ClockThứ Năm, 07/07/2016 08:37

Mức độ rủi ro kinh doanh ngân hàng giảm mạnh

Một kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, không có tổ chức tín dụng (TCTD) nào đánh giá rủi ro của nhóm khách hàng là TCTD khác ở mức “cao”. Dự báo cho cả năm 2016, 61-75% TCTD kỳ vọng rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục ổn định.

Theo kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành, môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đã có sự cải thiện trong quý II so với quý I và kỳ vọng tiếp tục cải thiện tốt hơn trong quý III và cả năm 2016.

Huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.

Trong đó, thanh khoản duy trì ở mức tích cực, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng được kỳ vọng tiếp tục xu hướng giảm, nhu cầu đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng gia tăng, đặc biệt là nhu cầu tín dụng. Huy động vốn và tín dụng của hệ thống ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn so với kỳ điều tra trước.

Môi trường kinh doanh ổn định

Kết quả điều tra cho thấy, các TCTD tỏ ra lạc quan về sự cải thiện nhu cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng và kỳ vọng các yếu tố chủ quan và khách quan của môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện tích cực hơn trong năm 2016 so với năm 2015.

Trong số các nhân tố khách quan thì “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” và “Cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN” tiếp tục được đánh giá là 2 nhân tố cải thiện mạnh mẽ nhất trong quý II.

Đối với các nhân tố nội tại, 100% TCTD nhận định tổng thể các nhân tố này diễn biến tốt hơn hoặc không thay đổi, trong đó 48,2% TCTD đánh giá các nhân tố nội tại của đơn vị mình đang tiến triển tốt hơn, 51,8% nhận định không thay đổi. Trong đó, 3 yếu tố nội tại được cho là cải thiện tích cực nhất là “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của các TCTD”, “Khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm của đơn vị” và “Năng lực tài chính của đơn vị”, các nhân tố còn lại cũng được dự báo tiếp tục cải thiện tốt hơn năm trước.

Nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại TCTD tiếp tục xu hướng gia tăng so với quý trước, trong đó nhu cầu vay vốn được đánh giá là tăng cao nhất. Nhận định về rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tại thời điểm hiện tại, 85,4% TCTD đánh giá rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “bình thường”; 7,3% đánh giá rủi ro ở mức “thấp”, chỉ có 7,3% TCTD nhận định rủi ro vẫn ở mức “cao”.

Đặc biệt, không có TCTD nào đánh giá rủi ro của nhóm khách hàng là TCTD khác ở mức “cao”. Dự báo cho cả năm 2016, 61-75% TCTD kỳ vọng rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục ổn định, 19-27% TCTD kỳ vọng rủi ro giảm, mặc dù vẫn có 6-20% TCTD lo ngại rủi ro của khách hàng là cá nhân và TCKT có thể tăng so với cuối năm 2015, và 6% TCTD lo ngại khả năng này xảy ra với nhóm khách hàng là “các TCTD khác”.

Thanh khoản toàn hệ thống có dấu hiệu cải thiện rõ rệt trong quý II so với quý I, hiện ở trạng thái “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ, được kỳ vọng tiếp tục duy trì trạng thái tích cực trong những quý tới và cả năm 2016.

Về hoạt động kinh doanh, 67,4% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn, tuy nhiên, mức độ cải thiện chủ yếu vẫn là “Cải thiện ít” (51,7% TCTD). Hầu hết các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi bền vững trong quý III/2016 và trong cả năm 2016 với 86,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015, trong đó có 29% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được “cải thiện nhiều”.

Huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ

Tại cuộc điều tra kỳ này, các TCTD bày tỏ sự lạc quan hơn vào tăng trưởng huy động vốn và tín dụng so với kỳ điều tra trước. Huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng trưởng bình quân 17,57% (cao hơn so với mức tăng kỳ vọng và thực tế của năm 2015). Trong đó, các TCTD đã nâng kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND từ 18,4% lên 19,1% và hạ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ từ +6,96% xuống -0,09%.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống năm 2016 được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 20,42%, cao hơn khoảng 3% so với mức kỳ vọng và thực tế tăng trưởng 17,26% của năm 2015, và được điều chỉnh tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 20,1% xác lập tại cuộc điều tra kỳ trước.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm

Ngân hàng Nhà nước vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm
Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà 100% thao tác có thể được thực hiện trên kênh số như: thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay,… Việc thực hiện giao dịch trực tuyến đã đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp.

Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Công điện nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”
Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của kinh tế giảm còn xuất phát từ sự ‘lệch pha’

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 22/8, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự “lệch pha” của cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp.

Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của kinh tế giảm còn xuất phát từ sự ‘lệch pha’

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top