ClockThứ Sáu, 31/08/2018 05:37

Mùa thu, nhớ Tân Trào

TTH.VN - Trước đình Tân Trào bây giờ Hòn đá thề vẫn còn đó. Ngày 17/8/1945, bên hòn đá thiêng liêng này, Hồ Chủ tịch đã đọc lời thề kiên quyết giành lại độc lập cho Tổ quốc...

Thủ tướng làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí MinhBáo công dâng Bác trước thềm Đại hội Cháu ngoan Bác HồKỷ vật về Bác Hồ với những người bạn quốc tế thân thiết

 Đình Tân Trào

Năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ, Bác Hồ đã quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tuyên Quang để thuận lợi cho việc lãnh đạo trước những yêu cầu cấp của cách mạng. Tân Trào - thung lũng nhỏ nằm trong lưu vực sông Đáy thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang chừng 40km, và cách Hà Nội chừng 150 km là nơi "địa lợi nhân hòa", thế đất “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” được Người chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, cùng toàn Đảng quyết tâm lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giành chính quyền về tay Nhân dân.

Tôi vào thăm di tích đình Tân Trào, cố đặt những bước chân thật khẽ vì sợ phải làm xao động chốn đất thiêng lịch sử. Ngôi đình được xây dựng theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván. Dung dị, gần gũi thế nhưng lại lồng lộng tầm vóc trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Dưới mái lá đơn sơ này cách đây 73 năm đã diễn ra một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn: Quốc dân đại hội Tân Trào!

Phiến đá thề, nơi đây, Bác Hồ đã đọc lời thề kiên quyết lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc

Sử ghi lại, ngày 21/5/1945, từ Pác Bó, Bác Hồ đã đặt bước chân đầu tiên về Tân Trào. Cùng đi có đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đình Hồng Thái là nơi Bác dừng chân đầu tiên. Sau khi nghỉ chân ở đình Hồng Thái một tiếng, Bác về ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập. Một tuần sau, Bác chuyển lên ở lán Nà Nưa. Đầu tháng 6/1945, Bác chỉ đạo thành lập Khu giải phóng, lấy Tân Trào làm trung tâm, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng và sau đó là Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới. Từ Tân Trào, những chủ trương, chỉ thị của Bác, của Đảng đã tỏa đi khắp miền đất nước để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Lán Nà Nưa, nơi Bác đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “ Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”

Cuối tháng 7/1945, tình hình quốc tế và trong nước mỗi lúc mỗi chuyển biến nhanh. Liên Xô và quân Đồng Minh đang trên đà thắng lớn; quân Nhật ở mặt trận Thái Bình Dương bị đập tan từng mảng; tại Việt Nam, phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn thân Nhật hoang mang cực điểm...Tình thế mỗi lúc mỗi có lợi cho cách mạng. Bác chỉ thị triệu tập Hội nghị Đảng toàn quốc. Giấy triệu tập phát đi, ngày hội nghị đã cận kề nhưng Bác bỗng ngã ốm rất nặng, tình hình sức khỏe có lúc trở nên nguy kịch.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: Đêm đó, trong lán Nà Lừa,... đôi mắt và má Bác hõm sâu. Tôi rất lo. Bỗng Bác mở mắt nhìn tôi hỏi: “Chú chưa đi ngủ à?”. Tôi đáp: “Thưa Bác còn sớm. Bác thấy trong người thế nào?”. Người không trả lời câu hỏi mà nói: “ Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”. Rất may, với tài cứu chữa của cụ lang Páo và sự hào phóng ủng hộ nhân sâm của ông Ma Văn Tập, Bác đã qua khỏi và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tiếp đó, ngày 16 và 17/8/1945 Quốc dân đại hội Tân Trào đã họp. Quốc dân Đại hội Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh; quyết định thông qua Quân lệnh số 1, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam; Quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch; các Uỷ viên bao gồm: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Bác xuất hiện với cái tên Hồ Chí Minh từ ngày ấy.

Trước đình Tân Trào bây giờ,hòn đá thề vẫn còn đó, bên hòn đá này, ngày 17/8/1945, Hồ Chủ tịch đã đọc lời thề kiên quyết lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Quốc dân đại hội Tân Trào được ví như Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2 của nước ta, nơi nghìn người như một bày tỏ lòng tin son sắc đối với Đảng và Bác Hồ, thể hiện sự đoàn kết nhất trí quyết tâm đánh giặc cứu nước! Cũng tại Tân Trào, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, lực lượng Việt Nam giải phóng quân đã làm lễ xuất quân về giải phóng Thái Nguyên rồi tiến về các tỉnh miền xuôi. Cách mạng bừng lên như bão nổi cuốn phăng chính quyền thực dân phong kiến, để rồi ngày 2/9/1945, trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thể thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa!

Tân Trào bây giờ là Di tích quốc gia đặc biệt, là nơi hành hương thiêng liêng của các thế hệ con dân nước Việt. Mọi người về đây để được tắm mình trong dòng chảy lịch sử, để tưởng nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng tiền bối và của bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Để rồi giữa đất trời Thủ đô Kháng chiến một thuở, dâng lên một nén hương lòng, tự hứa phải sống như thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh của cha ông, xứng đáng với dòng máu Lạc Hồng đang mang trong huyết quản...

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm Giáp Thìn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” vừa tròn 55 năm (1969 - 2024). Ở Thừa Thiên Huế, người có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất có lẽ là anh hùng Kan Lịch. Trong lần gặp cuối cùng vào năm 1969, Bác Hồ căn dặn: “Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được các phẩm chất, đạo đức của anh hùng suốt đời càng khó hơn. Phải học tập và rèn luyện suốt đời”.

Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xôn xao quả rụng

Những ngày chớm thu mưa giông sùi sụt, cây sấu cho quả đã lâu còn sót lại ít quả ra sau, ngày nào cũng rủ nhau rụng xuống. Sấu chín màu vàng rám nắng, cùi dai và có vị ngọt. Ngày nào mẹ cũng nhặt nhạnh, rửa sạch đất cát để ráo ở rổ đặt trên bàn ăn. Vui miệng, người ra, người vô tiện tay lại nhón một trái nhấm nháp. Tiếc của rơi rụng, mẹ siêng luộc rau hơn, lấy cớ để dầm mấy quả sấu. Rồi mẹ cẩn trọng khía trái sấu thành khoanh, đem ngâm mắm ớt. Mỗi bữa ăn, chén sấu ngâm mắm luôn được đặt giữa mâm, mọi người cứ đưa đũa gắp dằn lên chén cơm như một việc đã được lập trình thành nếp. Dẫu sấu xanh tươi ngon trữ đầy trong ngăn đá tủ lạnh dư sức ăn cả năm, nhưng nhà tôi vẫn luôn “ăn vớt” sấu chín cuối mùa như thói quen mặc định, như sự bảo chứng cho tình người, tình cây gắn bó.

Xôn xao quả rụng
Return to top