ClockThứ Năm, 07/03/2019 07:00
NGĂN CHẶN ĐÁNH BẮT GIÃ CÀO TRÁI PHÉP:

Mức phạt cần đủ sức răn đe

TTH - Nạn đánh bắt hải sản bằng chất nổ được cơ quan chức năng xử lý triệt để, song tình trạng tàu giã cào trái phép lại ngày càng gia tăng.

Xử lý đánh bắt thủy sản bằng giã cào: Khó do hạn chế nguồn lựcXử phạt hai tàu giã cào ngoại tỉnhXử lý nạn đánh bắt hải sản bằng tàu giã cào: Khó nhưng phải làm

Ngư dân Vinh Thanh vá lại lưới sau khi bị tàu giã cào phá hoại

Hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Một thời gian khá dài, thuyền của ngư dân Phan Thanh Lương ở thôn 6, xã Vinh Thanh (Phú Vang) phải nằm bờ vì chưa có điều kiện mua sắm lại lưới cụ. Trong một chuyến đánh bắt cách đây hơn hai tháng, lưới của thuyền ông Lương bị tàu giã cào ở Đà Nẵng “cào” mất hoàn toàn, không thể đi biển khiến đời sống gia đình rất khó khăn. Mặc dù ông Lương và các bạn thuyền van xin lại lưới nhưng chúng vẫn không cho. Khi ông Lương gọi điện thoại báo với cơ quan chức năng đến xử lý vi phạm thì tàu giã cào đã tẩu thoát.

"Mỗi vàng lưới khai thác gần bờ trị giá vài chục triệu đồng là tài sản lớn đối với ngư dân vùng lộng. Nghề đánh bắt gần bờ chủ yếu sinh sống qua ngày, chứ không dư giả nhiều nên khó có thể “một sớm một chiều” mua sắm lại khi lưới bị mất. Tình trạng giã cào cứ manh động như hiện nay là điều khiến ngư dân thật sự không yên tâm mỗi khi đi biển”, ông Phan Văn Thành ở cùng thôn ông Lương than thở.

“Những cố gắng, nỗ lực xua đuổi, tuyên truyền của cơ quan chức năng chưa thể làm giảm, hoặc ngăn chặn nạn đánh bắt hải sản trái phép này. Hoạt động của tàu giã cào ngày càng phức tạp. Vàng lưới của tui vừa sắm mới trị giá 25 triệu đồng đã bị giã cào phá hoại, hư hỏng gần một nửa. Tui phải vay mượn bà con mua sắm lại để tiếp tục mưu sinh”, ngư dân Nguyễn Thanh Nam ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên (Phú Vang) bức xúc.

Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá ven bờ xã Vinh Thanh, ông Trần Văn Hà nan giải: Gần đây, hơn 70 chiếc thuyền gần bờ của địa phương đều bị tàu giã cào gây hại, cắt phá lưới hư hỏng nặng, thậm chí ăn cắp lưới của ngư dân. Thuyền bị thiệt hại ít cũng 7 - 8 triệu đồng, có thuyền thiệt hại lớn đến 30 - 40 triệu đồng. Hết đánh bắt ban ngày, “ngư tặc” chuyển sang khai thác đêm khuya để tránh sự phát hiện, xua đuổi của ngư dân và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc ngư dân có thể xua đuổi được chúng cũng rất khó vì hầu hết các tàu giã cào đều có công suất lớn, từ 400 CV trở lên, trong khi thuyền ngư dân rất nhỏ, công suất chỉ 20 - 25 CV.

Ông Nguyễn Văn Thuận, công an xã Phú Diên thông tin: Ba năm nay, toàn xã Phú Diên có khoảng 50 chiếc thuyền gần bờ thì hầu hết đều bị “ngư tặc” phá hoại, hoặc bị ăn cắp ngư lưới cụ gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Điều chính quyền địa phương và ngư dân lo ngại hơn là nạn giã cào mang tính hủy diệt môi trường, nếu vẫn còn tiếp diễn thì nguy cơ nguồn lợi thủy sản gần bờ sẽ không còn để khai thác.

Khó xử lý vi phạm

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cơ quan,ban ngành chức năng vào cuộc

Ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cơ quan, ban ngành chức năng cần vào cuộc, triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng này. Đối với các tàu vi phạm, phải xử phạt hành chính ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Tỉnh sẽ hỗ trợ nguồn lực để tăng cường tổ chức các đợt  tuần tra cũng như truy bắt đối với những tàu vi phạm các quy định về khai thác hải sản…

Ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết: Từ khi địa phương thành lập chi hội nghề cá, được cấp trên cấp quyền quản lý, bảo vệ và khai thác vùng biển, nạn giã cào vẫn không giảm. Phương tiện thô sơ, công suất nhỏ như thuyền nan gần bờ chỉ 20 - 25 CV thì rất khó để truy đuổi, xử lý các tàu giã cào công suất lớn trên 400 CV. Chi phí mua nhiên liệu phục vụ công tác tuần tra được các cấp, ngành hỗ trợ rất ít không đảm bảo cho công tác tuần tra thường xuyên.

Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, mỗi năm đơn vị tổ chức 8-10 đợt tuần tra trên biển, trong khi quy định của Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí cho 3 chuyến là một trong những hạn chế nhất định. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ chi phí nhiên liệu phù hợp, đảm bảo cho hoạt động tuần tra trên biển thường xuyên và hiệu quả hơn. Ít nhất mỗi tháng tuần tra vài đợt theo kế hoạch và một số đợt đột xuất.

Tùy theo mức độ vi phạm, mức xử phạt bình quân khoảng 24 - 50 triệu đồng, trong khi đó đánh bắt bằng giã cào mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chưa đủ sức răn đe chính là nguyên nhân nạn giã cào trái phép khó có thể ngăn chặn một cách triệt để. Các tàu vi phạm không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn các tỉnh khác, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 26 trường hợp, trong đó có 3 tàu giã cào ngoài tỉnh, xử phạt 78 triệu đồng.

"Các địa phương cần rà soát lại số tàu đánh bắt xa bờ, báo cáo với cơ quan chức năng đối với các chủ tàu giã cào vi phạm để có hướng xử lý, đồng thời tuyên truyền, vận động và ký cam kết không tái phạm. Các tàu chỉ được ra khơi khi đầy đủ các thủ tục cấp phép và cam kết không đánh bắt bằng giã cào đối với vùng biển gần bờ. Lực lượng biên phòng tỉnh cần phối hợp với biên phòng các tỉnh khác có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để các tàu giã cào đánh bắt trái phép", ông Giang đề xuất

 Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát hiện tàu cá khai thác giã cào trái phép trên vùng biển Thừa Thiên Huế

Ngày 4/6, theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, lực lượng BĐBP Hải đội 2 đã phát hiện 1 tàu đánh cá của tỉnh Bình Định đang thực hiện hành nghề giã cào trái phép trong vùng ven biển của TP. Huế; tiến hành lập biên bản và tạm giữ người cùng phương tiện để xử lý theo quy định.

Phát hiện tàu cá khai thác giã cào trái phép trên vùng biển Thừa Thiên Huế
Thưởng nóng cho tổ tuần tra bắt tàu hoạt động sai tuyến

Ngày 17/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thưởng nóng và khen đột xuất cho tổ tuần tra xuồng tuần tra cao tốc BP 31-15-01 đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuần tra, bắt giữ, xử lý tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ.

Thưởng nóng cho tổ tuần tra bắt tàu hoạt động sai tuyến
Đối phó với tàu giã cào

Một ngư dân ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang cho hay, thiệt hại của gia đình ông do tàu giã cào có năm lên đến hàng chục triệu đồng nên đã có lúc muốn bỏ nghề. Nhưng năm nay ông có thể yên tâm mua sắm lại ngư cụ để tiếp tục đi biển vì nạn đánh bắt tận diệt này đã được đẩy lùi.

Đối phó với tàu giã cào
Return to top