ClockThứ Sáu, 29/04/2016 11:14

Ngắm cổ vật nghìn năm

TTH.VN - Festival Huế năm nay, người dân và du khách được chiêm ngưỡng hàng trăm cổ vật gốm sứ có giá trị văn hóa lịch sử từ hàng nghìn, hàng trăm năm trước. Đây là thành quả sau hơn 20 năm sưu tầm của hai nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi) và Nguyễn Hữu Hoàng (Huế), với nhiều công sức và tiền của.

Chế tác tinh xảo của người Việt cổ

Được trưng bày từ 24/4 đến 4/5 tại Bảo tàng Văn hóa Huế, trưng bày “Cổ vật nghìn năm kể chuyện” giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập về văn hóa Sa Huỳnh và bộ sưu tập gốm Lý – Trần – Lê, đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, chúa Nguyễn, vua Nguyễn. 250 cổ vật mang trong mình những câu chuyện văn hóa đặc biệt từ ngàn xưa.

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng và Lâm Dũ Xênh (thứ 1 và 2 từ phải sang) giới thiệu với người xem giá trị của các cổ vật

Bộ sưu tập của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh là những tinh hoa của văn hóa Sa Huỳnh, như: đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, mộ chum. Nhìn những món đồ trang sức: chuỗi hạt, vòng đeo tay, khuyên tai, nhẫn bằng mã não, pha lê, thủy tinh, vàng… vẫn còn sáng bóng, không ai nghĩ chúng có niên đại cách đây 2.500 năm, nhất là những chiếc hoa tai bằng mã não không biến dạng mà vẫn giữ được màu sắc.

Trong số các hiện vật trang sức, lạ nhất là khuyên tai hai đầu thú (dành cho đàn ông) được chế tác từ đá ngọc cực kỳ tinh vi. Đây là hiện vật rất quý hiếm, đặc trưng cho văn hóa Sa Huỳnh. Ở không gian bên cạnh là đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người Việt cổ. Những nồi, chén, chậu, vò, bình… làm bằng gốm với hoa văn khá phong phú. Những loại hoa văn này được tạo nên bằng thủ pháp khắc vạch, hoa văn răng sò, ấn lõm.

Trang sức của người Việt cổ

Những công cụ lao động và vũ khí, như: rựa, đục, rìu, thuổng, cuốc, giáo, dao, kiếm... bằng kim loại đồng, sắt được phát hiện khá nhiều trong các di chỉ cư trú và mộ táng của cư dân Sa Huỳnh cũng được trưng bày ở đây. Nếu sự phong phú của hiện vật chất liệu sắt là hiện tượng đặc biệt của văn hóa Sa Huỳnh ở thời đại kim khí, thì đồ đồng thể hiện sự tiếp xúc, giao lưu, trao đổi với nền văn hóa Đông Sơn và các nền văn hóa trên bán đảo Đông Dương cũng như trong vực Đông Nam Á. Qua đó, chứng minh cho sự phát triển đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nền văn hóa này trong lịch sử.

Không gian trưng bày còn có những chiếc mộ chum to, nhỏ thuộc vào loại quý hiếm. Có niên đại hơn 2.000 năm, đây là táng thức của người Việt cổ xưa được sưu tầm, gìn giữ, bảo quản đến ngày nay. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum, vò nhưng ít khi tìm thấy di cốt hay than tro hỏa táng trong này. Theo các nhà nghiên cứu, táng tục của cư dân Sa Huỳnh có thể là “chôn tượng trưng”. Trong chum chứa nhiều đồ tùy táng gồm các chất liệu đá, gốm, sắt, đá quý, thủy tinh rất đa dạng, như: công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trang sức... Theo nhận xét của nhiều người, những món đồ trang sức này được chế tác ở trình độ thẩm mỹ cao, đạt đến tinh hoa của nghề thủ công mỹ nghệ.     

Đồ dùng sinh hoạt của người Việt cổ

Nhà nghiên cứu Bửu Ý ngỡ ngàng: “Thật không tin nổi những cổ vật có từ hàng nghìn năm trước đến giờ trông vẫn mới, có những hiện vật được chế tác đạt đến mức tinh xảo. Trước khi đến đây, tôi cứ ngỡ đã hàng ngàn năm trôi qua, e là chúng đổ nát, vỡ vụn nhưng ngạc nhiên là nhiều thứ vẫn nguyên vẹn. Để có bộ sưu tập quý giá như thế này, hẳn các nhà sưu tập đã bỏ ra rất nhiều công sức. Ngắm những cổ vật từ hàng nghìn năm trước, tôi cảm thấy dòng lịch sử vẫn tiếp nối, xuyên suốt từ xa xưa đến ngày nay”.

Kể hành trình lịch sử qua gốm sứ

Không gian trưng bày của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng gồm những cổ vật quý: gốm dưới các vương triều Lý, Trần, Lê và đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn. Những chiếc dĩa, chén, ấm, bình tỳ bà, bình vôi... bằng gốm hoa lam, gốm men trắng và gốm vẽ nhiều màu đạt đến đỉnh cao của sự tinh mỹ. Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng giới thiệu: “Dưới các vương triều Lý, Trần, Lê, công nghệ sản xuất gốm của người Việt đã rất phát triển. Gốm không chỉ là đồ dùng thủ công thân thuộc trong đời sống mà còn trở thành nét hồn dân tộc với vẻ đẹp rất riêng”.

Gốm thời kỳ Lý - Trần cơ bản giống nhau cả về hình dáng, màu men, hoa văn trang trí. Sản phẩm đa dạng, phong phú gồm men trắng, men ngọc, men xanh lục, men nâu, hoa nâu và hoa lam. Tuy nhiên, giữa hai thời kỳ vẫn có những khác biệt nhất định, như kỹ thuật tạo chân đế của gốm thời Trần khác với gốm thời Lý, bố cục hoa văn tuy giống nhau nhưng ở gốm thời Trần chi tiết không cầu kỳ, tinh xảo như gốm thời Lý. Sang đến thời Lê, công nghệ sản xuất gốm tiếp tục có bước tiến mới với sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm sản xuất gốm lớn, nổi tiếng nhất là Chu Đậu và Hải Dương, trở thành mặt hàng chủ đạo trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Trong bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu của ông Nguyễn Hữu Hoàng có những cổ vật trị giá bạc tỷ

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng sở hữu nhiều cổ vật giá trị thuộc đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Những món đồ sứ ngự dụng, quan dụng, như: tô, chén, dĩa, tìm... trở thành những cổ vật rất giá trị, đến mức có cái tô trị giá đến 1,5 tỷ đồng. Những đồ sứ này tuy được triều đình, quan lại Việt Nam đặt hàng từ các lò gốm sứ Trung Hoa nhưng kiểu dáng, họa tiết, cảnh trí đều do những nghệ nhân của triều đình nhà Nguyễn thiết kế nên chúng mang hồn người Việt. Người xem có thể tìm thấy trong đó tinh thần tự tôn dân tộc qua những phong cảnh, họa tiết, đề tài mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, gần gũi với người Việt, như: cảnh chợ chiều ở Thuận Hóa, đèo Hải Vân, non nước ở Đà Nẵng, thậm chí là thơ văn của vua chúa Việt Nam.

Đồ ngự dụng thời Thiệu Trị

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP Huế, nguyên Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế cho hay: “Chủ đề của Festival Huế năm nay gắn với 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế nên chúng tôi muốn kể hành trình lịch sử của vùng đất qua những bộ sưu tập này. Hai bộ sưu tập như một dòng chảy văn hóa chuyển tải từ hàng ngàn năm, từ thời đại văn hóa Sa Huỳnh – cái nôi văn minh Việt Nam đến các triều đại Trần – Lê – Nguyễn, nhằm giới thiệu một phần đời sống xã hội, lao động, tâm linh, những nghi thức, tín ngưỡng dân gian, sự tinh xảo, điêu luyện trong kỹ thuật đồ đá, đồ gốm, đồ sắt, đồ thủy tinh, đồ sứ - tinh hoa của người Việt cổ, mang đậm giá trị văn hóa của lịch sử Việt Nam”.

Nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh chia sẻ: “20 năm qua, tôi đã sưu tầm nhiều bộ sưu tập có giá trị, chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Góp nhặt từng thứ một ở khắp nơi, giờ tôi thấy mãn nguyện vì được mang đến đây công sức bao năm qua giới thiệu cho công chúng và du khách gần xa hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam, nhất là nền văn hóa lâu đời cách đây hàng nghìn năm”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chiều 22/3, tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đóng tại TX. Hương Thủy) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”.

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật

Bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng đến kết hợp công nghệ số để thu hút, hấp dẫn, tăng cường khả năng trải nghiệm cho người xem. Công nghệ số cũng cần tập trung đến việc số hóa dữ liệu trưng bày để phục vụ, khai thác các giải pháp thông minh.

Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật
Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án

Ngày 7/12, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Văn Hòa (SN 1990), Nguyễn Quang Trung (SN 1991, cùng trú tại phường Phú Hậu, TP. Huế) về tội “Trộm cắp tài sản”.

Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án
"Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”

Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại” vào ngày 17/11 tại Toà nhà triển lãm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.

Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”
Return to top