ClockThứ Sáu, 16/06/2017 19:36

Nếu có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, phải được khám và tư vấn điều trị kịp thời

TTH.VN - T.S Trần Như Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Tâm thần Trường ĐH Y Dược Huế đưa ra khuyến cáo như trên đối với căn bệnh không thể xem thường ở các bà mẹ mới sinh con. Bà Hằng cũng nói rõ thêm:
Trong thời kỳ chu sinh, đặc biệt là sau sinh, bà mẹ có thể xuất hiện một số các rối loạn tâm thần. Một số các rối loạn tâm thần có thể gặp trong thời kỳ sau sinh:

Buồn sau sinh (postpartum blues): xảy ra với một tỷ lệ khá cao khoảng 60-80% phụ nữ sau sinh có biểu hiện này, sản phụ thường cảm thấy buồn, dễ khóc, dễ tủi thân, hay cáu gắt, kém tập trung, lo lắng và mất ngủ, tình trạng này thường xảy ra khoảng 2 – 3 ngày đầu sau sinh. Tuy nhiên, buồn sau sinh thường nhẹ và không kéo dài, các triệu chứng thường không quá 2 tuần. Nếu các triệu chứng trên kéo dài quá 2 tuần và tiến triển nặng hơn, cần nghĩ đến trầm cảm sau sinh và nên được đưa đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Trầm cảm sau sinh: chiếm khoảng 10 – 15 % phụ nữ sau sinh. Có sự khác nhau trong việc quy định về thời gian của trầm cảm sau sinh, theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ thì trầm cảm sau sinh là những trường hợp trầm cảm xuất hiện trong vòng 4 tuần đầu sau sinh nhưng có những quan điểm khác thì cho rằng, trầm cảm sau sinh là những trường hợp trầm cảm xuất hiện trong vòng một năm đầu sau sinh. Đây là một rối loạn cảm xúc xảy ra sau khi sinh.

T.S Trần Như Minh Hằng

Các triệu chứng trong trầm cảm sau sinh cũng giống như những trường hợp trầm cảm khác: sản phụ cảm thấy buồn bã, trống rỗng, mất quan tâm thích thú, mau mệt mỏi, cảm thấy đuối sức. Bên cạnh đó những ý tưởng tự ti, bi quan, tự buộc tội thường xuất hiện, sản phụ ăn uống kém, giảm tập trung chú ý, mất ngủ, thường nghĩ đến cái chết hoặc xuất hiện hành vi tự sát. Trong nhiều trường hợp, người mẹ thường giết con trược rồi tự sát. Bên cạnh những triệu chứng chung của rối loạn trầm cảm ở những phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như không thích trẻ con, nghi ngờ về khả năng chăm sóc trẻ của mình, nỗi sợ hãi con bị dị tật. Trong những trường hợp nặng, các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác xuất hiện. Sản phụ có thể có hoang tưởng con mình hiện tại là con của người khác nên có khi, bệnh nhân sát hại đứa trẻ. Hoặc sản phụ có thể nghe thấy những giọng nói sai khiến mình giết con, buộc tội mình hoặc nhìn thấy con mình biến dạng, thành người khác… Khi có những dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm sau sinh, người mẹ cần được đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra

Loạn thần sau sinh (postpartum psychosis): đây là một rối loạn tâm thần khá nặng nề sau sinh, tỷ lệ khoảng 1/1.000 phụ nữ sau sinh. Bà mẹ có hoang tưởng, ảo giác, mất kiểm soát hành vi, có thể sợ hãi, đa nghi… Đây là một trường hợp nặng nề và nguy cơ giết hại trẻ rất cao, cần phải được nhập viện và điều trị sớm.

Căn bệnh này có chịu tác động xã hội hay yếu tố nào về giới không?

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh còn chưa rõ, tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố sau góp phần dẫn đến trầm cảm sau sinh:

-Sự thay đổi các nội tiết tố trong thời kỳ sau sinh như: estrogen, progesterone, cortisol, hoặc các hormone tuyến giáp giảm sau sinh sau một thời gian tăng cao trong giai đoạn thai kỳ là những yếu tố góp phần cho trầm cảm sau sinh;

-Những người có tiền sử gia đình mắc trầm cảm hoặc các rối loạn cảm xúc khác cũng dễ mắc trầm cảm sau sinh;

-Mắc trầm cảm trước đó cũng làm tăng nguy cơ tái phát trầm cảm trong thời kỳ sau sinh;

-Những tai biến sản khoa: chảy máu nhiều khi sinh, sinh khó…

-Sau khi sinh: áp lực từ việc chăm sóc trẻ, thiếu sự quan tâm và hỗ trợ của chồng và các thành viên khác trong gia đình, xung đột với chồng và các thành viên khác trong gia đình, mẹ không có sữa hay gặp những khó khăn khác trong việc cho con bú cũng là những yếu tố nguy cơ của trầm cảm sau sinh.

-Đối với trẻ: giới tính trẻ không như mong đợi, trẻ bị các dị tật bẩm sinh, mắc các bệnh lý sau sinh như vàng da sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh, trẻ non tháng, thiếu cân, sinh non, ngạt khi sinh, trẻ hay quấy khóc, lười bú…

Việc sinh con, chăm sóc sau sinh thường được “khoán gọn” cho người mẹ. Bà có lời khuyên nào đối với các gia đình có sản phụ và trẻ sơ sinh trong thời buổi hiện nay?

Áp lực trong việc chăm sóc trẻ và thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của chồng và các thành viên khác trong gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên trầm cảm sau sinh. Giai đoạn sau sinh người phụ nữ khá nhạy cảm, do đó chồng và các thành viên trong gia đình nên dành thời gian quan tâm và động viên người làm mẹ. Giúp đỡ bà mẹ trong việc nhà và chăm sóc trẻ. Có nhiều quốc gia trong thời gian vợ nghỉ sinh, chồng được phép nghỉ sớm hơn thường lệ để dành thời gian trò chuyện và chăm sóc vợ con. Tôi cho rằng đây là mộtviệc làm nhân văn!

Sự quan tâm của người chồng và gia đình giúp bà mẹ nuôi dạy con tốt hơn. Ảnh: Duy Bảo

Nếu phát hiện bà mẹ bị trầm cảm, việc điều trị sẽ triển khai như thế nào trong điều kiện người mẹ phải ở cữ hay nuôi con nhỏ?

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ bà mẹ mắc trầm cảm, phải đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Trầm cảm sau sinh được điều trị cũng giống như những trường hợp trầm cảm khác, có thể điều trị bằng thuốc, trị liệu tâm lý. Trong những trường hợp nặng như chống đối ăn uống kéo dài, có hành vi toan tự sát… có thể kết hợp thêm với liệu pháp sốc điện. Tuy nhiên, các thuốc điều trị trầm cảm có thể qua sữa mẹ nên việc cho con bú khi mẹ đang điều trị bằng thuốc chống trầm cảm có thể gặp trở ngại. Tùy theo mức độ nặng của trầm cảm mà các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần sẽ có những chỉ định điều trị và lựa chọn loại thuốc chống trầm cảm thích hợp. Với những trường hợp trầm cảm nhẹ và vừa, sản phụ có thể được điều trị ngoại trú tại nhà, tái khám theo lịch hẹn. Tuy nhiên, gia đình phải theo dõi sát để phát hiện ra những dấu hiệu chuyển biến nặng thì đưa sản phụ vào viện kịp thời. Với những trường hợp trầm cảm nặng, cần được nhập viện điều trị. Ở Huế, có hai cơ sở điều trị có thể khám, điều trị và tư vấn cho những trường hợp trầm cảm sau sinh là Khoa Tâm thần – Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Tâm thần Huế.

Có ý kiến cho rằng, tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra, nên tăng cường giám sát hoặc cách ly mẹ và em bé? Đây có phải là điều nên làm?

Việc có nên cách ly bà mẹ và trẻ hay không tùy thuộc vào mức độ trầm cảm của mẹ và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần sẽ có tư vấn cụ thể. Nếu bà mẹ chỉ mắc trầm cảm ở mức độ nhẹ thì việc cách ly mẹ con là chưa cần thiết, tuy nhiên trong giai đoạn này, các thành viên trong gia đình phải hết sức hỗ trợ và giúp đỡ cho bà mẹ. Ở trường hợp này, vai trò của người chồng rất quan trọng, giúp vợ mình vượt qua giai đoạn khó khăn này và cần phải có những tư vấn chuyên môn từ các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Trong những trường hợp bà mẹ mắc trầm cảm nặng, đặc biệt là khi có các triệu chứng loạn thần thì việc giám sát và cách ly mẹ và trẻ là cần thiết và bà mẹ cần phải nhập viện để được điều trị, theo dõi chặt chẽ.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

L.Tuệ (Thực hiện)

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổn thương tâm lý và sức khỏe với nạn nhân sau thiên tai khó đong đếm

Sau bão số 5, một số trường hợp đến bệnh viện khám và điều trị do có các triệu chứng xuất hiện và nặng lên khi mưa lớn hoặc nghe các bản tin về bão lũ. Ngoài hỗ trợ sinh kế, tư vấn về ổn định tâm lý cho nạn nhân sau thiên tai cần được quan tâm. T.S Trần Như Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Tâm thần Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế, Trưởng phòng khám sức khỏe tâm thần và trị liệu tâm lý BV Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho hay:

Tổn thương tâm lý và sức khỏe với nạn nhân sau thiên tai khó đong đếm

TIN MỚI

Return to top