ClockThứ Hai, 16/04/2018 12:30

Nạo vét, gia cố cửa biển Lạch Giang: Chỉ tạm thời

TTH - Đến đầu tháng 4/2018, công tác nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang cơ bản đã hoàn tất các hạng mục, tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo khi tàu thuyền vẫn khó lưu thông.

Thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sảnTình quân dân nơi cửa biểnPhú Lộc: Xâm thực biển diễn biến phức tạp

Ra vào vẫn còn khó

Có mặt tại cửa biển Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc), chúng tôi quan sát thấy tàu thuyền của ngư dân nơi đây ra vào vẫn đang còn khó khăn.

Nhà thầu gặp khó khi quy định mới phải chờ vốn về mới thi công

Anh Nguyễn Văn Qua, ngư dân tại thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh cho biết, dù đã có nạo vét, nhưng tàu thuyền vẫn chưa thể lưu thông khi thủy triều xuống. Sau khi cửa biển cũ san lấp để làm đường ra cảng Chân Mây, cửa biển mới nằm ngay bên cạnh đường ra cảng. Từ đó đến nay, người dân chỉ biết “canh” nước lên xuống để đưa thuyền ra, vào. Người dân đi đánh bắt buổi tối, nhiều ngày thời điểm này thủy triều xuống nên từ buổi trưa đã phải chạy thuyền ra trước, neo đậu ngoài biển chiều tối mới ra đi đánh bắt.

Ông Trần  Đình Hiền, một ngư dân khác bày tỏ, từ khi nạo vét, phía trong cửa biển có luồng lạch rộng và sâu, di chuyển có thuận lợi hơn, nhưng ở phía ngoài lại bồi lấp, nên thuyền vẫn bị mắc kẹt. Con đường dẫn ra cảng chẳng khác gì con đê chắn sóng, cát và các loại rác thải đều bị đánh dạt về khu vực này. Nếu không có đê bao kiên cố thì mỗi lần động trời, sóng lớn thì lại đưa cát dồn về khu vực gần cửa biển này.

Lãnh đạo xã Lộc Vĩnh cho hay, xã có khoảng 300 tàu thuyền phải đi qua cửa biển Lạch Giang, chủ yếu là thuyền công suất 24CV. Nguyện vọng ngư dân là mong dự án (DA) thực hiện nhanh và đạt hiệu quả để tàu thuyền bà con ra vào thuận lợi.

Ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng Khu kinh tế, công nghiệp (chủ đầu tư DA) cho biết, trong năm 2017, khối lượng nạo vét chủ yếu nằm ở đoạn đầu tuyến kênh (phía trong cửa biển), đoạn cuối tuyến kênh (phía ngoài cửa biển) được bắt đầu nạo vét từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, thời tiết từ đầu năm đến nay không thuận lợi, thường xuyên xuất hiện sóng lớn nên nhà thầu chỉ mới tập trung nạo vét hoàn thiện phía gần bờ.

“Đoạn kênh mới được nạo vét tương đối sâu và tàu thuyền có thể ra vào. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cục bộ khá cạn khi thủy triều xuống, gây khó khăn cho việc giao thông qua đoạn này. Trước tình hình đó, ban quản lý đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương tiến hành nạo hút các điểm cục bộ, đảm bảo phải thông thuyền và an toàn”, ông Tôn Thất Viễn Điểm thông tin.

Chỉ mang tính tạm thời

Bằng mắt thường quan sát, những lo lắng, phản ánh của người dân xã Lộc Vĩnh là hoàn toàn có cơ sở. Ở khu vực phía ngoài, từ phao ranh giới mà nhà thầu lắp đặt để nạo vét cát đã bị bồi lấp, trắng cả khu vực lớn. Thuyền của ngư dân “loay hoay” để di chuyển khi thủy triều xuống.

Dự án nạo vét cửa biển Lạch Giang vẫn còn để lại mối lo cho người dân Lộc Vĩnh

“Nhà thầu có đề xuất phương án sẽ tiến hành nạo vét khu vực phía ngoài đang bị bồi lấp bằng hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, khai thác cát là khai thác tài nguyên, về phía Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh không đủ thẩm quyền cấp phép mà phải là UBND tỉnh cấp”, ông Tôn Thất Viễn Điểm cho hay.

Ông Tôn Thất Viễn Điểm giải thích, theo thiết kế, quy mô DA gồm 220m kết cấu kè bờ tả, bao quanh khu vực cửa biển phía đối diện với con đường ra cảng Chân Mây; 220m mỏ hàn chắn cát bằng kết cấu bao vải địa kỹ thuật có tuổi thọ khoảng 5 năm, tính từ mép bờ biển ra phía ngoài và nạo vét tuyến kênh dài 583m, có bề rộng từ 38m - 61m với cao trình đáy nạo vét từ 0,86m – 1,06m.

“Việc nạo vét dừng lại ở điểm cuối dài 220m của mỏ hàn chắn cắt trở vào. Thiết kế và mức đầu tư của DA chỉ ngang đó, ở phía ngoài không phải trách nhiệm nạo vét của chủ đầu tư. Đúng là ở phía ngoài vẫn bị bồi lấp, điều này cũng dễ hiểu, khi sóng đẩy cát về khu vực cửa biển, khi gặp đê chắn cát thì dòng chảy thay đổi, cuộn ra phía ngoài biển, do đó, cát theo dòng chảy dồn ra khu vực bên ngoài che chắn cát. Chúng tôi biết, khi kết thúc DA, khu vực ngoài dễ bị bồi lấp tiếp, nếu muốn dứt điểm thì phải có đê bao dài cả 1km, như thế thì không đủ vốn”, ông Tôn Thất Viễn Điểm nói.

Cũng theo ông Tôn Thất Viễn Điểm, ý đồ nạo vét của Lạch Giang chỉ mang tính tạm thời, vì khu vực gần cửa biển là vị trí bến cảng số 4, dự kiến trong khoảng 2019-2020 sẽ thi công. Nếu đầu tư đê kè kiên cố kinh phí sẽ gấp 5-6 lần so với làm đê bao cát như hiện tại, khi DA cảng số 4 thi công phá bỏ thì càng lãng phí.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ xây dựng Long Phụng cho biết, khó khăn cho nhà thầu không phải do nguồn vốn, nhưng theo quy định mới, nhà thầu phải đợi nguồn vốn về mới tiến hành thi công, nhà thầu không được bỏ vốn ra trước rồi giải ngân sau. Do đó, việc thi công cũng phải cầm chừng, muốn nhanh cũng không thể.

Dự án thi công nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồ lấp cửa biển Lạch Giang khắc phục được việc bồi lấp ở khu vực phía trong thì lại bị bồi lấp phía ngoài biển, việc ra vào của ngư dân vẫn chưa được cải thiện.

Dự án nạo vét, gia có khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Khu kinh tế, công nghiệp làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt, dự án có thời gian thực hiện từ 2016 đến 2018 với tổng mức đầu tư 6,62 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp 5,215 tỷ đồng. Công trình do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng trúng thầu thi công. Công trình được khởi công từ ngày 01/3/2017, dự kiến đến 31/12/2018 hoàn thành.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm nạo vét, khơi thông luồng cửa Lạch Giang

Sau các đợt mưa lũ, cửa Lạch Giang (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) tiếp tục bị bồi lấp, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền của ngư dân. Các địa phương đề xuất xem xét bổ sung kinh phí hằng năm để duy trì nạo vét, khơi thông luồng lạch cửa Lạch Giang, cho tàu thuyền ra vào an toàn.

Sớm nạo vét, khơi thông luồng cửa Lạch Giang
Giá trị cửa biển Thuận An

Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: “Cửa biển Thuận An xưa và nay”, do TS. Phan Tiến Dũng chủ biên.

Giá trị cửa biển Thuận An
Return to top