ClockThứ Năm, 03/03/2016 17:30

Mùa trồng rừng

TTH - Từ tháng 3, người dân và đơn vị lâm nghiệp bước vào vụ trồng rừng mới.

Chủ động

Những ngày sau Tết, người dân vùng đồi núi trên địa bàn tỉnh đã triển khai phát quang bụi rậm, đặt mua giống chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) chia sẻ: “Trước Tết, gia đình tôi cũng như nhiều hộ ở địa phương thu hoạch rừng trồng bán để chi tiêu, trang trải mọi sinh hoạt. Gia đình tôi thu hoạch 5 ha, đến nay, tất cả diện tích được thu dọn vệ sinh, nguồn giống đã đặt mua tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tháng 3 này sẽ bắt đầu trồng”.

Chăm sóc cây giống cho mùa trồng rừng mới

Ông Trần Văn Hoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Bổn cho biết, năm 2015 toàn xã thu hoạch 400 ha rừng keo lai. Sau khi khai thác, chính quyền địa phương yêu cầu người dân chủ động đốt cây cỏ, thu dọn vệ sinh, đăng ký mua giống tại các đơn vị lâm nghiệp uy tín, đảm bảo chất lượng để trồng mới. Các đơn vị được chọn mua giống là Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong, Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Nam Hòa… Hầu hết người dân đều chọn giống keo hom đưa vào sản xuất.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, đến nay các vùng đồi núi trên địa bàn tỉnh hầu như đã phủ xanh cây rừng, không còn đất trống. Kế hoạch trồng mới năm 2016 toàn tỉnh khoảng 4.500 ha rừng, chủ yếu diện tích đã khai thác năm 2015. Mọi hoạt động trồng mới đã được các địa phương, người dân, các đơn vị doanh nghiệp chủ động triển khai. Nguồn giống keo hom được các đơn vị lâm nghiệp, hộ cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất khoảng 22 triệu cây (trong đó khoảng 1 triệu cây nuôi cấy mô), đảm bảo chất lượng và số lượng cung ứng nhu cầu sản xuất.

Giống cây lâm nghiệm hiện nay có hai loại là keo hom và nuôi cấy mô; tuy nhiên người dân chủ yếu trồng keo hom, một số ít trồng giống nuôi cấy mô (do thiếu công nghệ nên loại giống này chưa sản xuất đại trà). Năm 2016 và những năm tiếp theo, tỉnh chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp tăng cường sản xuất giống keo nuôi cấy mô, cung ứng nhu cầu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng. Đối với giống cây bản địa, chủ yếu là cây gỗ như chò, dầu rái, lim xanh và sao đen có nguồn gốc từ Nam bộ. Đây là các loại cây thích hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Thừa Thiên Huế nên phát triển rất tốt, được các ban ngành chọn để đưa vào trồng trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - Phạm Ngọc Dũng chia sẻ: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hai dự án trồng rừng phòng hộ đặc dụng. Đó là Dự án đầu tư phát triển rừng (ĐTPTR) giai đoạn 2011-2016 và Dự án ĐTPTR ven biển và đầm phá. Dự án ĐTPTR chỉ còn một năm nữa là kết thúc. Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng dự án ĐTPTR giai đoạn 2016-2020, hiện đang trình các cấp xem xét phê duyệt. Sau khi dự án được cấp vốn, ngành kiểm lâm sẽ tiến hành trồng mới khoảng 400 ha.

Đối với dự án trồng rừng ven biển, đầm phá giai đoạn 2015-2020, với nguồn vốn đầu tư 110 tỷ đồng, trồng mới 290 ha rừng phòng hộ trên cát ven biển; 160 ha rừng ngập mặn và 130 ha rừng ngập ngọt. Trong năm 2015 đã trồng mới 220 ha rừng phòng hộ trên cát ven biển, tạo vành đai phòng hộ cồn cát, độn cát… bảo vệ môi trường sinh thái, khu dân cư. Dự kiến sắp đến sẽ trồng mới khoảng 50 ha rừng ngập mặn ở các vùng cửa sông, ven biển, ven phá Tam Giang. Từ tháng 3/2016, trồng khoảng 200 ngàn cây ngập mặn phân tán trong các ao nuôi trồng thủy sản, hạ triều và dọc các bờ biển, bờ phá, bờ đầm.

Ngoài hai dự án trên, năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc các nhà máy thủy điện, các chủ dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nộp kinh phí trồng rừng thay thế để triển khai trồng mới khoảng 250-300 ha. Riêng công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, xúc tiến tái sinh là hoạt động thường xuyên thông qua các nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, dịch vụ môi trường. Ngành kiểm lâm sẽ tổ chức quản lý, bảo vệ hiệu quả toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn tỉnh, đồng thời tập trung trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng tự nhiên đảm bảo kế hoạch, yêu cầu đề ra.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Trồng 2.400 cây rừng bản địa

Đó là hoạt động chào mừng Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 do Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh tổ chức vào ngày 25/11.

Trồng 2 400 cây rừng bản địa
Return to top