ClockThứ Sáu, 24/06/2016 09:35

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA

TTH.VN - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu các bộ ngành liên quan phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đảm bảo an toàn nợ công bền vững...

Tạo đột phá về tiến độ thực hiện

Cụ thể, để tạo sự đột phá về tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt nghiêm túc thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 –2020, trong đó quán triệt tinh thần, nguyên tắc chỉ đạo, những lĩnh vực ưu tiên sử dụng theo từng nguồn vốn (ODA không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi), lồng ghép những chương trình, dự án đề xuất đủ điều kiện theo quy định của pháp luật vào kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn để tổ chức thực hiện; đảm bảo thực hiện các cam kết của phía Việt Nam, bao gồm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực có chất lượng, bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, phê duyệt danh mục dự án, đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời về những vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các dự án trọng điểm...

Nâng cao trách nhiệm

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công... để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời đảm bảo an toàn nợ công bền vững.

Đồng thời, các cơ quan chủ quản và chủ dự án phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, thiết kế đi đôi với tăng cường vai trò và trách nhiệm giám sát chất lượng của cấp có thẩm quyền thông qua quá trình thẩm định và phê duyệt văn kiện và các tài liệu thiết kế chương trình, dự án, bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí vốn của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư, hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện chương trình, dự án, thực hiện các giải pháp xử lý vướng mắc của những chương trình, dự án chậm tiến độ.

Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, cơ quan chủ quản, chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ định kỳ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện chương trình, dự án, tăng cường công tác kiểm tra thực địa, giám sát và đánh giá để xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn

Sáng 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”. Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí, truyền thông.

Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn
Tổ chức bộ máy tinh gọn, nhưng phải hiệu quả

Qua đợt giám sát liên quan đến “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) giai đoạn 2018 - 2023” của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, nhiều khó khăn, hạn chế đã được chỉ rõ.

Tổ chức bộ máy tinh gọn, nhưng phải hiệu quả
Return to top