ClockThứ Ba, 29/03/2016 06:01

Myanmar: 1/5 trẻ em phải đi làm thay vì đi học

TTH.VN - 1/5 trẻ em trong độ tuổi từ 10-17 tại Myanmar phải đi làm thay vì đi học, số liệu từ một báo cáo điều tra về việc làm vừa được công bố ngày hôm qua (28/3) cho biết.
1/5 trẻ em Myanmar phải đi làm thay vì đi học. Ảnh: Reuters

Báo cáo Nghề nghiệp và Công việc kinh doanh - một phần trong cuộc điều tra dân số của Myanmar - cho thấy, khoảng 1,7 triệu trẻ em từ 10 đến 17 tuổi đang phải tham gia vào lực lượng lao động thay vì được đến trường.

"Hiện nay, 1/5 bọn trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 17 đang bỏ lỡ nền tảng giáo dục mà có thể giúp chúng có được những công việc tốt và bảo đảm có việc làm khi chúng lớn lên", Janet E. Jackson, đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Myanmar cho biết trong một tuyên bố.

Nhiều khu vực nông thôn Myanmar đang sa lầy trong nghèo đói và ước tính, có khoảng 1 triệu người đang cần được viện trợ nhân đạo, do thiên tai và xung đột nội bộ đã khiến hàng trăm ngàn người bị mất nhà cửa, theo LHQ.

Cuộc điều tra dân số toàn quốc năm 2014 ở Myanmar – lần đầu tiên trong 30 năm qua - đã bị chỉ trích khi không kể đến người thiểu số Hồi giáo Rohingya của đất nước, những người bị phân biệt đối xử nghiêm trọng.

Phần lớn trong số 1,1 triệu người Rohingya không có quốc tịch, không được công nhận tư cách công dân và phải sống trong các điều kiện bị phân biệt ở bang miền tây Rakhine.

Các dữ liệu về việc làm nêu bật một khoảng cách giới trong thị trường lao động, với khoảng một nửa số phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 đi làm hoặc muốn tìm kiếm một công việc, so với 85% đàn ông.

Báo cáo cũng chỉ ra hơn một nửa (52%) số dân Myanmar đang làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá.

Những phát hiện này có thể được sử dụng để nâng cao năng suất nông nghiệp, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu nhập của nông dân, UNFPA – tổ chức đã hỗ trợ cho chính phủ trong việc thực hiện các điều tra dân số cho biết.

Theo báo cáo, 1/5 người già từ 65 tuổi trở lên vẫn làm việc, chủ yếu trong các lĩnh vực đòi hỏi thể lực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

"Các dữ liệu cho thấy rằng, tình hình thực tế về kinh tế buộc nhiều người phải tiếp tục lao động thủ công nặng nhọc trong lúc tuổi già để sinh sống. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các dịch vụ và các chính sách phục vụ xã hội đầy đủ cho người cao tuổi", ông Jackson nói.

Dữ liệu từ các nguồn khác cho thấy tình trạng đói nghèo trong nước vẫn khá nghiêm trọng. Chỉ có 1/3 số hộ gia đình ở Myanmar có ánh sáng điện, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 62/100.000 ca sống, và tuổi thọ ở mức 66,8 tuổi so với mức 74 tuổi của nước láng giềng Thái Lan, theo Ngân hàng Thế giới.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & Myanmarnews)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế xanh và kỹ thuật số

Với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 chính thức diễn ra trong hai ngày 10/5 - 11/5 tại khu du lịch Labuan Bajo trên đảo Flores, Indonesia, sẽ thảo luận về các diễn biến quốc tế và khu vực, cũng như hợp tác kinh tế xanh và kỹ thuật số, tin từ CNA cho biết.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế xanh và kỹ thuật số

TIN MỚI

Return to top