ClockThứ Năm, 21/08/2014 12:42

Mùa thanh trà chín

TTH - Du lịch Thái Lan, trên đường từ Bangkok về Pattaya, khách du lịch là tôi được dịp ghé thăm vườn trái cây nổi tiếng Sutham. Sau cái thú tham quan, thưởng ngoạn khu vườn đã là điểm du lịch quốc tế này, khách được mời thưởng thức miễn phí trái cây đặc sản.

Nghe đâu, bao giờ cũng thế, vừa tròn đủ 12 món, được bày biện tươm tất, trong đó có cả thứ bưởi từa tựa trái thanh trà của Huế mình. Nhớ hôm ghé thăm, đang lúc vui vẻ, có người kêu to, giọng Quảng đặc sệt: “Thanh trà Huế kìa”. Một anh bạn người Nam Bộ cầm múi bưởi Thái thưởng thức ngắm nghía, rồi quay lại nhìn tôi: “Còn lâu mới bằng thanh trà của Huế, chú hè ”. Anh chàng trẻ măng đã nhiều lần ra Huế, có đôi lần thưởng thức thanh trà và cũng như tôi là một cảm giác có được không thể nào quên. Tôi nghe mà sướng cả bụng.

Mà cũng đúng vậy, múi bưởi tôi đang dùng ở tận Thái Lan này chua chua, nhàn nhạt. Nó không thể sánh bằng hương vị thanh trà chính tông xứ Huế. Trái thanh trà Huế tươi xanh, tròn trĩnh, có múi tép mọng nước, mới nhìn thôi đã gợi lên bao cảm hứng về điều ăn và sự uống. Thanh trà vào mùa chín rộ, được tắm bởi những cơn mưa đầu mùa, tép mọng nước, vàng ươm. Lúc này thưởng thức mới cảm nhận đầy đủ mùi vị thơm ngon. Nó giòn, thoảng chút vị chua, thơm và không đắng. Nhắc tới hương vị thơm ngon của thanh trà Huế, có kẻ sành ăn bảo với tôi rằng, ăn thanh trà mà đặc biệt là thanh trà Nguyệt Biều không chỉ ngọt lưỡi, mát họng mà còn để thơm miệng, nghe lạ quá chứ lị. Mô tả ngần ấy thôi cũng đủ để thấm thía, vì sao anh chàng Nam Bộ, bạn mới quen của tôi, đã ngấm vào tâm khảm mùi vị thanh trà Huế, đến nỗi chê luôn cả múi bưởi Thái Lan lần đầu thưởng thức kia.

Độ này vào tầm tháng 7, tháng 8 âm lịch, đã là mùa thanh trà chín. Chỉ xa Huế chừng mới mươi hôm mà trở lại quê đã thấy có điều chi khang khác. Nó bắt đầu bằng thứ trái cây hằng ngày của vợ đi chợ về với lăn lóc những trái thanh trà nơi góc nhà. Vợ tôi là bác sĩ, nàng bảo chọn thanh trà cũng vì đó còn là vị thuốc, rất có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với tôi, gã đàn ông đã bước vào tuổi ngoài 50, đang phải đương đầu với bao chuyện trục trặc của cơ thể và lắm thứ “cao”, kiểu như “cao đường, cao máu, cao mỡ”. Mua thanh trà về để dành đôi khi cả tuần lễ mới ăn cũng là thưởng thức thanh trà đầy kinh nghiệm kiểu Huế mình. Nghe bảo xưa kia, người Huế thường mua cả chục hay vài chục thanh trà về xâu lại để ăn dần cả tháng. Mua về không vội ăn là cách của vợ tôi để thanh trà cho “ráo”, lúc ấy trái cây này mới cho vị ngọt đậm đà.

Mùa thanh trà chín lại nhớ tới anh bạn thân còn trẻ quê ở Nguyệt Biều. Dưới này phía phố, câu chuyện bên ly cà phê buổi sáng, loanh quanh nhiều thứ lại nhớ tới quê. Thỉnh thoảng rủ bạn bè lên quê chơi. Tôi thích những con đường làng và những khu vườn nơi đây. Đường thì sạch bóng và quanh co, tạo nên một cảm giác lạ và bí ẩn. Còn vườn thì rợp bóng cây xanh. Vào mùa thanh trà, thấy ngồ ngộ, gần gũi lạ là những trái thanh trà lủng lẳng, thoang thoảng một mùi thơm nhẹ nhàng. Một khoảng cách không xa, nằm ở phía trên là Bàu Hồ. Tôi thích không gian Bàu Hồ vào dịp chớm thu. Ngồi ở đó trên cao, thấy thu gọn trong tầm mắt là dòng sông Hương trong xanh như tấm lụa đào với bao làng mạc quần quanh và thấp thoáng nơi xa là kinh thành Huế cổ xưa. Có mặt nơi Nguyệt Biều, Lương Quán, những vùng đất ven bờ thượng nguồn, hằng năm có lượng lớn phù sa của dòng Hương bồi tụ. Vậy nên đã hiểu lắm rồi, đất bồi và nước mát Hương Giang kia như ngấm vào, tạo nên dáng hình và mùi vị loại cây trái, đã một lần thưởng thức là nhớ mãi và bây giờ, ở Huế lại đang là mùa thanh trà chín.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top