ClockThứ Tư, 01/02/2017 15:21

Mua lộc đầu năm

TTH.VN - Với mong muốn cầu may mắn, an lành, công việc thuận buồm xuôi gió, làm ăn tấn tới, phong tục mua lộc đầu xuân như muối, cau trầu, mía, diêm... luôn được người dân duy trì và trở thành nét đẹp truyền thống trong năm mới.

Đắt khách

Sáng mồng 1 Tết, chợ An Lỗ, xã Phong Hiền (Phong Điền) nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Là nơi giao thương giữa 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà nên một số quầy hàng ở chợ này mở bán xuyên Tết phục vụ khách. Trước khi ghé vào hàng ăn bên đường, chị Linh không quên tục lệ mua lộc đầu năm. Thứ chị mua đầu tiên trong năm mới là muối và cau trầu. Chị Linh nói: “Thực ra mình vẫn chưa hiểu sâu về ý nghĩa của việc mua những món hàng này đầu năm, nhưng từ bé, học theo lời mẹ dặn “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” nên mình vẫn duy trì phong tục này vào ngày đầu xuân mới, nhất là trước khi chi tiền mua món hàng nào đó”.

Cau trầu, muối được các mệ, các dì bày bán từ sáng mồng 1 Tết

Theo quan niệm của người xưa, cau trầu biểu trưng cho sự gắn kết, thuận hòa và vị mặn của muối giúp xua đuổi tà ma, mọi sự kém may mắn trong năm cũ để đem lại nhiều may mắn, sự ấm cúng, no đủ trong năm mới. Mua muối hay cau trầu đầu năm còn có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, thắt chặt các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái và trong các mối quan hệ làm ăn. Vì thế, món hàng được nhiều người chọn mua “mì xưa” đầu năm là muối và cau trầu. Ngoài cau trầu, muối, chiếc bật lửa, diêm tượng trưng cho màu đỏ, ấm áp cũng được nhiều người mua lấy lộc với hy vọng tìm thấy hơi ấm, vận đỏ và giữ lửa trong năm mới.

Nét khác biệt khi mua lộc đầu năm là ít ai trả giá. Mệ Lay, bán hàng ở chợ Phò Trạch, thị trấn Phong Điền nói: “Bán lộc đầu năm sướng một cái là hô mấy bán mấy, khách ít trả giá. Nhưng không vì rứa mà mệ tăng giá”. Mệ Lay hớn hở khoe: “Mở hàng từ mùng 1 Tết, mấy ngày ni mệ bán đắt khách lắm! Bỏ vốn mua mấy buồng cau từ trong năm, kèm thêm mấy chục cân muối, mới bán 4 ngày Tết đã hết hàng, lãi cũng khấm khá! Cau năm nay được mùa, mỗi trái chỉ 2 đến 3 nghìn đồng, nhiều khách thoáng lì xì cho mệ luôn tiền thừa, hy vọng mua may bán đắt cả năm".

Trong mấy ngày Tết, dù món hàng “lộc” đắt hơn vài nghìn đồng so với ngày thường hoặc mua “hớ” so với các hàng quán khác, nhưng ít ai so đo, tính toán. Vì theo quan niệm, đầu năm “thoáng”, hỉ xả thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều niềm vui, sự may mắn, thơm thảo suốt cả năm mới. "Nghĩ công mấy mệ tạm gác vui tết để bán lộc đầu năm mới, nên mình không quan tâm mắc, rẻ, không trả giá, làm thế vừa đem lại niềm vui cho mình, vừa góp thêm niềm vui nho nhỏ cho người bán hên cả năm"- chị Diệp, một công nhân may ở xã Phong An (Phong Điền) chia sẻ.

Sản vật địa phương cũng là “lộc”

Xu hướng mua lộc đầu năm ngày càng phát triển, nhiều ngôi chợ từ thành thị đến nông thôn đều mở hàng từ sáng sớm mùng 1 Tết, nhất là các quầy bán hàng "lộc" đầu năm. Các chợ có truyền thống họp thường niên trong 3 ngày Tết như chợ Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc), Gia Lạc (xã Phú Thượng, Phú Vang), Đại Lộc (Điền Lộc, Phong Điền)... vốn là các điểm vui xuân quen thuộc thì những năm gần đây, một số chợ vùng quê, chợ huyện cũng bán hàng xuyên năm. Nhiều nơi ngoài mua bán mặt hàng “lộc” quen thuộc còn bày bán thêm sản vật địa phương như mía, sung, chè lá, rau trái... với quan niệm góp thêm những món ăn tinh thần của quê hương trong các phiên chợ đầu năm mới.

Hớn hở vì mua may bán đắt đầu năm mới

Mía rượu, mía đỏ, mía Cẩm Tân của một số vùng ở Quảng Điền, Phú Lộc năm nào cũng được bày bán tại chợ Mỹ Lợi, An Lỗ và một số chợ lân cận như món hàng “lộc” đầu năm. Chị Tôn Nữ Ngọc Hiệp ở TP.Huế nhớ lại, ngày xưa, gia đình chị thường chọn những cây mía đỏ nguyên đọt, thân mập mạp đem dựng hai bên góc bàn thờ để cúng lên tổ tiên, ông bà. Bây giờ, thói quen này không còn, nhưng chị vẫn không quên chọn mua một cây mía đốt to, dài, thẳng đầu năm với mong muốn đem về vị ngọt ngào cho gia đình.

Nong, Truồi... là những ngôi chợ quê truyền thống ở huyện Phú Lộc thường bày bán những sản vật do tự tay người dân trồng ra, trong đó chè xứ Truồi là thứ được nhiều khách hàng ưa ý chọn mua. Chè Truồi xưa nay vốn thơm, ngon, được phân phối đi các chợ vùng ven, lên phố để bán. Đầu năm thưởng thức được ly chè xanh, thơm ngon đậm đà cũng là "gu" của nhiều người.

Ở thành phố, những năm gần đây, nhiều bạn trẻ và người đứng tuổi có thêm xu hướng đi “mua” chữ ngày đầu năm. Nhờ thế, nghề viết chữ thư pháp ở một số điểm trên địa bàn TP. Huế rất nhộn nhịp khách trong những ngày Tết. Thi Thi, sinh viên học ngành y và các bạn đi mua chữ thư pháp vào sáng mồng 1 Tết cùng suy nghĩ rất lạc quan: Đi mua chữ đầu năm trước hết cầu mong học thật giỏi, đạt kết quả cao và cũng là động lực để Thi và các bạn mê đọc sách hơn...

                                           Bài, ảnh:  Hoài Thương

 

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

18 năm tù cho đối tượng mua bán hơn 550 gam ma túy

Ngày 29/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với bị cáo Hà Xuân Lợi (SN 1994, trú tại phường Hương Chữ, TX. Hương Trà).

18 năm tù cho đối tượng mua bán hơn 550 gam ma túy
Khởi tố 4 phụ nữ mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính

Sáng 5/3, tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết, đơn vị vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đối với Nguyễn Thị Nhung, Phạm Thùy Dung, Châu Thị Hoài, Lê Thị Ngọc Anh.

Khởi tố 4 phụ nữ mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính
Return to top