ClockThứ Sáu, 24/11/2017 20:25

Năm 2018, tập trung phát triển du lịch - dịch vụ

TTH - 13/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, các chỉ tiêu chủ đạo như: thu ngân sách, tổng sản phẩm xã hội, tổng sản phẩm bình quân đầu người, giá trị xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội… đều tăng cao, là kết quả nổi bật trong việc thực hiện kế hoạch phát triển về kinh tế - xã hội (KT- XH) của tỉnh năm 2017, được đánh giá tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức chiều 24/11. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu kết luận tại hội nghị

Nhiều chuyển biến trong môi trường đầu tư, kinh doanh

Năm 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực; đồng thời, triển khai mạnh mẽ các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nên KT- XH đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2017 ước đạt 28.734 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016; trong đó, dịch vụ tăng 6,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,3%, nông nghiệp tăng 2,5%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 2.100 USD, giá trị xuất khẩu đạt 800 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19.000 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 6.772 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1%...  

Thực hiện chủ đề “Năm Doanh nghiệp” và thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ kịp thời khó khăn của doanh nghiệp và phổ biến những định hướng về phát triển KT - XH của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới đến cuối năm 2017 đạt 700 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm trước, với số vốn đăng ký trên 6.500 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần năm 2016). Đến nay đã thu hút 62 dự án với tổng vốn đăng ký 5.861 tỷ đồng; dự kiến hết năm 2017 thu hút khoảng 70 dự án với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng.

Du khách đang khởi động cho một tour du lịch bằng xe đạp thân thiện với môi trường. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển

Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, điểm nổi bật của Năm Doanh nghiệp 2017 là mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền ngày càng thắt chặt, vị thế của cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao, trình độ quản trị, năng lực quản trị thị trường của cộng đồng doanh nghiệp từng bước được củng cố. “Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều khởi sắc đã kích thích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh; các dự án tạm dừng nhiều năm đã tái đầu tư trở lại với tiến độ khá tốt; các địa điểm kinh doanh mới hướng đến phân khúc thị trường cao cấp hơn đang được mở ra tạo nên sức sống cho đô thị và nền kinh tế. Đây là năm ghi dấu nhiều chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong các năm gần đây” - ông Phan Thiên Định đánh giá.

Tại hội nghị, các thành viên UBND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Mức độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm, chưa xuất hiện những nhân tố có tính đột phá; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, chưa hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm; nguồn thu ngân sách chưa ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất chưa đảm bảo; một số dự án lớn triển khai chậm tiến độ; công tác tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp, người dân có khi còn thiếu kịp thời, năng động…

Phát triển mạnh mẽ du lịch

Năm 2018, UBND tỉnh xác định chủ đề của năm là “Phát triển du lịch và dịch vụ”, đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến không thể thiếu của tất cả các dòng khách du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh với số ngày lưu trú và mức chi tiêu tăng. Khai thác một cách hiệu quả tiềm năng phát triển dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm; dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa vào việc thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh. Quyết liệt cải cách đồng bộ bộ máy hành chính nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, có sức cạnh tranh cao.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao vui mừng khi đây là năm đầu tiên sau nhiều năm 13/13 chỉ tiêu chủ yếu về KT- XH của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch.Tuy nhiên, sự phát triển này chưa thấy rõ nét động lực tăng trưởng lớn và chưa bền vững. Năm 2018, tỉnh có một số thuận lợi nhất định, đó là định hướng phát triển Thừa Thiên Huế thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” ngày càng khẳng định tính đúng đắn và tạo ra được sự đồng thuận của xã hội. Mặt khác, quy mô kinh tế và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh được tăng lên; nguồn nhân lực có chất lượng tốt tăng dần; cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực phát triển du lịch, y tế, giáo dục, logistic, công nghiệp và nông nghiệp còn nhiều, ít cạnh tranh.

Năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Huế ước đạt 3,5 - 3,7 triệu lượt; trong đó, khách lưu trú ước đạt 1.847 nghìn lượt, tăng 5,9%; doanh thu cơ sở lưu trú đạt 1.416 tỷ đồng, tăng gần 4,1%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao gợi mở, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 phát triển theo hướng ưu tiên xây dựng chiến lược phát triển các thị trường du lịch mục tiêu; đồng thời, phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa bổ trợ cho dịch vụ du lịch. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm; đôn đốc hỗ trợ tối đa các dự án trọng điểm; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để tạo nguồn thu bền vững; tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi.

Để vượt qua thử thách và tận dụng những cơ hội đang có vào mục tiêu thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh, đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải xác định và tập trung nguồn lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần xây dựng giải pháp, biện pháp với kế hoạch cụ thể. UBND tỉnh sẽ có giải pháp tìm kiếm, thúc đẩy vào các chương trình, dự án có thể nhanh chóng tạo ra nguồn lực tài chính phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trước mắt; một mặt, chuẩn bị tốt cho các chương trình, dự án mang tính chiến lược, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài cho các năm tiếp theo. 

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top