ClockThứ Tư, 11/10/2017 05:56

Nạn trâu, bò thả rông trên đường: Ngao ngán

TTH - Trước thực trạng trâu, bò thả rông trên đường giao thông công cộng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Công an TP. Huế đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Huế vào cuộc chấn chỉnh.

Không chỉ trong nội thị, người dân ở các tuyến đường lân cận với TP. Huế cũng ngao ngán với nạn trâu, bò thả rông gây phiền phức và cả tai nạn giao thông.

Một đàn bò nghênh ngang trên đường Võ Văn Kiệt (TP. Huế)

Đã có người chết vì... trâu

Thời gian gần đây, tình trạng trâu, bò được chăn thả trên đường ở TP. Huế diễn ra khá phổ biến, tập trung ở các tuyến giao thông thuộc địa bàn các phường An Hòa, An Tây, An Đông, Xuân Phú, Hương Sơ. Theo thống kê của Công an TP. Huế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP. Huế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến trâu, bò; trong đó, có 3 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 1 người, bị thương nặng 3 người, mà nguyên nhân chính do tình trạng trâu, bò thả rông, không có người chăn giữ.   

Mới đây nhất, vào khoảng 22h tối 21/9/2017, tại Km3 + 700 thuộc Tỉnh lộ 19 (đường Tản Đà) phường Hương Sơ, TP. Huế xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng làm chết một người, bị thương 1 người. Vào thời điểm trên, anh Cao Văn T. (23 tuổi, trú tại Thủy Phú, Hương Vinh, TX. Hương Trà, làm nghề thợ mộc) điều khiển xe mô tô đi trên đường Tản Đà theo hướng từ đường Nguyễn Văn Linh đến xã Hương Toàn, phía sau chở một phụ nữ. Khi đến địa điểm trên đã đâm phải một con trâu (chưa xác định được chủ sở hữu) đang đi từ phải qua trái đường theo hướng xe mô tô di chuyển gây TNGT. Hậu quả, anh T. chết tại chỗ, người phụ nữ trọng thương, xe máy hư hỏng, con trâu này cũng chết.

Đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP. Huế cho biết, tình trạng trâu bò của các hộ chăn nuôi thả rông ngoài đường vừa nguy hiểm cho người đi đường, vừa gây mất mỹ quan đô thị. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và mỹ quan đô thị, Công an TP. Huế đã có văn bản kiến nghị lên Chủ tịch UBND TP. Huế chỉ đạo UBND các phường, nhất là các phường có tình trạng trâu, bò thả rông nhiều nêu trên thực hiện nghiêm túc các giải pháp tuyên truyền; vận động đối với các hộ dân có sở hữu trâu, bò trên địa bàn mình quản lý chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về chăn nuôi; không thả rông trâu, bò trên các tuyến giao thông công cộng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các chủ sở hữu trâu, bò để xảy ra tình trạng chăn, thả rong trên các tuyến giao thông công cộng.

Xử lý chưa nghiêm

Dạo quanh một số tuyến phố, tại các khu đô thị mới, không khó để bắt gặp hình ảnh những đàn trâu, bò vô tư đi lại trên đường và phóng uế. Một thực tế dễ nhận thấy là các cơ quan chức năng rất “ngại” xử lý tình trạng trâu, bò thả rông. Khi phát hiện sai phạm chỉ xử lý cho có, rồi “đâu lại vào đấy” mà không có giải pháp quyết liệt, bền vững. Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị yêu cầu CSGT qua công tác tuần tra kiểm soát nếu phát hiện các đàn gia súc đi trên đường không đảm bảo an toàn thì lập biên bản xử lý nghiêm đối với hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn chưa xử phạt trường hợp nào.

Ông Võ Phi Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phú cho hay, đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện và nhắc nhở các trường hợp sai phạm. Mới đây nhất, để xử lý một hộ dân thường xuyên để trâu bò thả rông, phường đã cho lực lượng chức năng bắt và xử phạt sai phạm với số tiền 350.000 đồng. Một trường hợp khác cũng bị xử lý cảnh cáo, buộc cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, chế tài xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Huế cho biết, lâu nay đơn vị đã tham mưu Chủ tịch UBND TP. Huế có nhiều văn bản chỉ đạo các phường, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng chăn thả trâu bò trong đô thị. Thành phố đã ban hành các quy định cũng như hướng dẫn cụ thể quy trình và mức xử phạt các trường hợp chăn thả rông gia súc. Do vậy, các địa phương phải căn cứ vào đó để kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm. Giao nhiệm vụ cho UBND các phường, Ban Quản lý đô thị mới, Trung tâm Công viên cây xanh tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân chăn nuôi gia súc và cho ký cam kết không để súc vật đi lại trên đường bộ gây mất an toàn giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra nhằm xử lý nghiêm những hộ vi phạm. Ngoài việc đề nghị các chủ hộ chăn nuôi ký cam kết không thả rông gia súc, về lâu dài nên di dời các trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, trong thành phố.

Theo chúng tôi, cần có thêm quy định trách nhiệm cụ thể với địa phương sở tại,đồng thời tăng thêm biện pháp chế tài nếu tình trạng này tái diễn.

Có thể khởi tố hình sự

Theo luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh, việc chăn thả trâu bò trên đường là hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điểm C, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc thả rông súc vật trên đường bộ. Với hành vi chăn thả súc vật trên đường gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, chủ sở hữu trâu, bò có thể bị xử phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng theo Khoản 2, Điều 10 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về việc để súc vật đi trên đường bộ; để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông.

Với việc không quản lý trâu nhà, dẫn đến gây tai nạn cho người đi đường, chủ sở hữu trâu phải thực hiện việc bồi thường theo Khoản 1, Điều 603 Bộ luật Dân sự. Các chi phí bồi thường được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu chủ sở hữu gia súc vẫn tiếp tục chăn thả gia súc trên đường giao thông dẫn đến tai nạn chết người thì có thể bị khởi tố về tội “vô ý làm chết người" theo Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999 với mức án cao nhất là 10 năm tù. Trong trường hợp các bên (chủ sở hữu súc vật, đại diện hợp pháp của người đã chết) không thống nhất việc bồi thường thì có thể khởi kiện tại Tòa án Nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thái Sơn (ghi)

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi chó thả rông - hiểm họa khôn lường

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện bệnh dại trên người, nhưng cả nước đã ghi nhận 23 ca tử vong do bệnh dại ở 22 tỉnh, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm trước và gần 70 ngàn người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước).

Nuôi chó thả rông - hiểm họa khôn lường
Ngổn ngang công trường đường Chợ Mai - Tân Mỹ

Là dự án (DA) giao thông trọng điểm, với mục tiêu làm tiền đề cho việc thu hút các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, thế nhưng đường Chợ Mai - Tân Mỹ chậm tiến độ kéo dài và đến nay ngưng thi công hoàn toàn. Chủ đầu tư đang có văn bản gửi UBND tỉnh xin bố trí vốn bổ sung và yêu cầu các đơn vị thi công trở lại để hoàn thành DA.

Ngổn ngang công trường đường Chợ Mai - Tân Mỹ
Ấn Độ thắt chặt xuất khẩu gạo, đe dọa giá lương thực toàn cầu

Để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Ấn Độ đang ngày càng hạn chế hơn đối với việc xuất khẩu gạo. Động thái này của nước xuất khẩu gạo hàng đầu có khả năng sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu, đồng thời làm tăng giá gạo trên thế giới.

Ấn Độ thắt chặt xuất khẩu gạo, đe dọa giá lương thực toàn cầu
Phức tạp nạn “xe dù, bến cóc”

Không ít lần các cấp, các ngành chức năng địa phương đã dẹp nạn “xe dù, bến cóc” , nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn, ngang nhiên hoạt động.

Phức tạp nạn “xe dù, bến cóc”
Return to top