ClockThứ Ba, 21/02/2017 14:32

Nga và thế giới mất đi “nhà ngoại giao kiệt xuất” Vitaly Churkin

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã qua đời trong khi đang làm nhiệm vụ tại New York Mỹ vào ngày 20/2.

Theo AFP, ông Churkin bị đột quỵ vào buổi sáng và đã được đưa ngay đến bệnh viện Manhattan để điều trị nhưng đã không thể qua khỏi.

nga va the gioi mat di nha ngoai giao kiet xuat vitaly churkin hinh 1
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp quốc Vitaly Churkin.

Nga tiếc thương vô hạn

Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga mô tả ông Churkin là “một nhà ngoại giao kiệt xuất”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chia sẻ: “Ông Churkin là một nhà ngoại giao kiệt xuất, một cá tính đặc biệt và một nhân vật nổi trội. Chúng tôi đã mất đi một trong những người thân yêu nhất”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov chia sẻ: “Ông Churkin là một người có ý chí mạnh mẽ, tinh thần quyết tâm và làm việc đầy trách nhiệm. Ông luôn khiến đồng nghiệp phải ngưỡng mộ và kẻ thù phải ghen tỵ.

Đại sứ Churkin luôn nỗ lực hết mình “chiến đấu vì một tương lai xán lạn hơn cho thế giới. Cái chết của ông Churkin là một tổn thất nghiêm trọng không chỉ cho ngành ngoại giao mà cả cho toàn thể nhân dân Nga”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin “đánh giá cao tính chuyên nghiệp và tài năng ngoại giao của ông Churkin” và gửi lời chia buồn đến gia đình ông Churkin.

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Petr Iliichev cho biết, ông Churkin đã “làm việc cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc bảo vệ lợi ích của nước Nga. Ông ấy luôn là người có mặt trên tuyến đầu.

Chúng tôi đã mất đi một nhà ngoại giao tài năng, một nhà đàm phán mạnh mẽ, một cá nhân tuyệt vời và ông Churkin sẽ luôn ở trong tâm trí của chúng ta”, ông Illiichev nói.

“Người khổng lồ” trong ngành ngoại giao 

Thông tin ông Churkin đột ngột qua đời cũng khiến rất nhiều quan chức ngoại giao tại Liên Hợp Quốc đau buồn. Tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ các nước đã dành một phút mặc niệm ông Churkin.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq đã gửi lời chia buồn đến gia đình ông Churkin và cho biết: “Chúng tôi rất đau buồn trước việc Đại sứ Churkin qua đời. Ông ấy là một người có mặt tại đây rất thường xuyên nên tôi cảm thấy rất sốc trước cái chết của ông Churkin”.

Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre ca ngợi, ông Churkin là “một trong những nhà ngoại giao tài năng nhất mà ông từng biết và là một đại diện xuất chúng của Nga” tại Liên Hợp Quốc.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft chia sẻ, ông cảm thấy “rất đau buồn” trước thông tin ông Churkin qua đời và mô tả ông Churkin là “một “người khổng lồ” trong ngành ngoại giao và một cá nhân kiệt xuất”.

Một sự nghiệp lẫy lừng

Ông Churkin là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp sinh ngày 21/2/1952 tại Moscow và học tiếng Anh từ nhỏ. Năm 1974, ông tốt nghiệp Viện Quan hệ Quốc tế Moscow danh tiếng. Sau đó, ông còn làm luận án Tiến sĩ Lịch sử vào năm 1981 và học thêm tiếng Pháp và tiếng Mông Cổ.

Ông Churkin bắt đầu làm việc ở Bộ Ngoại giao Nga vào năm 1974 với tư cách là một phiên dịch trước khi làm việc tại Đại Sứ quán Liên Xô tại Mỹ trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Từ năm 1989-1990, ông Churkin làm thư ký báo chí cho Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze (người sau này là Tổng thống Gruzia) trước khi được thăng cấp làm Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Ngoại giao Nga.

Năm 1992, ông Churkin là Thứ trưởng Ngoại giao Nga và từ giữa năm 1992-10/1994, ông Churkin là Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Balkan và tham gia vào quá trình đàm phán trong cuộc xung đột tại Bosnia.

Trong những năm sau đó, ông Churkin làm Đại sứ Nga tại Bỉ (1994-1998) và Canada (1998-2003). Sau đó, vào tháng 4/2006, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc.

Trong thời gian làm Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Churkin đã lên tiếng bảo vệ lợi ích của Nga trong nhiều vấn đề, bao gồm cuộc xung đột tại Kosovo, cuộc chiến tranh Nga-Gruzia vào năm 2008 và mới đây nhất là cuộc xung đột tại Syria.

Trong suốt gần 10 năm ông Churkin làm Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, quan hệ giữa Nga và phương Tây hết sức căng thẳng, đặc biệt là sau khi phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ phe đối lập tại miền Đông Ukraine cũng như việc Nga can thiệp quân sự vào Syria.

Trong những tháng cuối cùng trong sự nghiệp của mình, ông Churkin thường xuyên “va chạm” với Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc lúc đó là bà Samantha Power về cuộc nội chiến tại Syria.

Ông Churkin là người luôn cứng rắn bảo vệ quan điểm của Moscow rằng, Chính phủ Syria đang tham gia vào cuộc chiến “chống khủng bố”. Trong suốt thời gian ông Churkin tại nhiệm, Nga đã 6 lần dùng tới quyền phủ quyết để phản đối mọi hành động can thiệp vào tình hình Syria.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc chia sẻ, công việc của một nhà ngoại giao “giờ đã trở nên bận rộn hơn nhiều so với trước đây và có rât nhiều áp lực. Đáng tiếc là, thế giới của chúng ta lại không trở nên ổn định hơn so với trước đó”.

Do có thời gian làm việc tại Liên Hợp Quốc khá dài, ông Churkin từng đùa rằng, chỉ có mỗi Đại sứ Turkmenistan tại Liên Hợp Quốc là đã “vượt mặt ông” về nhiệm kỳ công tác tại Liên Hợp Quốc.

Trước thông tin ông Churkin qua đời, bà Power thừa nhận bà “cảm thấy hết sức đau buồn” và mô tả ông Churkin là “một bậc thầy ngoại giao” và “một người hết sức tận tụy” trong việc trở thành cầu nối giữa Nga và Mỹ.

Người kế nhiệm bà Power, bà Nikki Haley cũng bày tỏ khâm phục ông Churkin và cho biết, Đại sứ Nga “đã thể hiện mình là một người đồng nghiệp hết sức lịch lãm”.

“Dù không phải lúc nào chúng tôi cũng nhìn nhận mọi việc giống nhau nhưng ông Churkin luôn làm việc hết sức mình để bảo vệ quan điểm của Nga với một kỹ năng ngoại giao đặc biệt”, bà Haley nói./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS (27/1/1973 – 27/1/2023)
Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại hội đàm Paris qua báo giới phương tây

Tròn nửa thế kỷ trôi qua, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris vào ngày 27/1/1973 giữa bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) và Việt Nam Cộng hòa, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, nhằm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tạo tiền đề để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại hội đàm Paris qua báo giới phương tây
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN DUY TRINH (15/7/1910-15/7/2020)
Nhà ngoại giao “cỡ lớn” trong thời đại Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một nhà ngoại giao lớn của cách mạng Việt Nam. Với tài năng và đức độ, ông là mẫu mực của một nhà ngoại giao “cỡ lớn” trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà ngoại giao “cỡ lớn” trong thời đại Hồ Chí Minh
Tân Đại sứ Đan Mạch ấn tượng với Việt Nam ngay từ chuyến thăm đầu tiên

Theo thông cáo của Đại sứ quán Đan Mạch, ông Kim Højlund Christensen hôm nay 16/10 đã trình quốc thư lên Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, chính thức đảm nhận vị trí Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam với trọng trách thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Tân Đại sứ Đan Mạch ấn tượng với Việt Nam ngay từ chuyến thăm đầu tiên
Return to top