ClockThứ Năm, 04/10/2018 06:15
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:

Nâng tỷ suất đóng góp cho nền kinh tế

TTH - Xác định công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những lĩnh vực quan trọng, làm đòn bẩy phát triển môi trường kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, những năm qua, tỉnh đã quan tâm chú trọng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.

Khai mạc Trường thu về Công nghệ thông tinTập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thảm họa tại Việt NamViệt Nam sẵn sàng đón nhận Cách mạng Công nghiệp 4.0

Phối cảnh sử dụng đất cho khu truyền thông phức hợp tại khu công nghệ cao của tỉnh do một nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện

Thu hút gần 200 doanh nghiệp  

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), về lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh được chia thành 2 nhóm, một nhóm thuộc cơ quan nhà nước phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền, tổ chức xã hội, nhóm còn lại là các doanh nghiệp phát triển công nghiệp CNTT. Về cơ bản, nhóm thuộc cơ quan nhà nước lâu nay đã ứng dựng và triển khai hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước của tỉnh cung cấp cho người dân và tổ chức 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 1.037 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 774 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Với những kết quả này, Thừa Thiên Huế được xếp thứ nhất toàn quốc về ứng dụng CNTT trong Chính phủ điện tử.

Ở lĩnh vực công nghiệp CNTT, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp (DN) CNTT, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Công nghiệp CNTT đến nay đã có những bước tiến cơ bản, nhất là trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT, đã có một số đơn vị gia công phần mềm hình thành bước đầu. Hoạt động xuất khẩu phần mềm cũng được các DN chú trọng triển khai. Công nghiệp nội dung số đang bắt đầu phát triển, đã xuất hiện một số DN nội dung số phát triển khá tốt trong thời gian vừa qua thu hút được một lượng lao động đáng kể làm việc tại Huế. Công nghiệp phần cứng CNTT không phải là thế mạnh cả về thị trường, vốn, công nghệ, chủ yếu là các DN phân phối, bán buôn các sản phẩm phần cứng máy tính, tập trung phát triển các lĩnh vực lắp ráp, gia công các cấu phần đơn giản với quy mô nhỏ lẻ.

 Hướng dẫn sinh viên ngành CNTT thực tập tại Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh. Ảnh: HueCIT

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn, ngoài lĩnh vực CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước đã được khẳng định, công nghiệp CNTT vẫn phát triển chưa tương xứng. Thực tế gần 200 DN này trung bình mỗi năm chỉ mới mang lại doanh thu khoảng 650 tỷ đồng/năm, số lượng DN nhiều nhưng chất lượng lại chưa cao, thị trường CNTT còn nhỏ bé, chưa đóng góp đáng kế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hình thành nền công nghiệp CNTT

Tỉnh xác định, lấy phát triển công nghiệp CNTT và gia công xuất khẩu phần mềm làm mũi nhọn phát triển. Muốn vậy, cần phát triển Trung tâm CNTT của tỉnh làm hạt nhân để phát triển công nghiệp phần mềm, sớm triển khai dự án thành lập khu CNTT tập trung, tạo môi trường làm việc hiệu quả. Xét thấy việc kết nạp vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển công nghiệp CNTT, UBND tỉnh đã triển khai thủ tục kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh (HueCIT) tham gia vào chuỗi công viên phần mềm này. Để đáp ứng các điều kiện tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, hiện nay tỉnh đang gấp rút triển khai hướng tới xây dựng khu CNTT tập trung; xây dựng chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường khởi nghiệp cho các DN nhỏ và vừa; triển khai liên kết với các trung tâm đào tạo nhân lực CNTT; xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, internet sẵn sàng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, Thừa Thiên Huế có thuận lợi là trung tâm đào tạo đại học, cao đẳng lớn thứ 3 của cả nước, với hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Đại học Huế có bề dày truyền thống, có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành CNTT. Hàng năm có khoảng 300- 400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT. Đó là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, phù hợp yêu cầu thực tế để phát triển công nghiệp CNTT. Hiện tỉnh đã chuẩn bị một số cơ sở nhà, đất tại trung tâm TP. Huế và quy hoạch quỹ đất khoảng 30-40 ha ở khu An Vân Dương làm khu đô thị sáng tạo, sẵn sàng khởi động khu phần mềm tập trung trong hiện tại và định hướng phát triển lâu dài.

“Hiện nay lĩnh vực CNTT của tỉnh đang chủ yếu thu hút gia công phần mềm. Việc tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung sẽ thu hút đầu tư về CNTT từ các DN và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tương lai, sau khi tham gia vào chuỗi này sẽ thu hút đầu tư công nghiệp phần mềm và nội dung số. Qua đó, nâng cao chất lượng và số lượng người lao động trong lĩnh vực CNTT trong tỉnh. Từng bước hình thành nền công nghiệp CNTT, chú trọng phát triển hài hòa công nghiệp phần mềm và nội dung số và quan trọng hơn là nâng cao tỉ suất đóng góp cho nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) là địa chỉ nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển CNTT của đất nước và TP. Hồ Chí Minh. Sau hơn 17 năm phát triển, QTSC đã có 155 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động (50 công ty nước ngoài và 105 công ty trong nước). QTSC trở thành điểm thu hút đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển trong ngành CNTT với những tên tuổi lớn trong và ngoài nước đang hoạt động với 20.755 người đang học tập và làm việc. Các DN đã xây dựng và cung cấp hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực, xuất khẩu trên 20 quốc gia tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

EVNCPC ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh

Ngày 23/8, tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) khai mạc diễn đàn trao đổi kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phân tích mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ mới nổi cho các công ty Điện lực.

EVNCPC ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh
FPT Software Huế sẽ có 1.000 nhân sự vào năm 2025

Ngày 21/7, FPT Software khai trương văn phòng mới tại trung tâm thành phố Huế. Tham dự có Phó Bí thư thường trực Tỉnh Ủy Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định; bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

FPT Software Huế sẽ có 1 000 nhân sự vào năm 2025
Giao lưu, tìm hiểu về ngành Công nghệ thông tin

Ngày 23/4, Hội Công nghệ thông tin & Điện tử viễn thông (CNTT & ĐTVT) tỉnh phối hợp với Trung tâm CNTT tỉnh - HueCIT và Trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc) tổ chức chương trình Giao lưu tìm hiểu về ngành CNTT & ĐTVT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giao lưu, tìm hiểu về ngành Công nghệ thông tin
Trao 168 giải thưởng tại Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2023

Tối 19/3, Ban tổ chức Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2023 tổ chức chương trình tổng kết và trao giải phần thi lập trình dành cho học sinh khối trung học phổ thông. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Trao 168 giải thưởng tại Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2023
Return to top