ClockThứ Năm, 24/07/2014 14:33

Mưa ở trên xanh

TTH - Hồi trước giải phóng mới lên tám lên chín, còn bé xíu nhưng cũng thường hay đi rậy (rẫy) với mạ. Buổi chiều trên rậy, nhìn vào nơi phía tây, trời xanh trong bỗng thấy mù mịt một màu xám xịt, mạ vẫn thường kêu to: “ Ui chao mưa to lắm. Mưa ở trên xanh”. Cũng một đôi khi nơi phía rậy của mạ con tôi cũng lác đác những hạt mưa, nhưng không nhiều. Có vẻ như nó dồn lại hết ở nơi “xanh” kia, để rồi mang tới phía ngoài nay một cảm giác có vẻ như oi nồng hơn. Cái từ “xanh” nghe thiệt lạ. Mạ bảo “Xanh là rừng, rừng xanh đó mà”. Mạ cũng bảo, nơi đó có mấy ôn, mấy chú…Tôi nghe chuyện, lòng thầm mơ rồi có một ngày mình đặt chân tới đó, ngay vào lúc có cơn mưa chiều ập tới.

Lần đầu tiên lên A Lưới cách nay cũng đã mấy chục năm rồi, vào tầm ngày hè như bây chừ, vừa cơm nước xong, thấy trời trở buồn và vần vụ, thì thôi biết rồi chuẩn bị mưa tới. Suốt cả một tuần ở A Lưới, chiều nào cũng vậy, y như rằng mưa tới sau bữa cơm trưa, thật đều đặn. Đó là những cơn mưa dữ dội. Nó có thể đến rất bất chợt nhưng rồi cũng nhanh chóng kết thúc như thể Sài Gòn mưa ào ạt, xối xả, “chợt nắng rồi lại chợt mưa”, cũng có đôi khi kéo dài tới tận chiều tối. Trong cơn mưa, lắm lúc nhìn lên bầu trời vẫn sáng trong và còn nữa là hình ảnh đẹp và thật ấn tượng, mưa trong ánh nắng chiều, để lại trước mắt ai hình ảnh về giọt nước óng ánh sắc màu.

Người đời nghiên cứu, trải nghiệm, rồi đã nhận ra rằng Thừa Thiên Huế là xứ mưa với kiểu mưa chẳng giống nơi mô trên đất nước này khi có mùa mưa kéo dài từ tháng tám đến tháng giêng, đôi khi lần khần cho tới tháng ba hay tháng tư, có đặc điểm là mưa dầm mưa dề, mưa làm “thúi đất thúi đai” và kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Thế nhưng, đó được xem là chuyện mưa ở dưới đồng bằng hay vùng duyên hải. Còn ở phía tây, nơi vùng miền núi và gò đồi thì có vẻ như ngược lại. Người ta tính rằng, khoảng thời gian ít mưa chung cho toàn tỉnh kéo dài từ tháng giêng tới tháng tám, ở vùng đồng bằng có lượng mưa chiếm 26-28% tổng lượng mưa cả năm thì con số này ở A Lưới hay Nam Đông, Bạch Mã là 31 - 34%.

Mưa chiều mùa nắng nóng ở A Lưới và vùng đồi núi phía tây Thừa Thiên thường bắt đầu vào đầu tháng năm và cứ vậy kéo dài. Còn thêm điều lạ, cái không gian của nó chỉ bắt đầu từ khu vực trung tâm thị trấn trở vào nam, càng tạo nên một cảm nhận về sự dịch chuyển, với nhiều cung bậc và sắc màu của đất trời nơi vùng cao này. Đi xe dưới cơn mưa chiều mùa hạ, từ A Lưới về xuôi là một trải nghiệm lạ với cảm giác khó tả. Trong cơn mưa xối xả là cảnh đất trời nghiêng ngả và rừng núi trước mặt càng thêm âm u. Ta cũng như nghe tiếng nước suối, nước khe ào ạt trong mưa. Và nữa là bầu trời, càng về tới xuôi càng như sáng dần ra, để rồi hiện ra trước mắt ta là với buổi chiều tà có ánh nắng vàng lấp lánh. Còn đọng mãi là cái cảm giác thời gian như chùng chình và chậm lại sau trận mưa rừng buổi chiều.

Khi mà ở dưới này, mùa hè rát bỏng khiến cho cây cỏ úa vàng và khô cháy thì ở nơi rừng xanh sâu thẳm, màu xanh vẫn được giữ lại. Những tầng cây xanh vẫn được đều đặn tiếp nước bằng những trận mưa chiều. Thấm sâu xuống các tầng đất được che phủ bởi những chiếc lá rừng rơi rụng, nước mưa tạo nên độ ẩm, phân hủy tạo nên chất mùn giàu dinh dưỡng đã là điều kiện cho các loại rau, nấm… phát triển tốt tươi và hơn, giữ mãi màu xanh cho vùng rừng núi. Gọi rằng “mưa ở trên xanh” cũng là bởi thế. Màu xanh giữ mãi như cách tri ân những trận mưa chiều đều đặn mùa nắng nóng nơi vùng sơn cước.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top