễ hội cúng cơm mới của đồng bào A Lưới, lễ hội Bunpimay của đồng bào dân tộc Lào - là tết Lào, họ chơi ba ngày ba đêm và còn hơn thế nữa. Có trâu vật trâu, có dê vật dê. Những lễ hội như thế này chứa đựng một đời sống tinh thần rất lớn. Nó là truyền thống lâu bền. Nó còn có một giá trị lớn hơn những tính toán kinh tế đơn thuần. Nói như thế để không tách bạch thế nào là kinh tế, thế nào là văn hóa. Nhưng rõ ràng đây là hai phạm trù khác nhau để chúng ta đừng lẫn lộn và cũng đừng để ai lợi dụng làm lễ hội.

Nói lễ hội thanh trà Thủy Biều được trên cả hai phương diện văn hóa và kinh tế là xét về khía cạnh mới phát sinh và sức sống tồn tại, trong so sánh với nhiều lễ hội được tổ chức gần đây.

Về thời gian, cây thanh trà đã có trên đất Thủy Biều từ lâu nhưng lễ hội thanh trà Thủy Biều được tổ chức chừng chục năm nay. Về quy mô, ngày càng mở rộng và thu hút được quan tâm của nhiều du khách và người dân. Nếu ai tham gia lễ hội sẽ thấy rằng, đây là ngày hội của người dân Thủy Biều. Về văn hóa, không chắc lắm, nhưng những gì cá nhân quan sát thì thấy rằng, đó là niềm tự hào của người dân Thủy Biều, họ tự hào về một vùng đất sản sinh ra một loài đặc sản - thanh trà - để bây giờ tổ chức thành lễ hội.

Còn ở khía cạnh kinh tế, trong khi thanh trà nói chung và thanh trà Thủy Biều nói riêng trước đây không mấy giá trị, nay trong lễ hội, cứ một cân 45 ngàn đồng. Trước lễ hội tôi đã đi thăm một vài vườn thanh trà Thủy Biều, có người nói có nhà vườn rộng thu nhập 200 triệu đồng một năm. Điều này không hề viễn vông khi nhìn những cây thanh trà trĩu quả hàng trăm trái. Những cây chăm sóc tốt mỗi trái từ 6 lạng đến chừng 1 kg.

Ai làm nên sự sang trọng cho thanh trà Thủy Biều? Rất đáng ghi nhận công lao của những lãnh đạo phường Thủy Biều. Và cũng rất đáng trân trọng những tấm lòng đã hỗ trợ để làm nên một lễ hội. Và biết đâu một trăm năm và lâu hơn nữa, lễ hội thanh trà Thủy Biều trở thành một lễ hội truyền thống của đất cố đô.

Tham dự lễ hội thanh trà Thủy Biều mới thấy rằng, dòng chảy văn hóa là bất tận. Những gì lợi dụng danh nghĩa văn hóa không sớm thì muộn cũng không thể tồn tại qua sự gạn lọc của thời gian. Và cũng nhận ra một điều, mười năm chưa phải là dài, nhưng một lễ hội như lễ hội thanh trà Thủy biều, nó gắn với những gì thiết thực với đời sống của người dân. Nghĩa là, lễ hội không phải để mua vui chốc lát, không thể tách rời đời sống. Và nó cũng cho thấy, muốn thành công, phải nhen nhóm từ những “đóm lửa” nhỏ, kiên trì.

Triền sông Hương miệt Thủy Biều đang bồi lấp rộng hơn. Những cây thanh trà được chiết ra và tiếp tục lập vườn. Nhà vườn thanh trà Thủy Biều sẽ góp thêm một sản phẩm cho du lịch Huế.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Return to top