ClockThứ Sáu, 08/05/2015 13:00

Mùa thi không stress

TTH - Mùa thi đến gần cũng là lúc các sĩ tử căng sức ôn luyện. Làm thế nào để có thể giải toả căng thẳng và áp lực đè nặng trong mùa thi? Sau đây là một số lời khuyên và biện pháp cụ thể để giải tỏa stress của ThS.Nguyễn Phước Cát Tường, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm Huế.

Học sinh tìm hiểu thông tin về các trường ĐH, CĐ tại chương trình tư vấn "Đưa trường học đến thí sinh năm 2015" được tổ chức tại Trường THPT Quốc Học ngày 15/3/2015

Để ứng phó với căng thẳng/stress, nhóm ứng phó phòng ngừa bao giờ cũng được xem là quan trọng nhất. Nhóm ứng phó này giúp học sinh nâng cao khả năng giữ cân bằng, kiểm soát được stress để vừa có thể học tập hiệu quả, vừa đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau đây là một số cách ứng phó phòng ngừa cơ bản mà học sinh nên thực hiện trong mùa thi để tránh bị căng thẳng:

Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy “quản lý tốt thời gian = quản lý tốt stress”. Học sinh cần lên thời khóa biểu khoa học, cân bằng cho việc học, giải trí và tuân thủ theo chúng nghiêm túc, chặt chẽ. Việc đề ra mục tiêu, lập kế hoạch và thực hiện nó một cách đều đặn tạo cho các em cảm giác đang kiểm soát được chính mình và làm các em cảm thấy tự tin hơn. Nếu duy trì việc ôn bài, làm bài đều đặn theo đúng thời khóa biểu, các em luôn vừa bảo đảm giấc ngủ, vừa có thời gian nghỉ ngơi mà công việc học tập đạt kết quả cao.

Cần gặp gỡ thầy cô hoặc các anh chị lớp trên để học hỏi kinh nghiệm về ôn thi, học thi như thế nào cho hiệu quả.

Học sinh nên tập thể thao đều đặn, thường xuyên, ít nhất ba lần/một tuần với một bài tập từ 15 đến 30 phút; thực hiện các bài tập thư giãn đơn giản hoặc các kỹ thuật thở sâu, ngồi thiền, yoga… và ngủ đủ giấc. Điều này khiến học sinh giảm bớt căng thẳng, thêm phấn chấn để học tập hăng say, không biết mệt mỏi.

Cân bằng chế độ ăn uống: học sinh nên chú ý đến việc sử dụng các thực phẩm làm giảm stress, như hoa quả tươi và rau xanh, vitamin, chất khoáng, các loại hạt ngũ cốc nguyên chất… Đồng thời, nên tránh các loại thức ăn gây stress như các loại thức ăn chế biến sẵn, cà phê, thuốc lá và thức uống có cồn, gas…

Có phương pháp học tập hiệu quả, như sử dụng sơ đồ tư duy, học nhóm, trao đổi, chia sẻ bài vở với bạn bè...

Một điều rất quan trọng nữa là, các em hãy luôn để tinh thần lạc quan, vui vẻ, tự tin vào chính mình, dù kết quả thế nào đi nữa thì quan trọng nhất là phải tin rằng mình đã luôn rất nỗ lực.

Về phía gia đình, nhà trường, thầy cô giáo có thể làm gì để giúp học sinh đỡ căng thẳng trong quá trình ôn tập?

Cha mẹ cần giữ hòa khí trong gia đình. Gia đình êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc và vui vẻ sẽ tạo cho các em cảm giác yên ổn, cảm thấy được bố mẹ hỗ trợ và đồng hành, giúp các em loại bớt đi những tác nhân gây stress từ phía gia đình để tập trung vào học tập.

Cha mẹ cần nâng cao hiểu biết và nhận thức về stress và ứng phó với stress thông qua các kênh thông tin đại chúng hoặc có thể đến gặp chuyên gia để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Quan trọng hơn, cha mẹ cần gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý, sức khỏe của con cái để có sự can thiệp sớm nhất có thể. Gia đình cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho con cái trong mùa thi, nhắc con ăn đúng bữa, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và học tập một cách điều độ, khoa học.

Các thầy cô có thể hướng dẫn học sinh các biện pháp ghi nhớ logic, các biện pháp rèn luyện trí nhớ... và các phương pháp học tập tích cực như sơ đồ tư duy, học nhóm cùng các phương pháp tự học hiệu quả khác. Động viên tinh thần các em, giúp các em cảm thấy tự tin hơn.

Nhiều thí sinh không giữ được tâm lý bình tĩnh khi bước vào phòng thi. Lời khuyên của chị đối với các thí sinh trong trường hợp này?

Các em hãy chuẩn bị tâm thế thật, thoải mái tự tin là mình đã ôn tập tốt, chỉ cần bình tĩnh là mình sẽ làm tốt bài.

Để bình tĩnh khi vào phòng thi, các em nên hít thở sâu, đừng nên ngồi một mình mà hãy trò chuyện cùng các bạn giúp mình thoải mái, đỡ căng thẳng cũng như không bị sức ép của cảm giác chờ đợi.

Khi nhận đề thi, hãy hít thở thật sâu, đọc thật kỹ đề, tập trung cao độ. Với những môn xã hội, các em nên lập dàn ý để tránh sót ý và trình bày bài làm một cách khoa học, hệ thống và logic. Thỉnh thoảng lại hít thở sâu, thư giãn để nhớ đầy đủ những kiến thức đã ôn tập và vận dụng tốt vào bài làm.

Làm xong bài, đọc dò lại bài một cách cẩn thận, chắc chắn để phát hiện lỗi sai. Ngoài ra, kiểm tra lại các thông tin cá nhân trên bài làm như số báo danh, mã đề, ngày tháng năm sinh...

Ngọc Hà (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top