ClockThứ Năm, 09/02/2012 05:18

Mừng và lo với Cảng Chân Mây

TTH - Đầu năm 2012, Cảng Chân Mây thu hút sự quan tâm của nhiều người; bởi ngay trong ngày mồng 2 Tết Nhâm Thìn, cảng đón tàu du lịch quốc tế Superstar Aquarius với gần 1.500 du khách và thuyền viên đến xông đất Cố đô Huế. Đây cũng là thời điểm mà trật tự an toàn hàng hải trong khu vực cảng lại “cộm lên” và việc giải toả đáy rớ ngư lưới cụ khai thác thuỷ sản trái phép được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhất từ trước tới nay.

Sau gần 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, Cảng Chân Mây không chỉ là điểm đến với các tàu du lịch quốc tế; mà còn là địa chỉ tin cậy của các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu và vận tải hàng hoá bằng đường biển. Năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, Cảng Chân Mây đã tổ chức tiếp nhận 243 lượt tàu. Trong đó có 91 lượt tàu nước ngoài và 152 lượt tàu trong nước. Khách du lịch và thủy thủ đi bờ 36.616lượt, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng sản lượng hàng hóa xếp dỡ đạt 1.630.169 tấn, tăng 12% so với năm 2010. Tổng doanh thu đạt trên 67 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2010...

 
5 năm trở lại đây, Cảng Chân Mây đã trở thành điểm đến trên hành trình du lịch bằng đường biển đến Huế và Đà Nẵng của các hãng du lịch quốc tế. Theo kế hoạch, năm 2012, cảng sẽ đón ít nhất 47 tàu du lịch với 92.202 khách và thủy thủ đoàn. Riêng trong tháng 1-2012, đã có trên 6.000 khách du lịch quốc tế đến Huế thông qua Cảng Chân Mây. Trong tháng ba tới, cảng sẽ đón 15 tàu, trong đó có tàu Queen Elizabeth quốc tịch Anh với 3.000 khách và thuyền viên tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế...
Việc phát triển của Cảng Chân Mây góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung; đặc biệt là lĩnh vực du lịch và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hàng hải khu vực Cảng Chân Mây trở thành mối quan ngại của doanh nghiệp, các chủ tàu và khách hàng nói chung. Tình trạng ngư dân thả đáy rớ, ngư lưới cụ để khai thác thuỷ sản trong phạm vi cảng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cảng và gây thiệt hại lớn cho khách hàng; trở thành “căn bệnh kinh niên” trong nhiều năm qua. Cuối năm 2011 và đầu năm 2012 vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc giải toả đáy rớ, ngư lưới cụ, chướng ngại vật trong phạm vi vùng nước thuộc luồng tàu, vùng quay trở tàu tại Cảng Chân Mây...
Sự “ra tay” của lãnh đạo tỉnh trong việc thiết lập trật tự về khai thác thuỷ sản trái phép tại Cảng Chân Mây đã mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Cảng Chân Mây vui mừng cho hay: Với thái độ cương quyết của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm của ngư dân địa phương trong việc khai thác thuỷ sản tại cảng Chân Mây đã xử lý; an ninh trật tự, an toàn hàng hải trong khu vực cảng được thiết lập. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì việc giải toả đáy rớ ở Cảng Chân Mây sẽ rơi vào tình trạng... “ném đá ao bèo”. Bởi đây không phải là lần đầu tổ chức xử lý những vi phạm này. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thọ, một trong những giải pháp hữu hiệu để xóa nỗi lo về an toàn ở Cảng Chân Mây là liên tục kiểm tra, xử lý và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top