ClockThứ Năm, 18/08/2011 04:37

Mức, loài cây xanh nhiều tên lắm việc

TTH - Khoảng hơn năm mươi năm về trước, khi chúng tôi còn ở tuổi cắp sách đến trường trung học đệ nhất cấp (nay là trường phổ thông cơ sở), chuyện tiếp xúc với những mẩu gỗ mức là rất bình thường.

Ngày ấy, trong những giờ học thủ công, thầy cô giáo của chúng tôi ra bài học khắc chạm, và vật liệu nền là gỗ mức chứ không thể là loại nào hơn nữa, do gỗ mức mềm, nhẹ, thớ mịn dễ bào nhẵn, dễ đục khoét, chạm trổ. Giờ văn, giờ sử chúng tôi lại được nghe thầy cô giảng về văn hóa Việt trong đó có tập quán đi guốc mức của dân ta. Hình ảnh “Tuấn chàng trai nước Việt chân đi guốc mức, người mặc bộ bà ba trắng, đầu đội mũ cối trắng…” vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Ngày nay, khó tìm thấy đôi guốc mức mộc mạc, giản đơn của ngày trước, nhưng bên trong lớp sơn hào nhoáng, dưới mẫu mã đẹp mắt của những đôi guốc thời trang ngày nay vẫn là lõi mức được che đậy một cách khéo léo. Mức không chỉ được dùng làm guốc, nó còn rất hữu dụng cho đời sống xã hội ngày xưa và cả ngày nay, như dùng để khắc khuôn dấu, khắc bản mộc để in hàng mã, in tranh dân gian, làm diêm, cán bút… Hơn thế nữa, cây mức còn được trồng làm choái tiêu, cọc rào, gây bóng, làm cảnh và cả việc làm gốc ghép để ghép mai chiếu thủy, mai chỉ thiên trong nghệ thuật chơi cây kiểng, thậm chí còn có cả một loài mức cho chất nhuộm màu mang tên là mức nhuộm. Do có quá nhiều tác dụng như thế nên từ Bắc chí Nam, từ miền núi cao xuống đến đồng bằng ven biển hầu như nơi nào cũng có hình bóng cây mức ẩn hiện. Từ đó, ngoài tên mức ra nó cũng còn mang lắm tên: mớt, lòng mức, lòng mực, lòng mán mức, thừng mức, thừng mực… Không chỉ một, ở Việt Nam ta hiện hữu nhiều loài, nhiều giống khác nhau, do vậy trong mỗi tên vừa nêu còn xuất hiện cả những tính ngữ để phân biệt chúng, chẳng hạn như lòng mức Nam, lòng mức Trung, lòng mức lông, lòng mức trắng, lòng mức đỏ…

Về mặt phân loại học, lòng mức thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae), nằm trong chi thực vật Wrightia và theo Gs. Phạm Hoàng Hộ (1993) thì ở Việt Nam có đến 12 loài lòng mức khác nhau.
 
leftcenterrightdel
 
 
Ở Huế, loài lòng mức phổ biến, thường được gặp ở một số con đường vùng Kim Long, Trường An, Thủy Xuân, Vĩ Dạ, Nguyệt Biều… là loài lòng mức Trung bộ - Wrightia annamensis. Đây là loài cây bản địa đặc hữu của Việt Nam, phân bố từ các tỉnh Hòa Bình, Hà Tây, vào đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Do ưa sáng nên chúng thường mọc ở cáckhu rừng thứ sinh hay các trảng cây bụi, được người dân địa phương trồng làm cọc rào, làm choái tiêu, trầu trong các vườn nhà và các trang trại cây công nghiệp. Từ đó, dần dần trở thành cây đường phố không chủ đích. Mặc dù không được cơ cấu vào hệ thống cây xanh đô thị, nhưng do quá trình phát triển nguồn gen cho những mục đích làm vườn, hạt đã phát tán lan tỏa nhờ gió (hạt có lông) khiến trên một số vỉa hè đường phố (nhiều nhất là các khu đô thị mới) và một vài công viên xuất hiện cây mức ngày càng nhiều. Trong quá trình đô thị hóa, việc tân tạo hạy mở rộng nhiều đường phố cũng đã khiến cho một số cây mức nguyên mọc trong vườn nhà nghiễm nhiên thành cây bóng mát vỉa hè.
Gần đây, giới chơi cây cảnh bắt đầu săn lùng những gốc mức cổ thụ, đặc biệt là những cây phân cành sớm, thân thấp, nhiều nhánh hoặc những cây bị tác động có hình dáng lạ mắt để ghép cây mai chiếu thủy (Wrightia religiosa) hoặc mai chỉ thiên (Wrightia antidysenterica) tạo nên một dạng cây cảnh lạ được nhiều người ưa chuộng.
Cây mức trung thuộc dạng cây gỗ nhỡ, cao trung bình 15-20 m; cành non phủ lông ngắn, mịn; vỏ xám, có khía nhỏ, nhiều. Lá đơn mọc đối, hình bầu dục, đỉnh có mũi, gốc nhọn hay hình nêm, màu xanh sẫm. Hoa mọc thành hoa tự xim dạng ngù ở đầu cành dài 4-5 cm; đài hình chuông ngắn (1 mm) có 5 cánh hình tam giác, có mũi ngắn, mép có lông mảnh, đỉnh có rìa; tràng 5 cánh hình bầu dục, mép lượn sóng, màu trắng xanh, tâm có đường sóng màu phớt đỏ nâu kết hợp với vòng tràng phụ màu đỏ nâu và vòng nhị màu vàng khá đặc sắc. Quả dạng quả đại dính thành thành từng cặp dài 12-15 cm, rộng 10-12 mm, đỉnh nhọn, đáy thon. Hạt có túm lông ở đỉnh khi bung khỏi quả dễ bay xa khi gặp gió.

Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top