ClockThứ Sáu, 03/02/2017 14:36

Một số lĩnh vực kinh tế còn gặp khó khăn trong năm 2017

Các lĩnh vực nông lâm thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ nhiều khả năng vẫn còn gặp khó khăn trong năm 2017.

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ nhiều khả năng vẫn còn gặp khó khăn trong năm 2017.

Trung tâm dự báo, tình hình thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu năm 2017 vẫn sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho khu vực sản xuất nông - lâm - thủy sản. Chưa kể đến những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu từ năm 2016 để lại khiến tốc độ tăng trưởng khu vực này có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng thấp.

Hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn của nước biển tiếp tục gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)

Đặc biệt là tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2017 khi vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam là ĐBSCL đang đối mặt với thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn của nước biển. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ có những cải thiện khi phát huy được các hiệp định thương mại trong năm 2017.

Với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, Trung tâm nhận định, năm 2017 muốn tăng trưởng được so với năm 2016 cần chờ các chính sách mới từ Chính phủ và các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Riêng ngành dịch vụ có thể cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng tiêu dùng trong nền kinh tế không có nhiều khởi sắc, điều này làm GDP ước thực hiện ở nhóm ngành thương mại dịch vụ sẽ khó đạt cao. Tuy nhiên, một số nhóm ngành khác như du lịch và vận tải được kỳ vọng sẽ khởi sắc vào năm 2017.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trung tâm chỉ rõ những yếu tố quan trọng có thể khuyến khích thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu trong năm 2017, bao gồm việc thực hiện các hiệp định thương mại, với lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng hơn cùng nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trung tâm còn nhận định đà tăng trưởng của tiêu dùng tiếp tục được củng cố và dự báo tốt hơn trong năm 2017 bởi yếu tố thu nhập. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục theo chiều hướng khả quan sẽ là động lực tăng thu nhập của người dân, tác động tích cực đến tiêu dùng.

“Xu hướng tiết kiệm vẫn diễn ra nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động giải trí, du lịch sử dụng tiền nhàn rỗi. Tuy vậy, nguy cơ lạm phát trở lại trong năm 2017 là khá lớn, có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng. Tăng trưởng tiêu dùng khó có sự bứt phá trong năm nay”, trung tâm này phân tích và dự báo lạm phát năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên dưới 5%.

Về lao động việc làm, trong những tháng cuối năm 2016, khó khăn vẫn còn hiện hữu và đặt gánh nặng lên cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt những người làm việc trong nhóm ngành thủy sản do thiếu hụt nguyên liệu thô. Thị trường lao động cả năm 2017 nhìn chung vẫn khó đạt được chỉ tiêu 1,6 triệu việc làm.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều chính sách “mở” về gói hỗ trợ lao động gặp khó khăn do đại dịch

Nhằm gỡ vướng và đơn giản hóa một số điều kiện, thủ tục để giúp người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) dễ dàng tiếp cận, hưởng gói chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết (NQ) 126 sửa đổi, bổ sung NQ số 68 ngày 01/7/2021. Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có cuộc trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế xung quanh nội dung này.

Nhiều chính sách “mở” về gói hỗ trợ lao động gặp khó khăn do đại dịch
Return to top