ClockThứ Tư, 29/07/2015 10:05

Mưa lớn nhất 40 năm tại Quảng Ninh: 17 người chết

TTH.VN - Trận mưa to kéo dài ba ngày với lượng nước đổ xuống lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại Quảng Ninh đã làm 17 người chết, 6 người mất tích, nhiều khu dân cư bị nhấn chìm.
 

Đội cứu hộ đưa thi thể nạn nhân Đàm Văn Giới (71 tuổi, trú tại tổ 29, khu 3, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) ra xe cứu thương - Ảnh: Đức Hiếu

Đội cứu hộ đưa thi thể nạn nhân Đàm Văn Giới (71 tuổi, trú tại tổ 29, khu 3, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) ra xe cứu thương

Đến tối 28-7, tại khu vực TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái, huyện Vân Đồn… vẫn còn mưa vừa đến mưa to. Nhiều khu đồi núi bị sạt lở nghiêm trọng, một số khu dân cư vẫn bị cô lập, gần 3.000 ngôi nhà bị ngập trong mưa lũ.

9 người trong một 
gia đình bị vùi lấp

Sáng 28-7 là một buổi sáng đau thương đối với những người dân ở khu 4, phường Cao Thắng (TP Hạ Long).

Sau một đêm mưa lớn, khi người dân nơi đây tỉnh dậy thì bàng hoàng khi thấy ba căn nhà liền kề của gia đình bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi) đổ sập tan hoang. Cả chín người thuộc ba thế hệ trong gia đình bà bị vùi lấp dưới hàng trăm mét khối đất đá sạt lở.

Một bàn thờ được làm vội, đặt tạm bên cạnh lán trại cứu hộ mới dựng. Cứ đôi phút, vài nén nhang lại được người thân các nạn nhân thắp vội, cầu khấn cho việc tìm kiếm các nạn nhân nhanh chóng có kết quả.

Ngồi thẫn thờ bên cạnh bát hương, ông Cao Văn Ca - con trai trưởng cụ Thược - vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của những người thân.

“5g sáng nay, bỗng dưng tôi thấy trong lòng nóng như lửa đốt, bồn chồn không yên, gọi cho hai em trai, chuông có đổ nhưng không ai nghe máy. Vào đến nơi thấy ba căn nhà bị san bằng, chân tay tôi bàng hoàng rụng rời. Chẳng nghĩ được gì, tôi như người mất trí lao vào dùng tay đào bới trong vô vọng” - ông Ca nghẹn ngào.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh Quảng Ninh đã điều động lực lượng cứu hộ đến hiện trường để tìm kiếm nạn nhân.

Khoảng 8g sáng, lực lượng cứu hộ phát hiện ba nạn nhân đầu tiên là ông Cao Tiến Vỹ (37 tuổi) cùng vợ là Đỗ Thu Hiên (36 tuổi) và con gái là Cao Thu Hoài (10 tuổi).

Xác định ông Vỹ vẫn còn thở, người dân và lực lượng chức năng tức tốc đưa ông đi cấp cứu. Riêng bà Hiên và bé Hoài thì đã tử vong, thi thể bà vẫn còn chồm lên ôm chặt lấy bé Hoài ở nơi giường ngủ.

Không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến thi thể của từng người được đưa ra lấm bùn đất. Đến tối 28-7, công tác cứu hộ vẫn tiến hành khẩn trương. Hiện thi thể tám nạn nhân trong gia đình cụ bà Thược đã được đưa ra.

Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh) cho biết nạn nhân duy nhất sống sót là ông Cao Tiến Vỹ hiện đang nằm tại khoa chấn thương. Tối qua, ông Vỹ đã dần hồi tỉnh.

Giao thông tê liệt

Trong ba ngày mưa lũ từ 26 đến 28-7, tuyến quốc lộ 18 (đoạn qua tỉnh Quảng Ninh) nhiều lần bị chia cắt vì ngập lụt.

Mưa lớn gây ra hàng loạt điểm ngập úng như thị trấn Mạo Khê (thị xã Đông Triều), phường Quang Hanh, phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả), tuyến đường nội thị thuộc TP Hạ Long, đường đi Vân Đồn… Giao thông tại Quảng Ninh tê liệt.

Trên tuyến đường tránh TP Hạ Long (nối huyện Hoành Bồ và TP Cẩm Phả) có một lượng lớn đất đá trôi sạt ra đường.

Nhiều tảng đá nặng hàng tấn lăn xuống phá hủy hệ thống tường, kè bên dưới. Khu vực đường dẫn lên cầu Bãi Cháy dài hơn 500m vẫn ngập sâu trong nước. Tại một số khu vực đồi núi thuộc phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) bị sạt lở, đe dọa đến nhiều nhà dân.

Tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả), gần 100 hộ dân phải vội vã chạy khỏi nhà vì bãi chứa xỉ thải Đông Cao Sơn bị tràn, một lượng lớn xỉ thải trôi xuống theo dòng nước ngập vào nhà dân. Ngay sau khi mưa ngớt, toàn bộ 350 người dân được các lực lượng chức năng di dời khỏi khu vực ngập.

Còn ở TP Hạ Long, nhiều khu dân cư vẫn bị chia cắt và ngập lụt sâu như phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy, Cao Xanh…

Mưa lũ liên tiếp cũng làm nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị phá hủy. Một trong số đó là tuyến ống D800 Nhà máy nước Diễn Vọng - tuyến ống chính cấp nước sạch cho hai thành phố Cẩm Phả và Hạ Long bị gãy.

Nhiều tuyến ống nước của Xí nghiệp nước Cẩm Phả cùng nhiều trạm bơm nước bị ngập. Hiện Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Ninh đang khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục sự cố.

Người dân khu vực trung tâm TP Hạ Long thuê máy xúc để san gạt đất đá, khơi thông dòng chảy khi mưa tạm ngớt vào chiều 28-7 - Ảnh: Tiến Thắng

Người dân khu vực trung tâm TP Hạ Long thuê máy xúc để san gạt đất đá, khơi thông dòng chảy khi mưa tạm ngớt vào chiều 28-7

Dồn sức chống mưa lũ

Tối 28-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đọc - bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - cho biết Tỉnh ủy đã ra chỉ đạo tạm dừng tổ chức Đại hội Đảng bộ TP Hạ Long lần thứ 24 và Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hà lần thứ 21 để tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lụt.

Theo ông Đọc, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Quân khu 3 hỗ trợ lực lượng, phương tiện, xe tăng lội nước ứng cứu nhân dân.

Gần 3.000 người gồm lực lượng bộ đội, dân quân, công an cùng khoảng 100 phương tiện được huy động đến khắc phục những nơi sạt lở, cứu hộ người dân ở những khu dân cư bị ngập nặng. Tính đến ngày 28-7, có khoảng 3.500 người dân ở những nơi bị ngập lụt được di tản đến nơi an toàn.

“Đây là cơn mưa lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 40 năm qua, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho địa phương. Tỉnh Quảng Ninh sẽ dồn toàn sức để ứng phó với những diễn biến phức tạp của mưa lũ trong những ngày tới” - ông Đọc nói.

Theo thống kê ban đầu, trận mưa lũ lịch sử gây thiệt hại về tài sản gần 1.000 tỉ đồng.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích 15 tỉ đồng từ ngân sách cấp cho các địa phương TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, đồng thời hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng trong mưa lũ 6 triệu đồng/người, 3 triệu đồng/người bị thương.

Lượng mưa 
trên 800mm

Tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương cho biết từ ngày 25 đến 28-7, tại khu vực Đông Bắc bộ xuất hiện mưa lớn. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh lượng mưa dao động từ 500 - 700mm, một số nơi có mưa đặc biệt lớn như Cô Tô 810mm, Cửa Ông 870mm.

Lượng mưa đo được vào đêm 27 rạng sáng 28-7 tại một số nơi của tỉnh Quảng Ninh như khu vực Cửa Ông là 828mm, Cô Tô đạt gần 800mm, Quảng Hà đạt 587mm và Bãi Cháy là 580mm.

Theo Tuổi trẻ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ HUẾ LẦN THỨ XI NHIỆM KỲ 2024 - 2029
Thành tựu của sự đoàn kết và đồng thuận

Bộ mặt thành phố đang ngày càng khởi sắc, đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tăng lên. Thành phố đã triển khai thực hiện bảo đảm yêu cầu về nội dung, tiến độ 06 chương trình và 07 dự án trọng điểm. Sự thay đổi tích cực, phát triển đó chính là thành tựu của lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết, gắn bó của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân. Trong thành quả chung đó, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Huế đã có đóng góp quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân.

Thành tựu của sự đoàn kết và đồng thuận
Ngày 25/4/1954: Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân

Để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị nguy cấp, ngày 25/4/1954, địch cho binh đoàn cơ động số 1 cùng 3 tiểu đoàn lẻ và 1 tiểu đoàn pháo theo đường 12 rút về thị xã Thà Khẹt (Lào). Nhưng trên đường rút quân chúng bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang Lào chặn đánh.

Ngày 25 4 1954 Liên quân Việt - Lào chặn đánh địch trên đường rút quân
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Return to top