ClockThứ Hai, 12/08/2019 16:45

'Nên xem xét cho Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Luật'

Sáng 12/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộiBế mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội, sau kỳ họp thứ 7, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (Dự án Luật), Thường trực Ủy ban TCNS đã chủ trì, phối hợp với KTNN, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH. 

Toàn cảnh phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Viết Tôn

Trên cơ sở Báo cáo số 961/BC-KTNN ngày 2/8/2019 về định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật, ngày 8/8/2019, Thường trực Ủy ban TCNS đã tổ chức phiên họp để thống nhất nội dung giải trình, tiếp thu Dự án Luật này. 

Tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

Có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra; bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành và KTNN.

Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, đây là vấn đề trọng tâm được đặt ra khi yêu cầu sửa Luật KTNN để tránh chồng chéo giữa thanh tra các cấp và KTNN. Các quy định trong Dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương. 

Theo ông Nguyễn Đức Hải, từ những lý do trên, Dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

KTNN cho rằng, KTNN và thanh tra Chính phủ đã ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp và những nội dung đề xuất trong Dự thảo luật, bảo đảm xử lý chồng chéo giữa Thanh tra và KTNN. Vì vậy, đề nghị giữ như Dự thảo luật.

Giải trình thêm về vấn đề này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN cũng đã có quy chế phối hợp với thanh tra, kiểm tra. Khi có vấn đề chồng chéo thì 2 cơ quan phối hợp cùng giải quyết, trong đó cơ quan chủ trì là KTNN. “Ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó cần có kiểm tra, kiểm toán”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: Về việc chồng chéo giữa kiểm toán và Thanh tra, cơ chế phối hợp sẽ như thế nào, ai là người điều hòa mối quan hệ này? Cho nên ở đâu có tài sản công, tài chính công thì KTNN sẽ trực tiếp thanh tra, kiểm tra. Cần tách bạch rõ phạm vi nào thì KTNN làm, lĩnh vực nào thì Thanh tra nhà nước làm, bởi trong khi kiểm tra có rất nhiều vấn đề đan xen.

Cần quy định rõ hơn về các đối tượng kiểm toán

Có ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng kiểm toán là trái với Luật KTNN và Hiến pháp. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng kiểm toán theo Dự thảo luật là rất rộng, cần thu hẹp lại; quy định rõ hơn về các đối tượng liên quan đến quá trình kiểm toán. Đề nghị rà soát làm rõ thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu… đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về vấn đề này, KTNN đề xuất 2 phương án trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, 2 phương án thực chất là giữ nguyên như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vì phương án 1 là giữ nguyên như đã trình, phương án 2 là chuyển nội dung đã bổ sung tại phương án 1 sang Điều 3. Điều này dẫn đến chưa rõ ràng và mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại Điều 4 Luật KTNN hiện hành, đặc biệt là sẽ bao gồm các tổ chức là doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước. 

Tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán phải là các tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định được trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và cho rằng các tổ chức, cá nhân đó có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, có những nội dung cần làm rõ để xác nhận, đánh giá và kết luận, kiến nghị về đơn vị được kiểm toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành và kết luận phần thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Viết Tôn

Vì vậy, Ủy ban TCNS tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH để cùng cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng bổ sung nội dung để làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán trên nguyên tắc bảo đảm các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm, trình tự, thủ tục của KTNN khi kiểm tra, đối chiếu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

KTNN cho rằng, đề xuất sửa đổi, bổ sung của KTNN không mở rộng đối tượng được kiểm toán mà chỉ quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và đề xuất 2 phương án để xin ý kiến.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Nên xem xét KTNN được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Luật. Nếu không cho KTNN được quyền xử lý thì cũng rất khó cho kiểm toán”.

Bổ sung quy định để thực hiện Luật phòng chống tham nhũng

Có ý kiến đề nghị rà soát kỹ để tránh dẫn chiếu quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; đề nghị Tổng KTNN không quy định các biện pháp xác minh mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật về điều tra, tố tụng. Cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về quyền xác minh, khi nào được xác minh, thủ tục xác minh; có ý kiến đề nghị bám sát các nội dung quy định tại chương II, chương III Luật Phòng, chống tham nhũng để quy định vào Dự thảo luật việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay chính trong cơ quan KTNN. Có ý kiến cho rằng dự thảo luật có nội dung mở rộng hơn Luật phòng, chống tham nhũng, có nội dung làm hẹp phạm vi trách nhiệm của trưởng đoàn, đoàn kiểm toán, kiểm toán viên khi không phát hiện sai sót qua kiểm toán.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng không cần thiết phải bổ sung Khoản 6a Điều 10; khoản 2a điều 11; khoản 2 điều 46; khoản 3 điều 71 vào dự thảo Luật, vì thực chất là dẫn chiếu Luật phòng chống tham nhũng và Luật KTNN cũng đã quy định nhiều điều khoản để thực hiện các nội dung này. Đồng thời khoản 3 điều 71 bổ sung thêm cụm từ “cùng hồ sơ, tài liệu đã kiểm toán” làm hẹp phạm vi trách nhiệm của Trưởng đoàn, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán so với khoản 1 điều 64 Luật phòng chống tham nhũng; bổ sung thêm quyền “xác minh” vào khoản 2 điều 46 cho tất cả các cá nhân tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán khi thực hiện kiểm toán là mở rộng hơn so với Điều 62 Luật Phòng chống tham nhũng (Điều 62 quy định chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng nếu quá trình kiểm toán phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng)… Vì vậy cần rà soát loại bỏ những nội dung dẫn chiếu lại Luật phòng chống tham nhũng; quy định vào dự thảo Luật việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay chính trong cơ quan KTNN; cụ thể hóa các nội dung Luật Phòng chống tham nhũng dẫn chiếu là thực hiện theo pháp luật về kiểm toán; Có ý kiến đề nghị bổ sung quyền “xác minh” cho KTNN.

KTNN cho rằng việc bổ sung các quy định này là cần thiết, nhằm tạo sự thống nhất, tương thích giữa Luật KTNN với Luật Phòng, chống tham nhũng, không mâu thuẫn giữa 2 Luật, có cơ sở để Tổng KTNN ban hành các quy trình hướng dẫn; đối với các quy định quy tắc ứng xử, chuyển đổi vị trí công tác… KTNN đã ban hành các văn bản điều chỉnh. Vì vậy KTNN sẽ rà soát để tránh dẫn chiếu lại Luật Phòng chống tham những, nhưng cơ bản là đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo Luật.

Kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: UBTVQH đồng tình các vấn đề giải trình, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH; KTNN có quyền ban hành văn bản pháp luật và quyền được xử phạt hành chính, nhưng quyền được xử lý đến đâu thì sẽ được quy định trong Luật. Những quy định tránh sự chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần có sự phối hợp giữa các cơ quan này. “Tốt nhất là các cơ quan này cần có sự phối hợp hiệu quả với nhau", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

UBTVQH cho rằng phải giữ nghiêm phạm vi hoat động của kiểm toán như trong Hiến pháp đã quy định và Luật hiện hành. Bổ sung quy định của kiểm toán thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng. “Không đặt ra vấn đề ai giám sát hoạt động kiểm toán, bởi quyền giám sát này là của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói. Việc công khai kết quả sau kiểm toán phải thực hiện theo Luật, trên tinh thần minh bạch.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:
Cần tạo điều kiện cho người tham gia đấu giá có năng lực tài chính

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với việc sửa đổi luật nhằm giải quyết những vấn đề mới phát sinh trên thực tế như, liệt kê tài sản bảo đảm, trình tự thủ tục rút gọn, chế tài với người trúng đấu giá mà bỏ đấu giá...

Cần tạo điều kiện cho người tham gia đấu giá có năng lực tài chính
Return to top