ClockThứ Năm, 18/12/2014 10:25

Mùa cá nhảy

TTH - Thường thì giữa tháng 9 dương lịch, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống xối xả tràn đầy mấy cái hồ trong xóm thì dân xóm lụt nơi tôi ở gọi nhau i ới là mùa cá nhảy đã về. Bây giờ ở lâu thành quen, đến mùa tôi cũng mang thau đi nhặt cá nhảy như mọi người.

Nhớ mùa đầu tiên đến ở xóm này tôi không hề biết điều đó. Chỉ nhớ sau mấy ngày u ám, mưa to gió lớn, một sớm mai thức dậy đi làm. Tôi thấy nước lênh láng đầy đường xóm mà ngao ngán. Có nghe đài hay báo nói lũ lụt gì đâu mà trước sân nhà, rồi quanh vườn và cả xóm ngập chìm trong nước. Bây giờ mới thấm thía vì sao họ gọi vùng đất này là xóm lụt. Trước đây khi quyết định mua đất ở xóm nhỏ này, tôi nghĩ khá đơn giản chỉ cần làm nền cho cao thì mọi sự không liên quan chi đến mình. Hóa ra người tính không bằng trời tính, mưa thì mới mấy trộ, không nghe đài báo nói chi về lụt, vậy mà quanh xóm đâu cũng có nước. Cái này người ta quen gọi là nước ứ, nước ngập ở những vùng trũng, hay còn gọi là ngập cục bộ. Nước mênh mông chi xứ như vậy nhưng cũng phải đi làm, nguyên lội ra cho hết cái xóm này thôi cũng đủ làm xe chết máy và xâm xoàng vì hai cẳng chân như muốn dị ứng vì nước dơ. Chưa hết bàng hoàng vì sự tình dân xóm lụt, với ý nghĩ hèn chi xóm ni không giàu nổi thì thấy nơi cái hồ cạnh nhà nhiều tia nước vọt lên cao mà giật mình. Định thần nhìn kỹ, hóa ra nhiều con cá quăng mình, nhảy tanh tách từ mấy cái hồ lên mặt đường và chúng trườn mình trong nước. Nhìn kỹ chỉ thấy toàn cá rô, những con cá có màu xám đen, kỳ rất sắc. Cứ nghĩ lũ cá rô chắc thấy nước mát búng mình lên dạo chơi rồi mắc cạn nên lần lượt từng con một tôi ném chúng xuống hồ. Vừa chạm xuống mặt nước mấy con cá rô đẹn trùi trũi lại nhảy lên, búng mình ra đám cỏ ven bờ rồi trườn mình ra lối đi, có con may mắn hơn nhảy sang ao hồ bên cạnh. Thôi thì đã thương cố thương cho trót, tôi lại ném chúng xuống hồ lần nữa và chúng lại tiếp tục nhảy lên. Lần thứ ba này tôi không đủ kiên nhẫn để trả chúng về với thiên nhiên mặc dù chúng đã có màn chào sân lý thú như vậy, tôi đem tất cả số cá mình lượm được bỏ vào cái thau và tạ ơn trời với màn bất chiến tự nhiên thành.

Chuyện sáng ra nhặt được bầy cá rô béo ngậy làm tôi suy nghĩ, chắc cá nhảy lên bờ để sinh đẻ đây? Mà cũng có thể là điềm lành gì đây? Chưa hết băn khoăn thì thấy mấy nhà trong xóm cũng ra nhặt cá, họ cười nói râm ran như quên đi bao phiền toái của chuyện hậu lũ lụt khi rác rưởi tấp đầy xóm.

Mấy con cá rô chỉ nhảy lên bờ vài hôm đầu rồi thôi. Thì có còn cá nữa đâu để tái diễn màn ngư ông đắc lợi. Giờ thì tôi đã hiểu cá rô chỉ đẻ vào tháng 4, chúng có tập quán di cư từ hồ này sang hồ khác bằng cách búng mình lên như thế. Qúa trình ấy của đám cá rô xóm tôi đã không thành vì cả xóm ai cũng trông chờ mùa nước ngập này để tóm chúng. Khỏi phải nói cảnh đi nhặt cá trong xóm đông vui đến chừng nào, ai cũng thấy mình may mắn khi không mà có cá ăn. Ôi hạnh phúc của cư dân xóm lụt này tưởng như chưa bao giờ gần gũi đến vậy.

Năm nay mùa mưa đến muộn. Mấy cái hồ trong xóm tôi đang vào tình trạng thiếu nước, không biết lũ cá rô trốn mình đi đâu trong đám rong rêu gần như trơ tận đáy này. Đến đầu tháng 12 dương lịch mới có những đợt mưa đầu tiên. Dạo này đường xóm được nâng cao mấy tấc nên đám cá nhảy lên bờ nằm phơi mình trên mấy bụi cỏ xâm xấp nước. Cả xóm xắn quần đi nhặt cá. Những con cá rô chiên giòn chấm với nước mắm chanh tỏi sao hấp dẫn lạ. Có nhà là bữa cơm ngon lành hứa hẹn, có nhà là buổi mưu sinh cho qua ngày đông. Dẫu sao mùa cá nhảy với tôi đang là điều gắn liền với nơi tôi sinh sống, là cái xóm lụt nghèo có mùa cá nhảy buổi đông về...

Nguyễn Thị Nguyên Hương
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top