ClockChủ Nhật, 19/11/2017 06:32

Mưa lụt & nỗi lo phố cổ

TTH - Cứ mỗi khi có lụt về, tôi lại nhớ tới Bao Vinh. Có dịp là vội chạy ngay về đó để “dòm lụt”. Bao Vinh là vùng trũng nên ngập nước trước nhất khi xứ Huế bị lụt.

Thế nên mới có chuyện, có khi Bao Vinh lụt nhưng “trên phố” lại không ai biết đến. Và khi “trên phố có nước” Bao Vinh đã lụt ngập đầu, bàn ghế cũng đã trôi chỏng ngỏng. Chuyện lụt của Bao Vinh là chuyện cơm ngày ba bữa. Còn nữa, không giống bao vùng quê khác ở Thừa Thiên, Bao Vinh là phố cổ, nơi đó có những ngôi nhà cổ.

Người Huế đã quen với thành ngữ “ngâm nước lụt”. Cây trồng, nhất là rau màu, bị ngâm nước lụt thì chỉ có thúi trở lên. Người gặp phải “nước bạc”, lại nơm nớp lo “chạy lụt” thì lâu ngày không ốm đau cũng tàn tạ. Còn đồ đạc, nhà cửa hẳn nhiên mau hư chóng hỏng. Nhà càng cổ xưa, càng lâu ngày, càng dễ hư hại. Mới đây, nhân chuyện về một ngôi nhà cổ số 22 đầu đường Bạch Đằng may mắn được gia chủ giữ gìn, chăm sóc cẩn thận nên vẫn còn lưu giữ được những nét xưa, đã có ý kiến cảnh báo về tình trạng nhà cổ hiện nay ở Huế nói chung và trên đường Bạch Đằng nói riêng. Trải qua thời gian và năm tháng, cùng với sự lãng quên của con người, nhiều ngôi nhà cổ nay đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều ngôi nhà đáng ra phải được quan tâm trùng tu, nâng cấp để trở thành di sản thì nay đang trở thành gánh nặng của chủ nhân, khiến cho họ luôn sống trong sợ hãi vì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Năm 1998, Cục Bảo tồn bảo tàng và Trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã có một cuộc điều tra và xác định, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 690 ngôi nhà có niên đại từ năm 1900 trở về trước, trong đó Huế có 330 nhà. Còn theo số liệu một khảo sát năm 2002, Huế có 4.228 nhà vườn, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu. Tuy nhiên cho đến nay (thống kê có thể chưa chính xác), chỉ còn 1.778 ngôi nhà vườn, 85 vương phủ. Từng tồn tại từ thế kỷ 19 đến nay, phố cổ Bao Vinh sở hữu rất nhiều nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm. Năm 1991, khảo sát ở Bao Vinh có 39 ngôi nhà cổ, dự định bảo tồn nhằm phát huy giá trị kiến trúc cổ, chưa kịp triển khai thì sang năm 1996 đã có 11 ngôi nhà cổ bị biến mất. Còn lại cho đến bây chừ, vẻn vẹn chỉ có 15 ngôi nhà cổ.

Ngay từ năm 2002, UBND tỉnh đã thành lập Ban bảo vệ phố cổ Gia Hội và phê duyệt đề án bảo tồn khẩn cấp các ngôi nhà cổ. Rút kinh nghiệm, năm 2003, UBND tỉnh ra hẳn quyết định về quy hoạch xây dựng và bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh, đưa vào cụm di tích xếp hàng thứ hai về sự ưu tiên bảo tồn trong quần thể di tích Cố đô Huế (chỉ sau Kinh thành Huế và các lăng tẩm). Cũng đã rất nhiều tính toán về tôn tạo và khai thác những giá trị của phố cổ, nhà cổ. Nhớ có lần ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ý kiến phục hồi phố cổ để đưa du lịch Huế theo kịp Hội An. Ý tưởng đó được truyền ra cộng đồng. Năm 2008, tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo đồng hành cùng cuộc sống”, Đại học Huế đã trao giải nhất cho đề tài “Phố Huế xưa – Phim trường mới – Khu du lịch mới”.

Thế nhưng, khi mà các ý tưởng kia vẫn đang nằm ở phía trước thì câu chuyện về phố cổ và nhà cổ ở Huế lại gắn với những nỗi lo. Chủ nhân của những ngôi nhà lo chuyện dột nát, mối mọt, hư hỏng, không sửa không xong, mà đụng tới thì bao điều phiền phức. Nhà nước lo cảnh quan bị phá vỡ, phố cổ lụi tàn bởi quá trình hiện đại hóa. Nỗi lo gấp bội khi nghĩ đến lụt lội “trời hành” miền Trung và xứ Huế mỗi năm. Và lụt về, trong bao nỗi lo của người Huế có nỗi lo hướng về nhà cổ, phố cổ. Đó là báu vật của cha ông mà ta thì lại đang cứ loay hoay; không khéo giữ gìn, chỉ dăm bảy mùa lụt nữa thôi, phố cổ kia có khi biết đâu tìm.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm lối đi riêng cho du lịch phố cổ

Các khu phố cổ là một trong những bộ phận quan trọng, cấu thành đô thị Huế từ xưa đến nay. Những khu phố cổ ấy đã để lại rất nhiều di sản phong phú. Ngày nay, dấu ấn văn hóa xã hội phố thị vẫn còn rất sống động ở Gia Hội, Bao Vinh và được các chuyên gia nhìn nhận có rất nhiều tiềm năng du lịch để “hút” du khách tìm đến.

Tìm lối đi riêng cho du lịch phố cổ
Sương trong lòng phố cổ

Mùa sương rồi cũng phiêu du lạc đến xứ sở này như một nàng thơ ghé thăm vào mỗi buổi bình minh mờ mắt với gam màu xam xám. Huế bỗng dưng trở nên lạ lẫm trong một cảm giác mới mẻ, choáng ngợp vì sương.

Sương trong lòng phố cổ
Đánh thức phố cổ Bao Vinh

Bao Vinh ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được các học giả Tây phương (xem thêm R. Morineau trong “Bao Vinh - Thương cảng của Huế”, Tập san BAVH, Số 2/1916) đánh giá “là khu vực đẹp mắt của Cố đô Huế”, một “điểm đến hấp dẫn” cả ban ngày lẫn ban đêm cho du khách khi đến Huế.

Đánh thức phố cổ Bao Vinh
Hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu

Những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống thoát nước tại các đô thị. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng tiêu thoát nước chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra dẫn đến ngập úng cục bộ, ngập lụt khi có mưa lũ.

Hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu
Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến nay có vẻ như vẫn còn chưa rõ rệt. Bởi mỗi năm của Huế thật ra chỉ có hai mùa. Nắng như đổ lửa chưa qua thì mưa dầm sùi sụt đã nối bước. Và mùa mưa Huế dù đến sớm hay muộn thì cũng được ông trời tặng kèm theo hai đặc sản mà người nhận luôn ở trong tâm trạng thắc thỏm lo âu: bão và lụt.

Lụt Huế
Return to top