ClockThứ Năm, 17/11/2016 13:52

Nâng thu nhập - nâng vị thế

TTH - Dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập không những giúp phụ nữ ổn định cuộc sống mà còn từng bước khẳng định vị thế phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Dạy nghề miễn phí cho nữ thanh niên ở Hương Trà

Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ ở nông thôn, từ lâu đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, góp phần bảo đảm quyền được học nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định, giúp giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Lan ở thị xã Hương Trà tham gia lớp học nghề nấu ăn miễn phí từ chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành khóa học, chị Lan cùng nhiều phụ nữ khác trong xã  mạnh dạn mở dịch vụ nhà hàng. Chị bộc bạch: có nghề nghiệp ổn định, tôi vừa có thu nhập, vừa giải quyết việc làm cho một số lao động. tự chủ với cuộc sống của mình, chúng tôi có điều kiện để nâng cao trình độ, dạy dỗ con cái chăm ngoan hơn.   

Hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp với trung tâm dạy nghề cùng cấp khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm phù hợp với nhu cầu người lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Đối với chị em ở các xã vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham gia các lớp học nghề, những buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi càng trở nên có ý nghĩa. Chị Kăn Lan (A Ngo – A Lưới) được hỗ trợ 1 con dê cùng kỹ thuật chăn nuôi. Sau 2 năm, từ  con dê sinh sản đầu tiên, chị đã có thêm 3 con dê khác. Với mô hình nuôi dê, gia đình chị từ hộ nghèo đã vươn lên cận nghèo.

Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho gần 83.000 lao động. Trong đó, lao động nữ được giải quyết việc làm mới là 39.175 người, chiếm tỷ lệ 47,2%. Các đơn vị đào tạo nghề cho trên 80 ngàn người. Lao động nữ nông thôn qua đào tạo nghề trên 10.090 người, chiếm tỷ lệ 53,1%. Có gần 1.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 40,8%.

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nâng lên về số lượng và chất lượng, Hội LHPN tỉnh, các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều phong trào hoạt động nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm. Các câu lạc bộ doanh nghiệp nữ được tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, đăng ký thương hiệu, văn hóa kinh doanh. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Số phụ nữ nghèo nông thôn được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo là 13.070/15.450 người, chiếm tỷ lệ 84,6%. Phụ nữ dân tộc thiểu số được vay vốn là 6.601/8.125 người, chiếm tỷ lệ 81,2%.

Ông Nguyễn Văn Thoản Trưởng phòng dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh & xã hội cho rằng, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm là cần thiết. Song, chính các chị phải hiểu rõ mình có khả năng với nghề gì để chọn nghề học phù hợp. Nhận thức được hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình mình để xác định mục tiêu phấn đấu và nỗ lực hơn trong quá trình học nghề.

Có việc làm, thu nhập ổn định và đáp ứng nhu cầu cuộc sống sẽ là yếu tố quyết định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Cùng với các chính sách và cơ cấu thể chế hỗ trợ bình đẳng giới của các cấp, yếu tố quyết định để có sự bình đẳng giới là sự vươn lên, tự khẳng định mình của chính các chị.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế

Taekwondo là bộ môn thể thao thế mạnh của tỉnh nhà và được Thừa Thiên Huế chọn làm môn thể thao trọng điểm nhóm 1 tập trung đầu tư trong giai 2021 - 2025. “Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế” là phương châm hoạt động của bộ môn này.

Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế
Return to top