ClockThứ Bảy, 04/02/2017 12:01

Một năm nhiều thách thức với châu Á

TTH - Kết thúc năm 2016 với nhiều biến động, các quốc gia châu Á đang bước sang năm 2017 với nhiều thách thức lẫn kỳ vọng, trong đó nổi bật nhiều điểm sáng lạc quan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phủ Chủ tịch ngày 23/5/2016. Ảnh: AFP 

Chia tay năm 2016 nhiều biến động

Một trong những sự kiện đáng chú ý ở châu Á trong năm 2016 là phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện chủ quyền trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Theo đánh giá của giới chuyên gia, với phán quyết mang tính lịch sử này, tòa trọng tài đã làm rõ các yêu sách vốn rất mơ hồ về mặt pháp lý mà Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông, đồng thời mở đường cho các nỗ lực tiếp theo nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo hướng hòa bình và công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế.

Năm 2016, Triều Tiên tiếp tục gây lo ngại cho cả khu vực và thế giới khi tiến hành đến 24 vụ thử tên lửa và 2 vụ thử hạt nhân. Theo đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tháng trước, “năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã có sự phát triển về chất lượng nhờ các vụ thử tên lửa và hạt nhân ở cường độ chưa từng thấy trong năm qua và mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn”, khiến tình hình căng thẳng leo thang và làm dấy lên nguy cơ xung đột vũ trang giữa các nước.

Trong khi đó, vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil đã làm rúng động chính trường nước này, nhất là từ sau khi Quốc hội thông qua đề nghị luận tội Tổng thống Park hôm 9/12, chính thức bãi nhiệm toàn bộ các chức vụ của bà trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng của Toà Hiến pháp. Vụ bê bối khiến hàng trăm nghìn người dân Hàn Quốc xuống đường đòi tổng thống từ chức, tạo ra một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại nước này.

Tuy nhiên, bức tranh châu Á năm 2016 cũng có một số điểm cộng đáng ghi nhận khi năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt chân tới nhiều quốc gia châu Á trước khi chính thức rời nhiệm sở, trong đó chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 5/2016 được đánh giá là cột mốc quan trọng trong việc cải thiện quan hệ Việt-Mỹ, ghi nhận bước tiến vượt bậc giữa 2 nước. Đến tháng 9, ông Obama có chuyến công du châu Á cuối cùng trong nhiệm kỳ, củng cố chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ.

Cũng trong năm 2016, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á trên đà phục hồi tích cực, nổi bật có thể kể đến Philippines, Việt Nam... được đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi.

Cơ hội  lẫn thách thức

Kinh tế trở thành điểm sáng nổi bật ở khu vực châu Á trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, 2017 sẽ là năm thuận lợi của khu vực, với mức tăng trưởng GDP vào khoảng 5,3 - 5,7%.

Đối với khu vực Đông Nam Á, các nhà phân tích kinh tế cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng mới, khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Qua đó, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP của khu vực này lên 4,5% năm 2016 và dự báo đạt mức tăng trưởng tương đương trong năm 2017.

Ngoài ra, có thể kể đến động thái Mỹ rút khỏi TPP của tân Tổng thống Donald Trump. Theo tạp chí kinh tế Bloomberg, quyết định này ảnh hưởng tiêu cực đến một số nền kinh tế lớn nhất ở châu Á. Thế nhưng, động thái của ông Trump lại mở đường cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với những cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến bắt đầu tại Nhật Bản vào tháng 2 này.   

Một điểm sáng quan trọng không thể bỏ qua của khu vực trong năm nay là Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Việt Nam, phản ánh kỳ vọng chung của các quốc gia thành viên, tạo động lực mới giúp APEC lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và thương mại, đồng thời mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới, cũng như làm sâu rộng hơn liên kết khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của APEC. 

Đáng chú ý, khi APEC được tổ chức ở Việt Nam, đất nước sẽ có thêm cơ hội mới để nâng cao năng lực hội nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Bên cạnh những kỳ vọng tươi sáng, châu Á năm nay được dự báo tiếp tục đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, bán đảo Triều Tiên được xem là điểm nóng tại khu vực, nơi vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nay trở nên khó khăn hơn bởi chính trường Hàn Quốc phải đối mặt với những bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye.

Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor (Mỹ) nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những động thái thể hiện sức mạnh ở châu Á. Nước này sẽ cứng rắn đối phó với những thách thức từ phía chính quyền mới của Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản tăng cường nỗ lực lấy lại vị thế trong khu vực, tăng cường hiện diện về ngoại giao và kinh tế tại Đông Nam Á, song song với việc mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ.

Tờ Global Research bình luận, châu Á năm 2017 có khả năng mất ổn định do những tranh chấp xảy ra liên quan đến tài nguyên biển, nhưng khả năng xung đột là không lớn.

TỐ QUYÊN - LÊ THẢO 
(Tổng hợp & lược dịch từ Straitimes, CBNC, National Interest, SCMP & Asiaone)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực

Vào mùa xuân hàng năm, hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được tổ chức tại tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Năm nay, chủ đề của diễn đàn là “châu Á và thế giới: Những thách thức chung, trách nhiệm chung”. Các chuyên gia nhận định đây là một chủ đề rất phù hợp với thời cuộc.

Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực
Return to top